CSVN – Trong cái âm u, yên tĩnh của màn đêm giữa rừng cao su, là đâu đó ánh đèn pin lấp loáng, là bước chân âm thầm, là đôi mắt sáng quắc tinh thần cảnh giác của anh em bảo vệ chúng tôi trên chặng đường tuần tra bảo vệ tài sản, bảo vệ sự yên bình và thành quả lao động của công nhân cao su.
Chúng tôi – những người bảo vệ cao su, cái nghề mà ngày đêm sống với cây cao su nhiều hơn với gia đình, đối với chúng tôi đó là niềm vui, niềm khát vọng cống hiến và cả sự yêu nghề trong những người con của quê hương cao su. Nghề bảo vệ cao su là cái nghề bảo vệ đặc thù, mục tiêu chúng tôi bảo vệ là những cánh rừng cao su bạt ngàn, những thành quả mà người công nhân vất vả khai thác. Nhiều lúc đối mặt với những đối tượng trộm cắp mủ, những nguy hiểm luôn rình rập, xong chúng tôi luôn sẵn sàng giao phó công việc gia đình cho vợ con để lên đường hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Trong chúng tôi có những anh em tuổi đã qua thời ngũ tuần, lão làng, có những cậu trai trẻ mới hoàn thành nghĩa vụ quân sự, có những người đã thành ông nội, ông ngoại và cũng có những câu trai trẻ còn độc thân. Sự đặc biệt của bảo vệ cao su là tinh thần đoàn kết, ăn chung ở cùng sống với nhau như gia đình, có những lúc công việc bận rộn và cũng có những khi sum họp bên bữa cơm tập thể rộn vang tiếng cười.
Trong chúng tôi có những anh em đã không ít lần bị đối tượng trộm cắp mủ hành hung, chống trả, chuyện nằm đêm mưa gió, chuyện bị rắn rết cắn đã là chuyện bình thường đối với anh em chúng tôi. Đã có anh em bị thương phải nằm viện hàng tháng, xong khi đảm bảo sức khỏe lại tiếp tục ra lô gác mủ, tinh thần đam mê công việc đã ăn sâu vào ý chí những con người bảo vệ, có anh xin nghỉ phép về nhà đến đêm lại vác võng ra lô chỉ vì lý do “quen hơi” cao su không ngủ nhà được.
Thời trước đây, những năm mủ cao su có giá, tình hình trộm cắp gia tăng phức tạp, em anh bảo vệ có người cả tháng không về nhà, có những anh em trẻ bị người yên giận dỗi vì yêu cao su hơn người yêu… Rồi lại cũng có những dèm pha, những cám dỗ đôi lúc làm anh em bảo vệ thoáng chút xao nhãng. Song những khó khăn đó, những cám dỗ đó chưa một lần làm anh em chúng tôi nao núng, hàng chục đối tượng trộm cắp, móc nối mua bán mủ cao su của Nhà nước đã lần lượt trả giá trước pháp luật, trả lại sự yên bình cho những cánh rừng cao su xanh mượt.
Rồi khi đến lúc cao su không còn giữ được giá tốt, có những công việc nơi khác tốt hơn, thu nhập cao hơn, vẫn còn đó những anh em bảo vệ kiên trì bám trụ, vẫn gắn bó với cái nghề quanh năm nằm võng nói chuyện với gốc cao su, chỉ vì lòng yêu nghề, yêu cây cao su của mình.
Tâm sự của chúng tôi là mong sao cho cao su được giá, mong sao chúng tôi luôn đảm bảo giữ vững địa bàn, giữ thành quả lao động của công nhân, góp phần tăng năng xuất sản lượng, đồng thời đời sống của anh em bảo vệ ngày càng được nâng cao, để chúng tôi an tâm công tác, tiếp tục công hiến niềm đam mê, lòng yêu nghề của mình với những cánh rừng cao su xanh thẳm.
Chuyện nghề của bảo vệ cao su chỉ giản dị là chuyện đêm nằm lô, chuyện tình đồng đội như gia đình, chuyện đấu tranh phòng chống trộm cắp phá hoại và cũng là câu chuyện của tinh thần yêu nghề, yêu cây cao su với ý chí kiên cường góp phần xây dựng ngành cao su ngày càng phát triển, người công nhân cao su, trong đó có anh em bảo vệ có một cuộc sống đảm bảo và hạnh phúc.
ĐỖ VĂN THỌ
Related posts:
- Thợ giỏi "Sao vuông" ở cao su Phú Riềng
- Đất mến người
- Phòng Công nghệ Thông tin VRG: Sáng kiến tiết kiệm trên 10 tỷ đồng
- “Ngành cao su cần chuyển đổi cơ cấu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ"
- Người luôn tâm huyết nâng cao chất lượng sản phẩm cao su
- Làm cán bộ Công đoàn phải có cái tâm
- Nặng lòng với cây cao su trên đất nước triệu voi
- Khi lao động chủ động đến "đầu quân"
- "Ngành cao su đến nay vẫn chưa phải là khủng hoảng"
- Làm kinh tế gia đình giỏi để bám trụ với nghề