Sáng mãi truyền thống phụ nữ Việt Nam

CSVN – Sinh thời Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã từng nói rằng: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già ra sức dệt thêu mà nên tốt đẹp rực rỡ” để khẳng định vai trò quan trọng của người phụ nữ trong quá trình đấu tranh giành độc lập, xây dựng và phát triển đất nước.
Phụ nữ ngành cao su tài năng và duyên dáng. Trong ảnh: Bà Nguyễn Thị Thu Hồng – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN và ông Phan Mạnh Hùng – Chủ tịch CĐ CSVN trao giải nhất. Ảnh: Đào Phong
Phụ nữ ngành cao su tài năng và duyên dáng. Trong ảnh: Bà Nguyễn Thị Thu Hồng – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN và ông Phan Mạnh Hùng – Chủ tịch CĐ CSVN trao giải nhất. Ảnh: Đào Phong
Những nữ tướng vang danh

Lịch sử Việt Nam ghi nhận phụ nữ là nguồn hạnh phúc, chăm sóc chồng con, đỡ đần cha mẹ già yếu, là chỗ dựa cho gia đình trong nhiều phương diện cuộc sống, chính vì vậy người phụ nữ luôn được yêu thương và chiếm vị trí quan trọng trong xã hội. Họ đã đảm đang, trung hậu sản sinh ra những thế hệ anh hùng của dân tộc anh hùng.

Đại thi hào Nga Macxim Gorki đã từng viết “Đời vắng mẹ hiền không phụ nữ – Anh hùng thi sĩ hỏi còn đâu?”. Những trang sử hào hùng của đất nước ta đã ghi lại, xã hội ghi nhận đánh giá cao và minh chứng những truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam trong suốt tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước.

Nhiều thế hệ, nhiều tấm gương phụ nữ sáng ngời về lòng trung thành với Tổ quốc, về đức hy sinh, tinh thần dũng cảm, quyết tâm bảo vệ Tổ quốc đến cùng và xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh. Truyền thống phụ nữ Việt Nam mãi mãi khắc ghi.

Vào đầu Công nguyên, Hai Bà Trưng nổi dậy chống xâm lăng và lời thề xuất quân của Hai Bà Trưng như vẫn còn vang vọng đâu đây: “Một xin rửa sạch thù nhà/ Hai xin dựng lại nghiệp xưa họ Hùng/ Ba kẻo oan ức lòng chồng/ Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này”. Vài trăm năm sau Triệu Thị Trinh đã tự khẳng định mình là một nữ anh hùng “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp làn sóng dữ, chém cá kình ngoài biển Đông…”.

Đến thời đại Hồ Chí Minh, thời đại của đấu tranh giành độc lập, thống nhất nước nhà, trong gian khổ hy sinh đã sản sinh ra những anh hùng để lại danh tiếng cho muôn đời sau như: Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, Mạc Thị Bưởi, Tạ Thị Kiều, Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Thị Út (Út Tịch), Mẹ Thứ, Mẹ Suốt…

Còn có biết bao người phụ nữ thầm lặng, dung dị, mộc mạc, họ cống hiến cho đất nước những người con, người chồng vô cùng yêu quý, họ đã từng mòn mỏi chờ đợi người thân trong chiến tranh, để rồi họ cũng không còn đủ nước mắt khi những người thương yêu của họ không bao giờ trở về. Họ chính là những người mẹ, người bà, người chị của chúng ta. Họ là những người Mẹ Việt Nam anh hùng. Phụ nữ Việt Nam bước ra từ các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, xứng đáng được nhân dân và nhà nước tôn vinh là những nữ anh hùng và những Bà mẹ Việt Nam anh hùng, được Bác Hồ kính yêu trao tặng 8 chữ vàng: “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang”.

Ngày nay Phụ nữ Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò của mình trong sự nghiệp cách mạng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhiều chị giữ trọng trách trong bộ máy Đảng, nhà nước, đoàn thể. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội ngày càng tăng. Nhiều chị là chủ doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước và tạo nhiều việc làm cho người lao động. Đảng, nhà nước ta quan tâm, tạo mọi điều kiện để giới nữ hoàn thành nhiệm vụ của mình ở bất kỳ lĩnh vực nào.

Trong sự nghiệp CNH – HĐH hiện nay, phụ nữ Việt Nam luôn phấn đấu thực hiện các mục tiêu “Có sức khỏe, có tri thức, có kỹ năng nghề nghiệp, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu” nhằm góp phần thực hiện tốt mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Nữ CN cao su viết tiếp bản hùng ca

Kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 – 20/10/2018) cũng là dịp chúng ta tổ chức các hoạt động kỷ niệm 89 năm ngày truyền thống công nhân (CN) Cao su Việt Nam (28/10/1929 – 28/10/2018). Truyền thống CN cao su mãi mãi tri ân các thế hệ phụ nữ CN cao su thuở nô lệ lầm than.

Ngày ấy những chàng trai, cô gái ở những miền quê nghèo ngoài Trung, ngoài Bắc và dân bản địa mưu sinh chốn địa ngục trần gian đồn điền cao su đầy uất hận. Có áp bức thì có đấu tranh, CN cao su đã đứng dậy chống lại chủ Tây. Bằng sự giác ngộ giai cấp, ngày 28/10/1929 Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập ở đồn điền Phú Riềng, công nhân cao su có đội tiên phong của mình lãnh đạo chuyển đấu tranh tự phát lên tự giác đã làm nên “Phú Riềng đỏ” anh hùng.

