Nguồn gốc giống cao su do ông E. Rauol đưa vào Việt Nam

Kỳ trước

CSVN – Ít ai biết, ông Yersin phải dùng số tiền làm vacxin và huyết thanh để mua hạt cao su, phục vụ cho việc nghiên cứu phát triển cây cao su, tại đồn điền Suối Dầu (Nha Trang)
Một Nhà máy mủ tờ thời Pháp
Một Nhà máy mủ tờ thời Pháp

Cây trồng theo khoảng cách 5×5 theo hình quả trám  hay  nanh  sấu (quinconce). Ngày 12/5/1898, Yersin viết thư cho E.Roux: “Cây H.Brasiliensis mọc khỏe một cách đáng kinh ngạc”. Ngày 5 tháng 10 năm ấy, ông lại phấn khởi viết thư cho E.Roux: “Các cây cao su của chúng ta đẹp vô cùng”.

Dr.A.Yersin, nhà vi trùng học đã tìm ra con vi trùng gây bệnh dịch hạch, một tai họa khủng khiếp của loài người từ thế kỷ thứ XIX trở về trước, đã bắt đầu bị cây cao su chinh phục. Tháng  8 và tháng 11/1898, Yersin đặt mua 2 đợt hạt cao su từ Ceylan, đợt đầu 1.000 hạt, đợt sau 5.000 hạt, thông qua công ty William and Brothers. Hạt nảy mầm rất kém. Cần nhấn mạnh rằng đây là đợt nhập giống cao su lớn thứ hai vào Việt Nam, sau đợt nhập giống của ông Rauol.

Tuy hạt nảy mầm kém và có nhiều cây chết khi ra ngôi, số cây cao su còn lại đã đóng góp một phần đáng kể vào công cuộc thực nghiệm di thực của Dr.A.Yersin ở Suối Dầu. Đến tháng 12/1898, các cây cao su đầu tiên trồng ở Suối Dầu được từ 14 -16 tháng tuổi, phần lớn cao 2m (thư của Dr.A.Yersin gởi cho chủ tịch Phòng Nông nghiệp Nam kỳ).

Ngày 18/11/1898, Yersin viết thư cho E.Roux, lòng đầy tin tưởng: “Tôi tin rằng cây H.B là cây mọc tốt nhất trong đồn điền của chúng ta, phải tìm cách trồng 100 ha. Chi phí 1475 francs 1 ha. Năm thứ sáu được thu hoạch; năm thứ 8 hoàn vốn. Khốn khổ thay, tôi không có khả năng trồng 100 ha”. Về sau nhờ các bức thư Yersin thường xuyên gởi cho mẹ, người ta được biết rằng E.Roux hứa giúp cho Suối Dầu trồng 20 ha (thư ngày 8/6/1898).

Yersin bắt đầu tin rằng cây H.B chính là cây mà ông đang tìm. Trong lúc nền tài chính của đồn điền Suối Dầu rất eo hẹp vì ngoài lương của Yersin và tiền đóng góp của E.Roux và A.Calmette, đồn điền không nhận được một sự trợ giúp nào khác của nhà nước. Mặc dù vậy Yersin đã trích trong quỹ một số tiền khá lớn để mua hạt cao su, số tiền này dành cho việc mua ngựa để làm vacxin và huyết thanh. Điều này nói lên rất rõ quyết tâm của Yersin vì chính ông là người hiểu hơn ai hết ý nghĩa của việc xây dựng đàn bò và đàn ngựa ở Suối Dầu. Để mở rộng tầm hiểu biết của mình, Yersin chịu khó  ra  nước ngoài để học hỏi. Tháng 8 và tháng 9/1899, Yersin đến vườn thực nghiệm Buitenzorg để tìm hiểu hoạt động của phòng thí nghiệm trực thuộc Vườn thực nghiệm và tìm hiểu sự phát triển của các cây cao su trồng thí nghiệm ở đây. Sau đó ông sang Malaysia, đến thăm công ty cao su Selangor, một công ty lớn của Cao su Malaysia. Tháng 5 và tháng 6/1901, ông đi Ấn Độ và Ceylan.

Ở Ceylan, ông  đến thăm  chủ yếu đồn điền Ketipigalla, của ông F.G.Holloway. Giữa hai chuyến công du nước ngoài, Yersin ra Huế để tìm hiểu vì sao cây H.B không phát triển được ở vùng này. Nhờ vậy mà trong thời kỳ mò mẫm tìm hiểu về cây H.B, người ta đánh giá Yersin là một người nắm bắt được nhiều thông tin về cao su thiên nhiên nhất (nhận xét của ông P.Cibot trong tập san Nông nghiệp nhiệt đới, tháng 6/1903).

Trong thời kỳ mò mẫm kéo dài từ 1897 đến 1906, Yersin đã tìm hiểu tập tính của cây H.B trong điều kiện thiên nhiên của Suối Dầu. Và ông biến đồn điền Suối Dầu thành một phòng thí nghiệm lớn ngoài trời và Suối Dầu phải giải đáp cho ông những điều ông lo lắng từ đầu. Việc thực hiện được bố trí chặt chẽ và việc quan trắc hết sức khách quan, khoa học.

(Xem tiếp kỳ sau)

T.S (trích từ sách “100 năm cao su ở Việt Nam” của ông Đặng Văn Vinh)