Kỳ 2: Giữ chân lao động bằng chế độ đãi ngộ tốt
CSVN – Từ năm 2016, các công ty bắt đầu lần lượt mở miệng cạo khai thác mủ. Có nguồn thu, tình hình khó khăn về nguồn vốn đã dần được tháo gỡ. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt lao động đang là vấn đề nổi cộm với các công ty tại Campuchia.
Thu tuyển lao động liên tục
Ghi nhận tại Khối các đơn vị Campuchia 1, tổng diện tích vườn cây đang quản lý trên 52.915 ha. Năm 2017, có 6 công ty đã khai thác diện tích 12.605 ha với tổng sản lượng 9.677,64 tấn, vượt kế hoạch 22%. Năm 2018, diện tích vườn cây khai thác trên 21.715 ha, kế hoạch sản lượng 23.700 tấn. Điều này đòi hỏi nguồn lao động lớn. Vì vậy, vấn đề quan tâm hàng đầu đối với các công ty vẫn là tình trạng thiếu hụt và biến động nguồn lao động.
Ông Phùng Thế Minh – TGĐ CTCS Bà Rịa – Kampong Thom chia sẻ, do phong tục tập quán, nên số ngày nghỉ vào các dịp lễ, Tết trong năm của lao động người Campuchia thường nhiều hơn so với Việt Nam gây thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng đến tình hình khai thác. Chưa kể, hiệu suất lao động của công nhân (CN) Campuchia không cao, tình trạng tự ý bỏ việc thường xảy ra.
“Diện tích khai thác năm 2018 của công ty là 4.900 ha/5.393 ha. Số còn lại là vườn cây KTCB, dự kiến đến năm 2020 sẽ đưa vào khai thác. Chỉ tiêu lao động trong năm 2018 của Bà Rịa – Kampong Thom là 807 CN. Hiện tại số lượng vừa đủ, đáp ứng cho nhu cầu khai thác. Tuy nhiên, tình trạng biến động lao động trong năm vẫn xảy ra nên công ty thường xuyên thu tuyển lao động và tổ chức nhiều đợt đào tạo để kịp thời bổ sung cho nguồn lao động thiếu”, ông Lê Văn Hùng – Trưởng phòng Nông nghiệp CTCS Bà Rịa – Kampong Thom cho biết.
Lực lượng lao động người Campuchia tại các vùng dự án thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Trong khi đó, theo quy định của Chính phủ Campuchia, các CTCS chỉ được sử dụng 10% lao động Việt Nam để làm việc tại dự án. Con số này vừa đủ cho cán bộ kỹ thuật, quản lý, vì vậy lực lượng lao động trực tiếp 100% là người Campuchia. Nhưng lao động tại địa phương khan hiếm, các công ty phải tìm kiếm lao động khắp các tỉnh thành. Những lao động này trước khi vào làm việc tại các nông trường đều là nông dân, sống bằng nghề sản xuất nhỏ tại gia hoặc làm việc thời vụ nên thu nhập rất bấp bênh, không ổn định. Với chế độ đãi ngộ tốt của các CTCS, họ xin vào làm với mong muốn đảm bảo ổn định đời sống.
Anh Nim Borain – CN đang học cạo tại CTCS Cao su Bà Rịa – Kampong Thom cho biết: “Trước đây, mình sống ở Phnôm Pênh, làm công việc phụ hồ, lương ít, cuộc sống bấp bênh. Thấy chế độ lương thưởng của công ty cao su khá tốt, lại được sắp xếp nhà ở nên mình quyết định xin vào làm. Chế độ đãi ngộ tốt, thu nhập ổn định như vậy, tôi sẽ gắn bó lâu dài với công ty”.
Tại CTCS Tân Biên – Kampong Thom, các lớp đào tạo CN mới cũng mở liên tục trong năm để đảm bảo lực lượng lao động. Tổng diện tích vườn cây của công ty hơn 6.632 ha, năm 2018 mở cạo mới 2.670 ha. Chỉ tiêu lao động năm 2018 của công ty là 1.200 người, số lượng cũ còn 500 CN, hiện tại đã đào tạo được 400 người, còn thiếu khoảng 300 lao động. Trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyển dụng, mở nhiều khóa đào tạo để bổ sung số lao động còn thiếu, cố gắng giữ chân lao động bằng các chế độ đãi ngộ phù hợp, đảm bảo tình hình SXKD của đơn vị.
