CSVN – Niềm đam mê, tâm huyết với nghề và nỗi trăn trở có thiết bị máy móc cho sinh viên thực hành, đã thôi thúc các giảng viên Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su (RIC)sáng tạo ra các thiết bị có tính ứng dụng thực tế cao.
Được Bộ LĐTB&XH khen thưởng
Đó là các sáng kiến “máy trộn kín”, “máy đo lực kéo – nén cao su” của Tiến sĩ Hoàng Hải Hiền – Giảng viên Khoa Công nghệ hóa học, Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su (RIC).
Trong Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ V năm 2016, thầy Hoàng Hải Hiền không khỏi hồi hộp khi đưa đứa con tinh thần đi thi. Nhìn chiếc máy trộn kín nhỏ bé, thầy Hiền thoáng nghĩ làm sao dám cạnh tranh với các thiết bị hoành tráng của những người khác. Thế nhưng, chiếc máy nhỏ hiệu quả của thầy đã được Hội đồng giám khảo đánh giá rất cao về tính thiết thực mà nó mang lại. Sáng kiến “Máy trộn kín” đạt giải ba Hội thi và thầy Hiền đã được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh & Xã hội (LĐTB&XH).
Nói về đứa con tinh thần, thầy Hiền trải lòng: “Từ trước đến nay quá trình trộn mẫu thí nghiệm trong giảng dạy và nghiên cứu thường diễn ra trên máy trộn hở (máy cán) với độ an toàn kém. Cũng có một số trường học và viện nghiên cứu lớn có đầu tư máy đùn trục vít phục vụ thí nghiệm. Tuy nhiên, các loại máy này nhập khẩu từ nước ngoài, vốn đầu tư lớn vì vậy đa số các trường vẫn sử dụng máy cán 2 trục. Đây chính là điều trăn trở, thôi thúc tôi sáng tạo ra chiếc máy trộn kín”.
Với mong muốn đưa quá trình dạy nghề trong nhà trường gần với thực tiễn sản xuất, thầy Hiền đã mày mò và tự chế tạo “Máy trộn kín”, với các thông số kỹ thuật đáp ứng riêng cho ngành cao su. Máy được thiết kế nhỏ gọn, chỉ chiếm diện tích chừng 0,5 m² nền, cao 0,8 m, rất phù hợp với phòng thí nghiệm. Máy được trang bị động cơ công suất 1,5 KW với lượng điện tiêu thụ chỉ bằng 1/10 máy cán thông thường. Thiết kế của máy bao gồm 2 trục có răng thép quay ngược chiều với tỷ tốc 1:1,2 cho phép trộn các mẫu cao su hoặc polyme với các loại chất độn khác nhau rất hiệu quả. Máy đã được trang bị cho Phòng thí nghiệm Công nghệ Cao su của trường từ năm 2013 để giảng dạy.
Cầu nối giữa giảng dạy và thực tiễn
Ngoài máy trộn kín, thầy Hoàng Hải Hiền còn chế tạo “Máy đo lực kéo – nén cao su”. Tại thời điểm thầy Hiền đưa ra ý tưởng chế tạo thì phòng thí nghiệm nhà trường cũng có một máy đo cơ lý đã hỏng từ lâu không thể sửa chữa. Với mong muốn có được chiếc máy thực hành, giúp các em sinh viên nắm vững lý thuyết gắn với thực tế, đã thôi thúc thầy Hiền tìm hiểu nguyên lý cấu tạo để chế tạo một thiết bị có các chức năng tương tự. Từ đó, máy đo lực kéo nén cao su được hình thành.
Để tiết kiệm chi phí thầy đã tìm cách tận dụng một số chi tiết trên máy hỏng, qua nghiên cứu kỹ thì chỉ có thể tận dụng được vỏ nhôm và vỏ chân đế. Đây là hai phần chưa bị gỉ sét còn có thể tận dụng được.
Từ đây thầy đã nghiên cứu để chế tạo một máy công cụ mới có độ bền cao, vận hành đơn giản, ít chịu ảnh hưởng của môi trường. Sản phẩm “Máy đo lực kéo – nén cao su” có thể được ứng dụng rộng rãi trong các trường, viện nghiên cứu có nghiên cứu, giảng dạy về công nghệ cao su, polyme – chất đàn hồi. Ngoài ra, máy cũng có thể trang bị cho các phòng thí nghiệm của công ty trong lĩnh vực cao su như các công ty sản xuất săm lốp, sản xuất các loại sản phẩm cao su kỹ thuật…
Tiết kiệm hàng trăm triệu đồng mỗi năm
Ngoài 2 sáng kiến trên, tại RIC còn có những sáng kiến thiết thực, giúp tiết kiệm chi phí hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Đó là sáng kiến “Hệ thống chưng cất dầu White Spirit” do thầy Lê Đức Đẳng – Trưởng khoa và thầy Nguyễn Thế Quân – giảng viên Khoa Công nghệ Hóa học, đã điều chế thành công sản phẩm dầu White Spirit từ nguyên liệu dầu thải ở các công ty chế biến mủ cao su.
