CSVN – Chăm sóc, khai thác vườn cây đúng quy trình kỹ thuật và quản lý chặt giá thành. Đây là hai yếu tố quan trọng giúp Công ty TNHH Cao su Việt – Lào đạt được kết quả sản xuất kinh doanh ấn tượng trong năm 2017 và là đơn vị ở nước ngoài đầu tiên của VRG chia cổ tức.
>> Gió lốc cuốn qua, nỗi đau ở lại
Quyết liệt trong khai thác
Nói về các giải pháp, ông Nguyễn Tuấn Dũng – Phó Bí thư Đảng bộ, Phó GĐ công ty cho biết: “Năm vừa qua là một năm thời tiết không thuận lợi làm ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, sản lượng của công ty. Trước tình hình đó, ngay từ đầu năm công ty giao kế hoạch, xây dựng phương án và biện pháp cụ thể hàng tháng, quý cho các nông trường thực hiện. Thường xuyên tổ chức họp đánh giá, phân tích kết quả sản lượng tháng trước, đề ra biện pháp thực hiện của tháng sau, do đó sản lượng đều đạt và vượt. Ngoài ra bố trí sắp xếp phần cây và lao động hợp lý, chuẩn bị đầy đủ vật tư phục vụ khai thác từ đầu năm”.
Cả 4 nông trường của công ty đều nằm trong CLB 2 tấn của VRG. Để có năng suất, chất lượng vườn cây tốt, công ty đã nghiêm túc chấp hành quy trình khai thác đúng theo quy định, tổ chức kiểm tra chéo giữa các nông trường hàng tháng, kiểm tra lỗi trực tiếp trên vườn cây. Đồng thời, thực hiện đúng kế hoạch bôi thuốc kích thích đối với chế độ cạo D3 là 4 lần/năm và D4 là 6 lần/năm. Tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc bôi thuốc kích thích đúng quy định của VRG.
Bên cạnh đó, công ty đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo nâng cao tay nghề cho công nhân nhằm hạn chế phạm lỗi, đồng thời đây cũng là căn cứ để trả lương theo hạng kỹ thuật ABC. Nhờ vậy, ý thức kỷ luật của công nhân có bước chuyển biến tốt so với các năm trước.
Tiết giảm giá thành triệt để
Thực hiện chủ trương của VRG, công ty đã quản lý, kiểm soát chặt chẽ giá thành sản phẩm. Tiết kiệm giá thành triệt để trong mức cho phép, cụ thể trong công tác chế biến, công ty chủ động trang bị vật tư, sửa chữa máy móc trong mùa nghỉ cạo nên hai dây chuyền chế biến mủ nước khi đưa vào sản xuất hoạt động tốt. Bên cạnh đó, tổ chức sản xuất và tăng ca hợp lý do đó có nhiều ngày khối lượng mủ về nhiều vượt công suất nhưng nhà máy vẫn chế biến mủ không bị tồn đọng.
Trong công tác tiêu thụ, công ty xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng quý, xây dựng quy chế bán hàng phù hợp với đặc thù tại Lào. Duy trì bạn hàng truyền thống, tăng cường công tác tiếp thị để tìm kiếm khách hàng mới. Cắt giảm chi phí bán hàng, hạ giá thành tiêu thụ. Giá thành bình quân năm 2017 là 24,9 triệu đồng/tấn, giá bán bình quân 36,6 triệu đồng/tấn, lợi nhuận hơn 11 triệu đồng/tấn. Năm 2018 công ty dự kiến giá thành 27 triệu đồng/tấn, giá bán 33,9 triệu đồng/tấn, lãi gần 7 triệu đồng/tấn.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết sản xuất kinh doanh năm 2017 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2018, ông Nguyễn Tiến Đức – Phó TGĐ VRG, Chủ tịch HĐQT công ty cho biết: “Việt – Lào là đơn vị có giá thành gần như là thấp nhất toàn ngành. Nhờ quản lý tốt giá thành sản phẩm nên công ty có doanh thu, lợi nhuận rất ấn tượng, đóng góp không nhỏ vào kết quả của đơn vị năm 2017. Tôi đề nghị công ty tiếp tục thực hiện tốt việc quản lý giá thành sản phẩm để tiếp tục có kết quả tốt trong hoạt động kinh doanh những năm sau”.
HÀ KHUÊ
Related posts:
- Kiểm tra phương tiện kỹ thuật vận tải Cao su Bình Long, Phú Riềng
- Tự hào 40 năm Cao su Chư Prông
- Cần có cơ chế, chính sách đặc thù đối với cán bộ công tác ở Lào và Campuchia (Kỳ 3)
- Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su: Làm máy rửa tay tự động phòng chống Covid -19
- Cao su Chư Prông chăm lo tốt đời sống đồng bào dân tộc
- Đầy đủ các khu vực tham gia Hội thi năm nay
- Trao 3 bộ pin năng lượng mặt trời cho Cao su Mang Yang K
- VRG khai giảng lớp bồi dưỡng ngạch chuyên viên chính
- Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ
- Cao su Chư Sê thưởng đột xuất 14 tổ khai thác