Cạnh tranh lao động sẽ gay gắt
Còn tại Khối các đơn vị Campuchia 2, có 6 công ty với tổng diện tích vườn cây hơn 21.610 ha. Năm 2018, tổng diện tích cao su khai thác 8.137 ha (trong đó mở cạo mới 3.959 ha), sản lượng giao khai thác 7.672 tấn mủ, tổng số CN cạo mủ là 1.244 người, trong đó đào tạo mới 660 CN.
Đa số các đơn vị trong Khối đã có vườn cây đưa vào khai thác trên diện rộng, nhưng gặp nhiều khó khăn, nhất là tình trạng thiếu lao động khai thác, công tác bảo vệ mủ còn nhiều bất cập…
Ông Ngô Toàn – TGĐ Công ty CPCS Đồng Nai –Kratie chia sẻ: “Năm nay công ty được VRG giao khai thác 4.343 ha, với chỉ tiêu sản lượng 4.250 tấn. Công ty cần tổng số lao động khoảng hơn 630 người.
Hiện nay, đã đào tạo cho trên 360 người, để chuẩn bị cho mùa cạo mới 2.000 ha. Khó khăn lớn nhất của công ty, cũng như các đơn vị trong khối tại Campuchia là về tình hình thu tuyển lao động. Vì công ty đóng chân trên địa bàn xa xôi, vùng biên giới cho nên việc tuyển dụng lao động rất khó khăn. Ngay từ các tháng cuối năm 2017, công ty đã cử cán bộ đi các tỉnh thành của Campuchia để tuyển người cho mùa vụ khai thác 2018”.
Còn ông Phan Văn Trinh – Phó TGĐ Công ty CPCS Đồng Phú – Kratie, cho biết diện tích vườn cây khai thác của công ty 3.700 ha, sản lượng giao 3.400 tấn. Ngày 19/4, công ty ra quân khai thác. Cũng như các đơn vị bạn, công ty gặp khó khăn về lao động khai thác. “Thiếu lao động trầm trọng, nếu triển khai cạo D3, thì thiếu tới 400 lao động, còn cạo D4 thiếu khoảng 350 lao động”, ông Trinh nói.
Hiện nay, nhà máy chế biến Công ty CPCS Đồng Phú – Kratie giai đoạn 1 công suất 7.500 tấn, chuyên sản xuất SVR 10, SVR 20 đang tiến hành lắp ráp hệ thống xông sấy và các dây chuyền khác. Dự kiến trong tháng 6 sẽ đưa vào hoạt động, nhà máy chế biến sản phẩm của công ty và các đơn vị cùng khối, nên cần lực lượng lao động nhiều, việc tuyển dụng đang cấp thiết.
Tương tự như các đơn vị trong khu vực, năm 2018 CTCS Lộc Ninh Vketi được giao kế hoạch sản lượng khai thác 2.500 tấn mủ. Diện tích khai thác tăng dần qua từng năm, thì khâu tuyển dụng, thu hút lao động cũng khá “nan giải”.
Trao đổi với chúng tôi, một số lãnh đạo CTCS trong Khối thi đua số 2 Campuchia cho biết, tình trạng thiếu lao động là tình trạng chung. Ngoài khó khăn về vị trí địa lý, cách xa khu dân cư, nằm trong vùng xa xôi, biên giới… Thì hiện nay, các khu công nghiệp của các nhà đầu tư Trung Quốc đã và đang chuẩn bị mọc lên, gây cạnh tranh gay gắt về tình hình tuyển dụng lao động.
Cần có sự thống nhất giữa các đơn vị
Trước tình trạng thiếu hụt lao động, các công ty phải liên tục đầu tư, xây dựng, hoàn thiện các công trình dân sinh: nhà ở, trạm xá, trường học… để thu hút lao động khắp nơi. Mặc dù suất đầu tư giảm, lợi nhuận từ SXKD chưa cao nhưng các đơn vị vẫn cố gắng đảm bảo tiền lương cho CNLĐ bình quân từ 150 – 200 USD/tháng. Các đơn vị còn giải quyết tốt các chế độ chính sách: BHYT, BHXH, khám sức khỏe định kỳ, trang bị bảo hộ lao động, đào tạo nghề cho CN theo quy định của pháp luật Việt Nam và Campuchia.
