CSVN – Những ngày cuối năm, chúng tôi được gặp ông Nguyễn Văn Vượng người cựu chiến binh Binh đoàn 23 năm xưa tại Nông trường 8, Cao su Phú Riềng. Tuy đã bước qua tuổi “thất thập” nhưng trông ông vẫn còn khỏe khoắn, giọng hào sảng kể lại cho chúng tôi nghe thời kỳ gian khó mà hào hùng đã qua.
Thời kỳ đầu gian khó hơn nhiều
Ông Nguyễn Văn Vượng sinh năm 1946, quê ở Yên Thành, Nghệ An. Năm 1979, ông tham gia chiến đấu trên chiến trường Campuchia. Năm 1980, ông được điều về làm Trung đoàn phó, Tham mưu trưởng Trung đoàn công binh 270, rồi Trưởng ban Tác chiến Binh đoàn 23. Tháng 12/1980, Chính phủ và Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Binh đoàn 23 với nhiệm vụ cùng Công ty Cao su Phú Riềng xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút lực lượng lao động và thực hiện khai hoang, trồng mới cao su. Cuối năm 1982, ông được biệt phái làm Giám đốc Nông trường 8 (Cao su Phú Riềng) đến khi nghỉ hưu vào tháng 4/2004. 14 năm về hưu ông vẫn luôn dõi theo sự phát triển của công ty và của ngành.
Trong ký ức của ông vẫn còn hiện hữu những năm khó khăn thời kỳ đầu khi tiếp quản. ông xúc động kể: “Nông trường 8 được thành lập tháng 10/1980, tiền thân là đơn vị bộ đội làm kinh tế. Từ tháng 12/1981 đến 6/1984, nông trường tiếp nhận một lượng lớn lao động thuộc 3 tỉnh Bình Trị Thiên, Thanh Hóa và Hà Sơn Bình theo sự điều động của Cục Điều động lao động, Bộ Lao động. Cực kỳ khó khăn gian khổ, toàn dân miền Bắc, miền Trung vào ai cũng chưa biết cây cao su là gì phải tự thích nghi và tìm hiểu”.
Ông kể: “Tôi còn nhớ thời kỳ đó, cuộc sống của công nhân gặp muôn vàn khó khăn, lúc khai hoang rừng rắn rết, muỗi nhiều vô kể, bệnh sốt rét ác tính hoành hành. Trạm y tế quá tải vì bệnh nhân sốt rét nhập viện, có nhiều người chết vì sốt rét… Một số người nản lòng đã bỏ cuộc quay về. Thời đó cơm không có ăn, độn khoai độn sắn, nhà tranh tre, lán trại tạm bợ, chưa có trường học cho các cháu, những người lính vừa phải tuyên truyền, vận động người lao động an tâm tư tưởng, vừa tham gia sản xuất để bảo đảm lương thực và tổ chức chặt cây dựng nhà, mở lớp dạy chữ cho con em công nhân”.
Đoàn kết rồi sẽ vượt qua
Những người ở lại tiếp tục nỗ lực vượt khó để dựng xây, ổn định sản xuất, định hình, xây dựng và phát triển nông trường vững mạnh như ngày hôm nay. Cuối năm 1983, Binh đoàn 23 hoàn thành nhiệm vụ, đại bộ phận cán bộ và chiến sĩ trở về quân đội. Nhưng để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Binh đoàn cho chuyển ngành trên 120 sĩ quan và hạ sĩ quan tiếp tục làm nhiệm vụ quản lý các nông trường, xí nghiệp và đơn vị trực thuộc công ty.
Ông chia sẻ: “Những cán bộ, công nhân viên nguyên là cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn 23 năm xưa nay đã nghỉ hưu, nhưng mỗi năm vào mỗi dịp Tết đến, các ngày lễ, công ty đều tổ chức gặp mặt tri ân cựu thế hệ cán bộ hưu trí. Chúng tôi lại có dịp được gặp mặt, hàn huyên, cùng ôn lại thời kỳ hào hùng gian khó đã qua và kể cho lớp cháu con, thế hệ trẻ về truyền thống vượt khó, đoàn kết của đơn vị”.
“Trong khó khăn, công ty vẫn đảm bảo thực hiện trả lương đầy đủ cho NLĐ, các chế độ luôn được đầy đủ. Nhân dân trên địa bàn được hưởng lợi từ hệ thống giao thông, điện đường trường trạm, cơ sở vật chất của các nông trường… Trước đây khó khăn chật vật triền miên mà vẫn vượt qua được. Khó khăn bây giờ chỉ là tạm thời, đã đoàn kết thì khó mấy rồi cũng vượt qua”, ông Vượng tin tưởng.
MINH TÂM
Related posts:
- Tự hào lớn lên trong gia đình truyền thống
- Người công nhân nói ít, làm nhiều
- "Hành trang là ý chí thoát nghèo"
- Người lãnh đạo luôn gần gũi công nhân
- Đam mê nghiên cứu, sáng tạo
- Giảm HAS trong sản xuất SVR CV 50, 60
- Cao su Việt Lào: Thảo Văn Chợt - Giữ vững “ngôi vương”
- Hoàng Hải Hiền: Người thầy đam mê sáng tạo
- Nữ cán bộ Công đoàn gương mẫu
- Đoàn Minh Đức - Người cán bộ tận tụy theo gương Bác