CSVN – Ngày 8/8, tại Hội trường Thống Nhất TP.HCM, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc – Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị “Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu”.
Xuất khẩu gỗ đứng thứ 5 trên thế giới
Trong những năm qua, ngành chế biến gỗ và lâm sản là ngành xuất khẩu chủ lực, đem lại giá trị xuất siêu cao của Việt Nam. Năm 2017, giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt trên 8 tỷ USD, tăng 8 lần so với năm 2005, tăng 10% so với năm 2016. Tính đến hết tháng 7/2018, xuất khẩu gỗ và lâm sản đạt kim ngạch 5,3 tỷ USD, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Hiện nay, Việt Nam có 4.500 doanh nghiệp (DN), trong đó 3.900 DN trong nước, 600 DN nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản. Ngành đã thu hút hơn 500.000 lao động. Việt Nam đã vươn lên đứng đầu trong các nước ASEAN, đứng thứ 2 Châu Á và đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu gỗ và lâm sản. Sản phẩm gỗ và lâm sản của Việt Nam có mặt trên 120 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong 10 năm qua, từ điểm xuất phát thấp, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản đã góp phần tăng hơn 2,7 lần, từ 2,3 tỷ USD năm 2007 lên hơn 8,03 tỷ USD năm 2017, tỷ lệ xuất siêu trên 70% và giá trị tăng trên 40%, vượt mục tiêu của chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2006 – 2020, trở thành ngành hàng xuất khẩu chủ lực trong nhóm ngành nông lâm thủy sản.
Phải là ngành mũi nhọn trong xuất khẩu của Việt Nam
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận vai trò của ngành chế biến lâm sản trong việc đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội nói chung. Và là ngành hàng có giá trị xuất khẩu chủ lực của ngành nông nghiệp, giá trị xuất siêu đạt 73%, nằm trong số ít ngành hàng đem lại giá trị xuất siêu cao của Việt Nam. Tại Hội nghị, Thủ tướng đã giao cho Bộ NN & PTNT trong 10 năm tới phải đưa ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản trở thành ngành mũi nhọn trong xuất khẩu của Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định về tầm nhìn của ngành công nghiệp chế biến gỗ lâm sản xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2025 và những năm tiếp theo: “Việt Nam là một trong các trung tâm sản xuất đồ gỗ có chất lượng của thế giới từ nguồn gỗ hợp pháp, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Đây là tuyên ngôn cho cả thế giới biết rõ quyết tâm của Việt Nam không phải phát triển bất chấp hậu quả mà phát triển sản xuất bền vững, có trách nhiệm đối với môi trường”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đưa ra 8 giải pháp cần phải thực hiện để ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu phát triển nhanh, bền vững. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “Mục tiêu năm 2020 ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu phải đạt kim ngạch 12 – 13 tỷ USD, năm 2025 là 18 – 20 tỷ USD.
Để đạt được mục tiêu đề ra, tôi đề nghị, chúng ta cần phải thực hiện 8 giải pháp như sau: Đề nghị các cấp Bộ ngành tuyên truyền sâu rộng Luật Lâm nghiệp Việt Nam vừa được ban hành năm 2018. Đẩy mạnh trồng rừng nguyên liệu, nâng cao năng suất, chất lượng. Đưa tư duy sáng tạo vào sản xuất để tăng giá trị gia tăng. Chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Các DN phải ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là trong bối cảnh nền công nghiệp 4.0 như hiện nay. Làm tốt công tác phát triển thị trường trong và ngoài nước. Tập trung tuyên truyền quảng bá để DN, người dân thay đổi nhận thức, kiên quyết không sử dụng gỗ bất hợp pháp. Chính phủ đề nghị các hiệp hội, DN chủ động hội nhập, thực hiện đầy đủ cam kết hợp tác quốc tế”.
MINH NHIÊN
Related posts:
- 2 công nhân Cao su Sơn La đạt kiện tướng cấp ngành
- Ông Trần Công Kha - Phó TGĐ VRG: “Chủ động, linh hoạt, sản xuất đến đâu, tiêu thụ đến đó”
- Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi thư động viên các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19
- Đảng ủy VRG tổ chức Hội nghị thông tin thời sự
- Ban hành Sổ tay hướng dẫn kết nối cộng đồng trong quản lý rừng cao su bền vững
- Tỉnh ủy Bình Phước chúc Tết VRG
- Thu nhập người lao động các đơn vị Tây Nguyên tăng cao
- VRG áp dụng công cụ giảm thiểu rủi ro về môi trường và xã hội trong đầu tư ra nước ngoài
- Xem xét trồng mía xen canh trong cao su
- Ngành gỗ đã có tín hiệu tích cực