Tập trung ứng phó với mưa dầm kéo dài

CSVN – Vừa qua, mưa kéo dài trên địa bàn Tây Nguyên làm vườn cây của các công ty cao su xuất hiện bệnh rụng lá mùa mưa trên diện rộng, ảnh hưởng đến công tác khai thác và tiến độ thực hiện kế hoạch năm 2018. Trước tình hình này, PV Tạp chí CSVN đã có buổi trao đổi với ông Nguyễn Tiến Đức – Phó TGĐ VRG, trong chuyến công tác kiểm tra vườn cây các đơn vị Tây nguyên.
Ảnh 1:  Phó TGĐ Nguyễn Tiến Đức (giữa) kiểm tra tình hình bệnh rụng lá mùa mưa tại vườn cây Công ty Chư Păh.
Phó TGĐ Nguyễn Tiến Đức (giữa) kiểm tra tình hình bệnh rụng lá mùa mưa tại vườn cây Công ty Chư Păh.

–          Xin ông cho biết tình hình khai thác sản lượng của các đơn vị trên địa bàn Tây Nguyên trong thời gian qua, đặc biệt là từ tháng 6 – 8 năm nay?

Phó TGĐ VRG Nguyễn Tiến Đức:

Tình hình chung là các đơn vị đạt tiến độ sản lượng theo kế hoạch, chỉ một số ít đơn vị tiến độ không đạt. Tính từ đầu năm đến nay (giữa tháng 8) số liệu sản lượng Tập đoàn nắm được là hơn 23.000 tấn, tương đương 45% của kế hoạch năm Tập đoàn giao cho các công ty Tây Nguyên là 51.930 tấn. So với cùng kỳ năm 2017 là 24.000 tấn, ước tính thấp hơn 1.000 tấn. Trong 3 tháng 6, 7 và 8 tình hình thời tiết diễn biến bất lợi, mưa dầm kéo dài, ảnh hưởng khá lớn đến công tác thu hoạch mủ khu vực Tây Nguyên.

[cow_johnson general_float=”center”]

Sẽ xem xét điều chỉnh sản lượng vào đầu quý IV

Sau khi kiểm tra vườn cây và nghe các báo cáo của các đơn vị, Phó TGĐ Nguyễn Tiến Đức cho rằng, trước mắt các đơn vị cứ cố gắng, nỗ lực hết mình thực hiện kế hoạch đã đề ra, việc xem xét điều chỉnh kế hoạch sẽ được lãnh đạo VRG xem xét vào đầu quý IV.

[/cow_johnson]

Riêng trong tháng 6, 7 và nửa tháng 8 tổng sản lượng khoảng 11.600 tấn, ít hơn khoảng 2.300 tấn so với cùng kỳ năm 2017. Cũng cần ghi nhận sự nỗ lực cố gắng của các đơn vị Tây Nguyên trong điều kiện khó khăn về thời tiết. Các công ty đã chủ động và làm tốt một số công tác như phun phòng bệnh phấn trắng đầu năm, trang bị gia cố vật tư, quản lý lao động nên sản lượng đầu năm tăng khá cao và trong đợt mưa kéo dài từ tháng 6 đến nay vẫn đảm bảo công tác khai thác mủ mặc dù sản lượng có giảm.

– Hiện nay, vườn cây của các đơn vị Tây Nguyên đang bị bệnh rụng lá mùa mưa trên diện rộng, vậy lãnh đạo VRG đã có những chỉ đạo như thế nào trong công tác quản lý kỹ thuật, thưa ông?

Phó TGĐ VRG Nguyễn Tiến Đức:

Ngay từ tháng 6, VRG đã ra Công văn số 85/CSVN-QLKT ngày 14/6/2018 cảnh báo các công ty về bệnh hại cao su mùa mưa để chủ động ứng phó nếu tình hình thời tiết bất thuận. Trong điều kiện thời tiết mưa dầm kéo dài từ tháng 6-8, ẩm độ cao tạo điều kiện bệnh rụng lá mùa mưa (RLMM) phát triển mạnh, tổng diện tích bị bệnh các công ty Tây Nguyên báo cáo (đến 13/8/2014) là trên 17.000 ha. Nhằm mục tiêu phấn đấu hoàn thành kế hoạch thực hiện sản lượng năm 2018 của các đơn vị, VRG đã chỉ đạo các công ty theo tinh thần Công văn số 741/CSVN-QLKT ngày 20/8/2018 thực hiện một số biện pháp kỹ thuật ứng phó với tình hình mưa dầm kéo dài và RLMM như:

Tập trung công tác phòng trị bệnh loét sọc mặt cạo, gia cố máng chắn mưa, máng che chén, kiểm tra bổ sung vật tư trang bị cho cây cao su để giảm thiểu thất thoát, tổ chức cạo ngay khi vườn cây đủ điều kiện cạo mủ trở lại; Linh hoạt chỉ đạo sản xuất trong những ngày mưa bão, vận động người lao động đến phần cây; Đánh giá tiến độ sản lượng tuần, tháng, quý để phân bố lại kế hoạch nhằm chủ động sản xuất, đảm bảo hoàn thành kế hoạch sản lượng năm 2018; Tuy nhiên, nếu vườn cây bị bệnh quá nặng (cấp 4-5), sản lượng liên tục giảm đến mức không có hiệu quả có thể xem xét giảm nhịp độ cạo hoặc ngưng cạo nhằm đảm bảo chất lượng vườn cây về lâu dài.

–          Ông đánh giá thế nào về tình hình dịch bệnh hiện nay trên vườn cây của các công ty Tây Nguyên. Diễn biến của bệnh có gì khác so với năm trước?

Phó TGĐ VRG Nguyễn Tiến Đức:

Điều kiện thời tiết bất thường trong năm 2018 (mưa dầm kéo dài từ tháng 6 đến nay) đang gây rất nhiều khó khăn cho việc khai thác mủ, làm gián đoạn công tác tổ chức sản xuất, thu hoạch mủ tại nhiều nơi. Riêng khu vực Tây Nguyên còn bị ảnh hưởng nặng của bệnh RLMM, trên 50% diện tích khai thác bị ảnh hưởng ở các cấp độ khác nhau.

Tinh hình bệnh đang ở mức nặng, nặng nhất ở các Công ty Mang Yang và Chư Prông, trung bình nhẹ ở các Công ty Chư Sê, Chư Păh và Kon Tum. Mọi năm mưa tập trung kéo dài khoảng 30 ngày và thường chỉ trong tháng 7 hoặc tháng 8, bệnh RLMM thường sẽ ảnh hưởng đến một số vùng cao su cao trình cao, một số giống mẫn cảm và ở vườn cây già khai thác mủ đã nhiều năm tập trung nguồn bệnh. Bệnh sẽ giảm khi điều kiện thời tiết nắng ấm trở lại.

Nhưng năm nay mưa tập trung kéo dài trong hơn 2 tháng ở Tây Nguyên, đặc biệt tại khu vực Gia Lai, hầu như các vườn cây đều bị nhiễm bệnh RLMM ở các mức độ khác nhau nặng hay nhẹ, cả trên dòng vô tính ít mẫn cảm, nhưng chủ yếu vẫn tập trung ở các vùng cao trình cao, các giống RRIM 600, PB 235, VM 515, GT1. Các công ty vẫn đang liên tục kiểm tra cập nhật tình hình bệnh hại để có các quyết định điều chỉnh chế độ thu hoạch mủ phù hợp sức khỏe vườn cây và đảm bảo hoàn thành kế hoạch thực hiện sản lượng năm 2018.

–           Xin cám ơn ông!

VĂN VĨNH (thực hiện)