Tự hào truyền thống 90 năm vẻ vang

CSVN XUÂN – Năm 2019 là năm kỷ niệm 90 năm truyền thống ngành cao su (28/10/1929 – 28/10/2019). Trước những thách thức mới của thị trường, của khí hậu thời tiết, nhưng với bề dày lịch sử truyền thống của mình, tin rằng ngành cao su VN – VRG sẽ tiếp tục vững bước phát triển.

Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo VRG qua các thời kỳ, cùng các đại biểu trung ương và địa phương, tại lễ kỷ niệm 89 năm truyền thống ngành cao su (28/10/1929 – 28/10/2018). Ảnh: Vũ Phong.

Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo VRG qua các thời kỳ, cùng các đại biểu trung ương và địa phương, tại lễ kỷ niệm 89 năm truyền thống ngành cao su (28/10/1929 – 28/10/2018). Ảnh: Vũ Phong.

Truyền thống hào hùng

Cây cao su có mặt tại Việt Nam từ năm 1897, được người Pháp trồng chủ yếu ở miền Đông Nam bộ trong chính sách khai phá thuộc địa. Không chỉ khai thác tài nguyên thực dân Pháp, các ông chủ đồn điền còn tàn ác bóc lột lao động. Ngày ấy phu công tra từ miền Bắc, miền Trung làm việc tại các đồn điền cao su như địa ngục trần gian: đói rách, bệnh tật, đòn roi, cúp phạt.

Bán thân đổi mấy đồng xu

Thịt xương vùi gốc cao su mấy tầng (Tố Hữu)

Hay:

Cao su đi dễ khó về

Khi đi trai tráng khi về bủng beo

Đến nay đã 122 năm cây cao su hiện diện ở nước ta, dấu tích xưa vẫn còn lưu giữ trong ký ức lớp lớp thế hệ công nhân cao su hôm nay: những làng cao su, những đồn điền có các công trình xây dựng, nhà máy chế biến, … Nhưng có lẽ mốc son sáng ngời nhất của lịch sử phong trào công nhân cao su là sự kiện Phú Riềng đỏ (28/10/1929). Sự kiện này chứng minh cho quy luật “Có áp bức là có đấu tranh”, từ đấu tranh tự phát đến đấu tranh tự giác, từ đấu tranh chống lại sự hà khắc tàn nhẫn của chủ tây, đòi cơm áo đến đòi bình đẳng, đòi quyền dân chủ tự do, tiến lên giành độc lập.

Cũng từ đó dưới sự lãnh đạo của Đảng, công nhân các đồn điền cao su đã không ngừng đóng góp sức người sức của trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp – chống Mỹ, và chiến tranh biên giới Tây Nam. Toàn ngành có 3 công ty được tặng danh hiệu AHLLVTND là các đồn điền Dầu Tiếng – Đồng Nai – Hớn Quản (Bình Long) và có cả nông trường được tặng danh hiệu cao quý này, có 1 cá nhân AHLLVTND là ông Võ Tấn Trạng, đồn điền cao su Dầu Tiếng. Nói vậy đủ thấy sự đóng góp vào sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất đất nước của các thế hệ cha anh cao su trước đây thật to lớn.

Là thế hệ đội ngũ công nhân cao su hiện nay không được quên quá khứ hào hùng đó, để hôm nay chúng ta được thừa hưởng, mà có quyền tự hào, hãnh diện để tự tin vững vàng vượt qua khó khăn thách thức.

Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo VRG qua các thời kỳ, cùng các đại biểu trung ương và địa phương trước tượng đài Phú Riềng Đỏ. Ảnh: Vũ Phong.
Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo VRG qua các thời kỳ, cùng các đại biểu trung ương và địa phương trước tượng đài Phú Riềng Đỏ. Ảnh: Vũ Phong.

