CSVN – Những cây cao su đưa lẻ tẻ vào nước ta từ năm 1884 trở về trước đã không để lại dấu vết. Phải đợi đến đợt nhập giống quy mô lớn do ông E. Rauol thực hiện năm 1897, mở đầu cho việc thực nghiệm cây H.B. trên diện rộng ở miền Nam Trung bộ và ở Nam bộ, thì cây H.B. mới chính thức di nhập vào VN. Và từ ngày ấy những vườn cao su đầu tiên, qua năm tháng, đã hình thành và phát triển nên một ngành kinh doanh mới.
>> Những cây cao su đầu tiên tại Thảo Cầm Viên – Sài Gòn
Ông E. Rauol là ai?
Ông E. Rauol (1845 – 1898) là một dược sĩ người Pháp vào Hải quân từ năm 1865. Trong các chuyến công du của mình, ông thường dành nhiều thời gian nghiên cứu thực vật chí của vùng nhiệt đới. Từ năm 1886 đến 1888, Bộ Thuộc địa Pháp giao cho ông nhiều chuyến công tác khoa học chủ yếu trong vùng Thái Bình Dương, nhờ đó ông E. Rauol đã có nhiều đóng góp đáng kể vào việc trao đổi các giống cây và làm phong phú các vườn thực vật của nhiều nước thuộc địa của Pháp. Ông giảng dạy tại trường thuộc địa Pháp về các loại cây trồng trên các nước thuộc địa.
Năm 1897, ông thực hiện một chuyến công du ở Viễn Đông và gởi giống cao su (H.B.) về cho ông G.Capus, Tổng giám đốc Nông nghiệp Đông Dương. Mọi người thống nhất với nhau rằng chính ông E. Rauol là người đưa giống cao su vào Việt Nam năm 1897. Đến đây bắt đầu có những khác biệt giữa các nhà khoa học và các nhà văn viết về cao su thiên nhiên ở Việt Nam.
Ông E. Rauol lấy giống cao su ở Batavia hay ở Ceylan?
Một số nhà khoa học cho rằng ông E. Rauol đã lấy hạt cao su ở Ceylan, trong số này có giáo sư A.Chevalier, nhà thực vật nổi tiếng của Pháp (1918), ông Morange, giám đốc Nông nghiệp Nam kỳ (1910). Và một người có sức nặng là ông Haffner (1899), giám đốc Thảo Cầm Viên Sài Gòn, người được giao nhiệm vụ ương hạt cao su do ông E. Rauol gửi về cho ông G.Capus, Tổng giám đốc Nông nghiệp Đông Dương năm 1897. Ông Haffner viết trong báo cáo về hoạt động của các vườn thực nghiệm thuộc Thảo Cầm Viên Sài Gòn, đề ngày 30/1/1899: hạt giống ông E. Rauol gửi về “từ Ceylan”.
Những công việc tìm tòi nguồn gốc giống cao su do ông E. Rauol gửi về Sài Gòn năm 1897 chưa chấm dứt, vì bên cạnh ông Haffner còn có nhiều người cũng có trọng lượng trong vấn đề này. Trước tiên là phải kể ông G.Capus, Tổng giám đốc Nông nghiệp Đông Dương, người được giống, cũng tức là người tiếp xúc với các giấy tờ có liên quan khi hạt cao su về đến Sài Gòn.
Chính ông Capus với danh nghĩa là Tổng giám đốc Nông nghiệp Đông Dương đã giao cho ông Haffner ương và phân phối cây con cho Trạm thực nghiệm Ông Yệm (do ông Haffner phụ trách), cho A.Yersin và một số nhà trồng tỉa Pháp… Năm 1900, ông Capus làm báo cáo cho Toàn quyền Đông Dương về “tình hình khai thác và trồng trọt cây có nhựa ở Đông Dương” có ghi một chi tiết: “Vườn cao su của Trạm thực nghiệm Ông Yệm được thành lập nhờ hạt giống của phái đoàn Raoul gửi về; chất lượng hạt rất tốt (excellent état)”.
Chúng tôi rất tiếc là ông Capus không nói rõ hạt cao su do ông Raoul gửi về lấy từ đâu? Chúng tôi chắc rằng ông Capus phải nắm rất rõ nguồn gốc của các hạt giống cao su mà ông tiếp nhận, qua các giấy tờ mà ông Raoul và hải quan hai nước cung cấp cho ông. Vì vậy nếu ông Capus không nói ra một cách trực tiếp ở nơi này thì cũng có thể ông nói ra một cách gián tiếp ở nơi khác, ví dụ khi ông nhận xét về cuốn sách của ông G.Vernet.
T.S (trích từ sách “100 năm cao su ở Việt Nam” của ông Đặng Văn Vinh)
Related posts:
- Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử - Sinh thái (1897 - 1975)
- Sớm hoàn thành sách Ký ức người lính ngành cao su
- Hội diễn Nghệ thuật quần chúng VRG năm 2019, Khu vực II: Cao su Chư Păh giành giải nhất toàn đoàn
- Chuyện làm dân vận ở Nông trường K’dang
- Các tiết mục đạt giải Hội thi Tiếng hát CN cao su KV II (phần II)
- Nét đẹp hội thi
- Một Thanh Hiếu khác trong lục bát "Một mình"
- Cao su Việt Lào giành giải nhất Hội diễn Khu vực III
- 16 đơn vị tham gia Hội diễn khu vực II
- Nông trường Cẩm Mỹ giải nhất Tiếng hát CNVCLĐ Cao su Đồng Nai