Đổi mới, nâng cao chất lượng quy trình kiểm tra tài chính

CSVN – Tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII, nhiệm kỳ 2018 – 2023, trong ngày làm việc thứ ba, các đại biểu tiến hành thảo luận tại 12 trung tâm về những chủ đề trọng tâm trong hoạt động Công đoàn. Đoàn đại biểu CĐ CSVN đã có phát biểu tham luận, Trang tin CĐ xin giới thiệu lược trích tham luận này.
Các cấp CĐ trực thuộc CĐ CSVN đã tiết giảm chi hành chính, tập trung chăm lo NLĐ. Trong ảnh: Chủ tịch CĐ CSVN Phan Mạnh Hùng tặng quà cho CN Cao su Chư Sê - Kampong Thom. Ảnh: Minh Tuấn
Các cấp CĐ trực thuộc CĐ CSVN đã tiết giảm chi hành chính, tập trung chăm lo NLĐ. Trong ảnh: Chủ tịch CĐ CSVN Phan Mạnh Hùng tặng quà cho CN Cao su Chư Sê – Kampong Thom. Ảnh: Minh Tuấn
Thực hiện tiết kiệm hơn 28 tỷ đồng

Với chủ đề “Đổi mới, nâng cao chất lượng thực hiện quy trình kiểm tra tài chính”, báo cáo tham luận của CĐ CSVN đã nhấn mạnh: Giai đoạn 2013 – 2017 đánh dấu mốc quan trọng đối với tổ chức CĐ, đây là những năm đầu tiên thu kinh phí CĐ (KPCĐ) 2% theo luật Công đoàn năm 2012, từ đó nguồn thu của CĐ cơ sở bị giảm 45% so với trước đây. Mặc khác, tình hình SXKD của VRG gặp nhiều khó khăn do giá mủ cao su giảm sâu.

Trước tình hình đó, CĐ CSVN quán triệt, hướng dẫn CĐ các công ty, đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra, giám sát và cân đối nguồn thu để phân bổ cho các nội dung chi trong các hoạt động của tổ chức CĐ.

Ngoài ra, trong năm 2017, CĐ CSVN tiếp tục chỉ đạo các cấp CĐ thực hiện nghiêm túc các nghị định, nghị quyết của cấp trên về công tác tài chính CĐ trong tình hình mới. Đồng thời, ban ban hành văn bản hướng dẫn các cơ quan CĐ thực hiện Quy định về tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi tiêu và xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ; Quy định về phân cấp thu, phân phối nguồn thu tài chính CĐ…

Việc phân cấp quản lý tài chính CĐ đã tạo điều kiện cho các đơn vị trong việc chủ động thu kinh phí CĐ 2% và đoàn phí CĐ. Nâng cao hiệu quả sử dụng tài chính CĐ, về cơ bản các đơn vị đã tiết giảm chi hành chính, tập trung chi cho các hoạt động hướng về cơ sở, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của NLĐ, đoàn viên CĐ. Trong 3 năm (2015 – 2017), tổng thực hiện tiết kiệm được 7,1%, tương đương trên 28,2 tỷ đồng.

Giải pháp trong thời gian tới

Tham luận nhấn mạnh, vai trò công tác kiểm tra tài chính CĐ là quan trọng, đây là công cụ đắc lực giúp tổ chức CĐ thực hiện đầy đủ quyền hạn, chức năng của mình. Để đáp ứng được yêu cầu và đạt được kết quả trong hoạt động kiểm tra, đặc biệt là kiểm tra công tác tài chính CĐ, đòi hỏi đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm tra phải hiểu sâu và nắm vững các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định, hướng dẫn có liên quan đến công tác quản lý và sử dụng tài chính CĐ.

Do đó, Ủy ban kiểm tra (UBKT) CĐ các cấp cần tuân thủ và thực hiện đầy đủ quy trình kiểm tra theo các nội dung: Tổ chức thu thập thông tin liên quan đến đối tượng, mục tiêu kiểm tra; Lập kế hoạch, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương kiểm tra; Thiết lập chương trình, chuẩn bị nội dung kiểm tra; Chuẩn bị lực lượng kiểm tra…

Hoạt động kiểm tra tài chính phải linh hoạt, vận dụng sáng tạo đồng bộ các phương pháp, hình thức kiểm tra, cải tiến tổ chức hoạt động kiểm tra. Công tác kiểm tra cần phải tập trung có trọng tâm, trọng điểm, sát với thực tiễn, đảm bảo được mục đích, yêu cầu và đem lại hiệu quả thiết thực.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ kiểm tra phải luôn đảm bảo tính thống nhất từ khâu tổ chức thực hiện các nghiệp vụ kiểm tra đến khâu ra kết luận kiểm tra. Kết luận kiểm tra phải đánh giá được tính hiệu quả và tính hiệu lực trong quản lý, ưu khuyết điểm và những tồn tại trong thực hiện các quy định của nhà nước và Tổng Liên đoàn về công tác tài chính, đề xuất biện pháp thực hiện tốt hơn trong việc thu, phân phối, sử dụng, quản lý, tài chính, tài sản và hoạt động kinh tế CĐ (nếu có).

CĐCS