Vị thế quy mô được khẳng định

VRG là 1 tập đoàn lớn trong 8 tập đoàn nhà nước, với gần 300.000 ha cao su trải dài từ Nam chí Bắc, cao su không chỉ bạt ngàn ở miền Đông Nam bộ mà phát triển cả Tây Nguyên, miền Trung và miền núi phía Bắc. Cuối năm 2018 VRG đã khánh thành Nhà máy chế biến cao su 28 – 10 tại Công ty CPCS Sơn La có công suất (giai đoạn1) 6.000 tấn/năm. Hàng trăm tấn mủ SVR10 của vùng núi Tây Bắc đã xuất khẩu ra thị trường. Những nghi ngại lo âu ban đầu về việc phát triển cao su ra miền núi phía Bắc đã có câu trả lời, nhưng ta cũng khẳng định: Về an sinh xã hội là hoàn toàn có cơ sở, còn hiệu quả kinh tế sẽ không bằng miền Đông Nam bộ.

Ngày Công ty CPCS Lai Châu làm lễ mở miệng cạo, tôi và không ít người rưng rưng nước mắt khi dòng mủ đầu tiên khơi chảy bởi những đôi tay công nhân người Thái, người H’Mông. Tôi quá ngạc nhiên và xúc động khi kết quả Hội thi Bàn tay vàng khai thác mủ cao su lần thứ XI năm 2018 tại Đồng Nai có 2 công nhân cao su Sơn La đều là người dân tộc đạt danh hiệu Kiện tướng.

Ngoài việc tạo doanh thu – lợi nhuận thì VRG thường xuyên chú trọng công tác an sinh – xã hội, an ninh – trật tự trên địa bàn, việc làm – thu nhập của gần 90.000 CNLĐ và gia đình họ trong điều kiện khó khăn hiện nay. Đây thực sự là một cố gắng cực lớn của bộ máy quản lý từ ngành đến các đơn vị thành viên.

Hiện VRG đang phát huy thế mạnh ngành chế biến gỗ cao su và gỗ rừng trồng. Hiện doanh thu ngành này cũng tăng đáng kể, các nhà máy công nghệ cao MDF ở Quảng Trị, DongWha ở Bình Phước, Kiên Giang đã có sản lượng 600.000 m3 – lớn nhất cả nước. Các khu công nghiệp từ đất cao su cũng nhanh chóng lấp đầy, mở rộng thêm diện tích và chuẩn bị hình thành các khu – cụm công nghiệp mới.

Các sản phẩm sản xuất từ mủ cao su như: găng tay y tế, bóng thể thao, nệm mút, chỉ thun vẫn được chú trọng sản xuất có hiệu quả, tìm hướng mở rộng thị trường, mạnh dạn liên kết sản xuất vỏ xe tải nhãn hiệu ***VRG, tiến tới sản xuất các loại sản phẩm thị trường vỏ xe yêu cầu.

Đối với quốc tế, hiện cao su Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về sản lượng (sau Thái Lan và Indonesia) năng suất vườn cây luôn đứng đầu thế giới, sản phẩm cao su của VRG đã xuất khẩu đến các thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn cao như: Nhật, Mỹ, châu Âu…

Việc phát triển 28.000 ha cao su sang Lào và gần 90.000 ha tại Vương quốc Campuchia là một thành quả nổi bật trong 10 năm qua, được Chính phủ và nhân dân nước bạn đánh giá là tiêu biểu trong số các nhà đầu tư vào nước họ. Ngoài mở rộng quy mô diện tích sang Lào – Campuchia, tăng quy mô của Tập đoàn nhằm SXKD hiệu quả thì cao su còn có ý nghĩa an ninh – quốc phòng, hữu nghị, ngoại giao quốc tế giữa 3 nước anh em gắn bó keo sơn từ thời kỳ kháng chiến giành độc lập đến thời kỳ xây dựng đất nước, đồng thời cũng là tiếp bước cha anh đã đổ máu tình nguyện giúp bạn giành độc lập.

Việc Hiệp hội Các nước sản xuất cao su thiên nhiên bầu ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch Hiệp hội Cao su VN, Chủ tịch HĐQT VRG giữ chức chủ tịch hiệp hội này vừa khẳng định vị thế cao su Việt Nam trong các nước sản xuất cao su thiên nhiên, đồng thời cũng là cơ hội để cao su Việt Nam tiếp tục có điều kiện tái cấu trúc phát triển bền vững.