Trong đoàn quân ấy, lớp lớp phụ nữ CN cao su hòa vào dòng thác cách mạng bẻ gãy xiềng gông. Đi qua 2 cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc giành độc lập, chống xâm lược giải phóng thống nhất nước nhà, CN cao su đã đóng góp to lớn sức người, sức của, chiến đấu anh dũng, hy sinh gian khổ lập nên nhiều chiến công xuất sắc. Đất nước thống nhất, vườn cây, nhà máy đã về ta, mở ra một chặng đường mới xây dựng, hàn gắn vết thương chiến tranh, khai hoang trồng mới, mở rộng diện tích cao su làm giàu cho Tổ quốc và xây dựng cuộc sống mới. Từ miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung, Tây Bắc, Đông Bắc đến nước bạn Lào và Campuchia, những cánh rừng cao su bạt ngàn, nữ CN cao su viết tiếp bản anh hùng ca trong sự nghiệp đổi mới CNH – HĐH đất nước.

Dẫu còn lắm gian lao thử thách, nữ CN cao su luôn khẳng định phẩm giá của mình: Giàu lòng yêu nước, yêu ngành, anh dũng kiên cường, chịu thương chịu khó, cần cù, năng động sáng tạo, nghĩa tình thủy chung. Họ đã “một nắng hai sương” chắt chiu từng giọt mủ, mồ hôi đầm đìa bên những cổ máy làm nên những tấn sản phẩm chất lượng đi khắp năm châu góp phần xây dựng đất nước, lo toan vun vén để xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc, chịu khổ cực thiệt thòi để xây dựng tương lai.

Bằng phong trào thi đua hai giỏi: “Giỏi việc nước – Đảm việc nhà” chị em phụ nữ ngành cao su 5 năm qua lập nên thành tích đặc biệt xuất sắc: 56.390 chị về trước kế hoạch năm; 77.655 chị đạt lao động tiên tiến; 13.858 chị chiến sĩ thi đua các cấp; 1.298 sáng kiến làm lợi cho nhà nước và Tập đoàn hàng trăm tỷ đồng. Nhiều chị được tặng thưởng Huân chương Lao động, bằng khen Thủ tướng, danh hiệu, giải thưởng các cấp. Tiêu biểu là chị Nguyễn Thị Ngời – CN khai thác NT Hàng Gòn, TCT Cao su Đồng Nai được phong tặng “Anh hùng Lao động”. Chị là tấm gương sáng cho thế hệ phụ nữ cao su hôm nay.

Mãi xứng đáng là tượng đài đẹp nhất

Cụ thể hóa phong trào thi đua hai giỏi, chị em phụ nữ ngành cao su đã có những phong trào thi đua: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”…

Chúng ta rất tự hào có 3.988 tập thể, 79.916 chị em đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”; 73 tỷ đồng “Tiết kiệm xoay vòng”, “Trợ vốn” cho nữ CN khó khăn; 66 tỷ đồng hoạt động xã hội, từ thiện… 9.960 chị được học tập nâng cao trình độ, 993 chị được đề bạt, bổ nhiệm, nhiều chị là cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi cấp ngành và cấp cơ sở. Chiếm 42%/tổng số CBCN, song phụ nữ ngành cao su đã đóng góp to lớn các ngành nghề, lĩnh vực SXKD, đời sống, tô thắm thêm truyền thống 89 năm CN cao su anh hùng.

Những ngày tháng này, chị em phụ nữ toàn ngành chúng ta đang thi đua lập thành tích chào mừng 88 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, chào mừng 89 năm ngày truyền thống CN cao su. Với phong trào thi đua nước rút 3 tháng cuối năm, với mục tiêu về trước kế hoạch năm bằng những tấn sản phẩm vượt, giảm giá thành, tăng lợi nhuận, tăng thu nhập. Với phong trào luyện tay nghề thi thợ giỏi các cấp hướng tới Hội thi Bàn tay vàng khai thác mủ toàn ngành. Ở những nơi đó chị em đã khẳng định những kiện tướng, những bàn tay vàng – tinh hoa của ngành cao su.

Thương lắm chị em CN cao su tay dao, tay thùng ra lô từ mờ sáng, chạy đua với thời gian, thời tiết bất thường nắng cháy da, mưa ngút trời, chạy đua với sản lượng còn lại. Vẫn còn đó những lo toan cho gia đình bữa cơm trưa chiều ít thịt cá nhiều rau của thời kỳ giá cao su xuống thấp, thu nhập hàng tháng sút giảm, đời sống còn lắm gian nan. Chị em chúng ta đã thấu hiểu, chung lưng đấu cật, nghĩa tình thủy chung gắn bó với đơn vị, bởi nơi đó là truyền thống, nơi đó là niềm tin, nơi đó “Cao su dòng chảy cuộc sống”. Dòng chảy ấy sẽ tới bến bờ “Công nhân giàu – Tập đoàn mạnh”.

Chặng đường mới phát triển của ngành cao su trong sự nghiệp CNH – HĐH, phụ nữ ngành cao su phấn đấu vươn lên nhiều hơn nữa xứng đáng với biểu tượng người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới – “Tự tin – Tự trọng – Trung hậu – Đảm đang”.

Kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, xin kính chúc các Bà, các Mẹ và toàn thể chị em CN cao su sức khỏe, hạnh phúc, thành đạt, mãi là những bông hoa tỏa ngát hương thơm trong vườn hoa dân tộc, luôn xứng đáng là tượng đài đẹp nhất, thiêng liêng nhất về người mẹ, người phụ nữ của thời đại hôm nay.

LINH ĐAN