Tuy nhiên, đây chỉ là một hướng giải quyết nhằm thu hút nguồn lao động. Về lâu dài, khi diện tích mở cạo tăng, đòi hỏi nguồn lao động lớn, với thói quen,
phong tục tập quán đặc thù, chưa kể sự so sánh thu nhập, chế độ của NLĐ giữa các công ty, tranh chấp lao động giữa các đơn vị là điều không thể tránh khỏi. Điều này đòi hỏi các đơn vị phải có giải pháp hợp lý để NLĐ làm việc, gắn bó lâu dài cùng công ty.
Về vấn đề này, ông Phùng Thế Minh – TGĐ Cao su Bà Rịa – Kampong Thom cho biết, công ty có chủ trương không nhận lao động từ các đơn vị bạn “nhảy
việc”. Trong những khóa đào tạo tay nghề, CN nào biết cạo trước, cán bộ sẽ điều tra rõ lý lịch. Nếu là CN của công ty khác chuyển sang thì sẽ làm công tác tư tưởng để họ trở về đơn vị cũ, nếu không công ty vẫn không nhận vào làm.
“Mặc dù công ty cần lao động nhưng cần phải có sự cứng rắn để cho họ thấy rằng trách nhiệm của các CTCS là thu tuyển lao động vào làm và chăm lo tốt đời sống cho CN, vậy thì NLĐ phải có trách nhiệm làm việc thật tốt và gắn bó với công ty. Bà Rịa – Kampong Thom có quy chế thưởng phạt rõ ràng. Cạo sai, cạo phạm sẽ bị nhắc nhở, xử phạt. Cạo tốt, năng suất cao sẽ được thưởng”, ông Minh nói.
Hầu hết các công ty tại Campuchia đều có vườn cây phát triển tốt, đồng đều. Năng lực vườn cây có nhưng hiệu suất lao động chưa cao ảnh hưởng đến năng suất sản lượng. Hiện tại, các công ty đang triển khai chế độ cạo D4 đồng thời cho phép công nhân cạo bù, nếu buổi nào bận, không cạo được thì có thể cạo bù vào buổi chiều để đảm bảo năng suất, sản lượng.
Còn theo ông Nguyễn Văn Luyến – TGĐ CTCS Cao su Phước Hòa – Kampong Thom, các đơn vị cần phải đoàn kết, tránh tình trạng tranh chấp lao động xảy ra. Các đơn vị trong cụm nên thống nhất với nhau trong vấn đề thực hiện các công trình dân sinh phục vụ đời sống người lao động như: nhà ở, trường học, trạm xá… Các công trình nào quan trọng, thật sự cần thiết thì nên thực hiện ngay, còn những công trình phụ trợ, chưa thật sự cần thiết thì có thể xem xét, tạm hoãn để đảm bảo nguồn vốn.
“Các đơn vị trong cụm nên thực hiện một cách đồng bộ, song hành, tránh trường hợp thực hiện không đồng bộ, nơi thừa, chỗ thiếu khiến NLĐ so sánh chế độ đãi ngộ giữa các công ty, đứng núi này trông núi nọ mà liên tục thuyên chuyển, gây ra ra tình trạng thiếu hụt, tranh chấp lao động giữa các đơn vị.
Đặc biệt, các công ty cần có sự thông tin chặt chẽ với nhau về tình hình, số lượng, danh sách lao động, dứt khoát không nhận lao động từ các đơn vị khác.
Có như vậy mới từng bước giải quyết được tình trạng thiếu hụt lao động, tránh tình trạng tranh chấp lao động giữa các đơn vị, góp phần giữ nguồn lao động ổn định, đảm bảo tình hình khai thác, sản xuất kinh doanh của các đơn vị”, ông Luyến nêu giải pháp.
ĐÀO PHONG – MINH TÂM
Related posts:
- Cao su Chư Prông nâng cấp hệ thống xử lý nước thải lên cột A
- Cao su Chư Păh đẩy mạnh ứng dụng quản lý vườn cây
- Thu nhập bình quân NLĐ Cơ khí Cao su đạt trên 14 triệu đồng
- Kon Tum: Xây dựng nhà máy chế biến mủ tờ tại huyện Ia H’Drai
- Cao su Bình Long khen thưởng 2 nông trường hoàn thành kế hoạch
- Cao su Mang Yang tuyên dương 93 HS - SV xuất sắc
- Tin tưởng chương trình phát triển bền vững của VRG sẽ thành công
- 56 thí sinh thi “Bàn tay vàng khai thác cao su” Binh đoàn 15
- Cao su Mang Yang khen thưởng đoàn thợ giỏi
- Cây cao su góp phần vun đắp quan hệ hữu nghị Việt - Lào