Tại Hội thi Bàn tay vàng khai thác mủ cao su tháng 12/2018 vừa qua ở TCT CS Đồng Nai càng khẳng định tính đặc thù của ngành được nâng tầm quốc tế, các công nhân từ Lào – Campuchia cũng hào hứng thi tài, khi các đoàn thợ giỏi diễu hành có cả thuyết minh tiếng Việt, tiếng Lào và tiếng Campuchia, khẳng định tầm quốc tế của cuộc thi này, thể hiện quy mô hoành tráng và công tác tổ chức ngày càng chuyên nghiệp.

Lãnh đạo VRG và Công đoàn Cao su VN trao giải thưởng Cao su Việt Nam năm 2018. Ảnh: Vũ Phong
Lãnh đạo VRG và Công đoàn Cao su VN trao giải thưởng Cao su Việt Nam năm 2018. Ảnh: Vũ Phong

Vượt qua khó khăn thử thách

Có thể nói năm 2011 là năm có giá mủ cao su cao nhất, xấp xỉ 6.000 USD/tấn, thì nay còn trên dưới 1.400 USD/tấn. Để ứng phó với khó khăn này, VRG và các công ty luôn chuẩn bị các kịch bản trước thử thách quá lớn, nhất là trong khi thời tiết khí hậu đang diễn ra phức tạp khó lường, tác động trực tiếp đến vườn cây, ảnh hưởng đến năng suất sản lượng. Ngoài ra các khu công nghiệp còn thu hút lao động cao su bằng việc làm – thu nhập rất cạnh tranh như hiện nay, ảnh hưởng đến công tác tổ chức sản xuất của các đơn vị. Và còn nhiều thách thức khác ở phía trước…

Ngành cao su đã hoàn thành cơ bản tái cấu trúc giai đoạn đầu, nổi bật là đã hoàn thành cổ phần hóa từ 1/6/2018, chuyển Tập đoàn thành công ty cổ phần. Công tác sắp xếp lại các doanh nghiệp thành viên của VRG đã cơ bản theo lộ trình đã được Chính phủ và Bộ NN&PTNT phê duyệt, công tác thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành chỉ còn 4 nhà máy thủy điện. Việc tiết giảm suất đầu tư XDCB, “thắt lưng buộc bụng”, tiết giảm chi phí hạ giá thành được triển khai quyết liệt. Tăng cường xử lý tái cấu trúc lại nguồn vốn và quản trị tài chính, tăng cường giám sát nề nếp bài bản, nhất là các đơn vị chưa có doanh thu từ khai thác mủ, kể cả các đơn vị mới đưa vườn cây vào khai thác, năng suất còn thấp giá thành còn cao.

Trong những giải pháp mang tính chiến lược là nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, đây là một chuyển biến mang tính đột phá về nhận thức với bước đi chắc, không làm theo phong trào mà phải hợp tác liên kết các đối tác có vốn, có công nghệ, có đầu ra. Đây là hướng đi đúng, cần phát huy mạnh mẽ.

Có thể nói, nhìn lại 122 năm từ khi cây cao su bắt đầu có mặt ở nước ta, và 90 năm truyền thống Phú Riềng đỏ (1929 – 2019), để có được ngành cao su như hôm nay, chúng ta đã trải qua biết bao nhiêu thăng trầm của thế cuộc, có nỗi đau nào bằng thời kỳ nô lệ lầm than, có thử thách nào bằng xương máu của thế hệ công nhân cao su thời chống Pháp – chống Mỹ, có khó khăn nào bằng thời kỳ giá bán thấp hơn giá thành mà vẫn không tiêu thụ được sản phẩm, phải nợ lương công nhân 2-3 tháng. Tất thảy ngành cao su đều vượt qua, vì vậy với truyền thống vẻ vang hào hùng của mình, ngành cao su – VRG chắc chắn sẽ tự tin vượt qua mọi khó khăn thử thách.

Năm 2019 VRG sẽ tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi chào mừng 90 năm truyền thống của mình, chuỗi hoạt động ấy thực sự ý nghĩa khi toàn thể cán bộ CNVC – LĐ toàn ngành tiếp tục đoàn kết thi đua vượt khó, chắt chiu thành quả, nỗ lực vươn lên, xứng tầm vị thế của Tập đoàn, giữ mãi niềm tin yêu của người lao động, xứng đáng với danh hiệu cao quý Huân chương Sao Vàng mà Đảng – Nhà nước phong tặng Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN.

VÕ SỸ LỰC – Nguyên Chủ tịch HĐTV VRG