CSVNO – Sản lượng sụt giảm, tỷ lệ phần trăm hoàn thành thấp so với cùng kỳ năm trước. Nhiều đơn vị mất trắng hàng chục ngày không thể lấy mủ, đặc biệt là vườn cây đã bị nhiễm bệnh rụng lá mùa mưa do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và cơn bão số 3
Chưa một ngày thu mủ hoàn chỉnh
Theo thông tin từ các công ty Tây Nguyên, từ khoảng giữa tháng 6 đến nửa cuối tháng 7 chưa có một ngày nào thu mủ được hoàn chỉnh. Phó TGĐ Ngô Văn Mân của Cao su Kon Tum cho hay: “Kế hoạch tháng 7 chúng tôi khai thác 1.600 tấn, nhưng đến ngày 15/7 mới chỉ đạt 500 tấn, với tình hình mưa bão thế này hy vọng tháng 7 toàn công ty sẽ khai thác được 1.000 tấn”.
Báo cáo của Cao su Chư Prông cho biết riêng tháng 6/2018 toàn công ty có 13 ngày không thu mủ được hoàn chỉnh, trong tháng 7 này công ty trên chục ngày không thu được mủ, sản lượng giảm đáng kể so với cùng kỳ. TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Ea H’leo, ông Nguyễn Toàn Nhân thông tin: “Tháng 7 này công ty chúng tôi đã mất trắng 7 ngày không lấy được mủ”.
Cao su Mang Yang trong nhiều ngày cũng không thu được mủ do mưa lớn kéo dài khiến mặt cạo ẩm ướt. Một số đơn vị khác như Chư Păh, Chư Sê hay Chư Mom Ray và Cao su Sa Thầy vẫn thu mủ được nhưng chỉ đạt khoảng 1/3 – 1/2 sản lượng so với những ngày thường. GĐ Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray, ông Trương Ly cho biết: “Do công ty tập trung lấy mủ đông tại lô và cây được che chắn cẩn thận với máng chắn mưa và màng phủ chén nên vẫn thu được mủ”.
Còn bà Huỳnh Thị Nga – Phó TGĐ Cao su Chư Păh cung cấp: “Từ ngày 8/7 đến nay (ngày 19/7 – PV), mỗi ngày công ty chỉ thu được khoảng trên 15 tấn, ngày ít được khoảng 3 tấn. Còn trong tháng 6 thì chỉ thu được khoảng 50 – 70% so với ngày bình thường. Nhìn chung so với cùng kỳ năm ngoái thì thấp hơn”.
Với trên 1.200 ha đang khai thác, Cao su Krông Buk cũng trong tình hình chung với các đơn vị bạn. Trưởng phòng kỹ thuật Võ Thị Hồng Huệ chia sẻ: “So với cùng kỳ năm trước, hiện công ty đang thấp hơn 10%, lượng mủ lấy được trong những ngày qua chủ yếu là mủ đông tạp, mủ dây và mủ chén”.
Nhìn chung, các đơn vị Tây Nguyên đều bị hụt sản lượng từ 30 – 70% so với những ngày bình thường và so với cùng kỳ năm trước do mưa bão kéo dài.
Vườn cây bắt đầu nhiễm bệnh rụng lá mùa mưa
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện Cao su Chư Prông và Ea H’Leo đang là 2 đơn vị có vườn cây bị nhiễm bệnh rụng lá mùa mưa xảy ra trên diện rộng với hàng trăm ha, nằm rải rác khắp các nông trường. Cao su Chư Păh là đơn vị thứ 3 có vườn cây bị bệnh với khoảng vài chục ha, còn tại Cao su Kon Tum thì đã có 4 nông trường báo cáo vườn cây có dấu hiệu nhiễm bệnh rụng lá mùa mưa.
Đa số những lô cao su bị nhiễm bệnh rụng lá mùa mưa đều rơi vào 2 giống chính là RRIM và VM515, đây là 2 giống rất mẫn cảm với thời tiết mưa kéo dài. Theo nhận định của nhiều lãnh đạo và cán bộ kỹ thuật, thì nếu thời tiết mưa như thời gian qua khoảng một tuần nữa thì vườn cây sẽ nhiễm bệnh rất nhiều và sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch khai thác mủ, cũng như sức khỏe của cây.
VĂN VĨNH
Related posts:
- Cao su Quảng Nam: Thiệt hại gần 600 cây cao su do mưa lũ
- Tập trung phát huy lợi thế của ngành cao su
- Thực hiện tốt chế độ chính sách cho công nhân người Lào
- Sở Nông nghiệp tỉnh Bình Dương làm việc với Cao su Dầu Tiếng
- Bùi Minh Phú giải nhất Hội thi Bí thư chi bộ giỏi Cao su Sa thầy
- “Đảng bộ VRG tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị"
- Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ VRG
- 2 kiến nghị của VRG về gỗ cao su
- Khai mạc Hội thi Bàn tay vàng thu hoạch mủ cao su lần thứ XIII
- Cao su Lai Châu II: Nhiều giải pháp phấn đấu khai thác 3.750 tấn mủ