Sáng kiến này đã được giải nhất Hội thi sáng tạo kỹ thuật của tỉnh Bình Phước lần thứ I năm 2011. Đồng thời đạt giải khuyến khích Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ V năm 2016 của Bộ LĐ-TB&XH.
Nói về hệ thống chưng cất dầu, thầy Đẳng và thầy Quân chia sẻ, trong quá trình giảng dạy, mỗi lần sử dụng xong dầu này các thầy nhận thấy rất lãng phí, gây ô nhiễm môi trường và hiệu quả không cao. Từ đây các thầy đã cùng lên ý tưởng, đề tài và bắt tay vào sáng tạo thiết bị. Quá trình sáng tạo cũng lắm công phu, bàn tới bàn lui mất nhiều thời gian và công sức mới cho ra đời được “đứa con tinh thần”. Nhìn những nụ cười của các em sinh viên khi có chiếc máy thực hành, niềm vui đong đầy trên đôi mắt của những người thầy.
Các thầy cho biết, White Spirit là sản phẩm có được trong quá trình chưng cất dầu mỏ, chủ yếu dùng làm dung môi pha sơn, dung môi hòa tan cao su, nhiên liệu đốt và là chất tẩy rửa dầu mỡ trên bề mặt kim loại.
Hiện nay, các công ty chế biến mủ cao su đang sử dụng dung môi White Spirit để hòa tan cao su khi kiểm tra chất lượng, độ tạp chất của sản phẩm. Sau khi phân tích mẫu, hỗn hợp chất White Spirit và cao su trở thành chất lỏng thải ra ngoài môi trường. Hàng năm, lượng chất thải này thải ra ngoài là khá nhiều gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường nếu không có cách xử lý phù hợp lại vừa gây lãng phí.
White Spirit mua mới khoảng 40.000 – 50.000 đồng/lít, nhưng nếu chưng cất được White Spirit từ dầu thải thì chỉ tốn chi phí 3.500 đồng/ lít. Trung bình một công ty chế biến mủ cao su dùng khoảng 100 mẫu cao su, phải dùng 15 lít dung môi White Spirit. Ước tính cho tất cả các công ty chế biến mủ ở nước ta thì hàng năm lượng dầu này sử dụng khá nhiều và thải ra ngoài là không hề nhỏ. Không chỉ gây lãng phí và ô nhiễm môi trường, hỗn hợp chất thải còn là loại dung môi rất dễ bắt cháy, do đó khi thải ra ngoài mà không quản lý chặt chẽ thì sẽ không đảm bảo cho việc an toàn cháy nổ trong nhà máy chế biến và khu vực xung quanh.
Với sáng kiến “Hệ thống chưng cất dầu White Spirit”, sau khi thu gom dầu thải có chất White Spirit sau đó chuyển vào thiết bị điều chế đúng lượng yêu cầu, tiến hành điều chế trong điều kiện nhất định. Sản phẩm được lấy ra liên tục và qua xử lý tiếp theo để thành sản phẩm White Spirit tinh khiết nhất. Kết quả cho ra sản phẩm tận thu lại dầu White Spirit đạt tới 80 – 90% nhưng giá thành thu lại chỉ bằng 10% so với White Spirit mua mới.
Sáng kiến chưng cất dầu, đã biến chất thải thành chất có lợi trong nhiều lĩnh vực dân dụng và công nghiệp, đem lại lợi ích kinh tế cao và góp phần hữu ích cho xã hội, tiết kiệm hàng trăm triệu đồng/năm cho các công ty. Hiện đã có nhiều đơn vị đến tham quan và đặt hàng thiết bị này của các thầy.
Thầy Lâm Quốc Trình – Phó Hiệu trưởng RIC nhận xét, thiết bị sáng tạo của các giảng viên không những góp phần cho công tác giảng dạy hiệu quả, thầy cô có điều kiện phát huy sáng tạo, mà còn góp phần ứng dụng vào thực tế cao cho các đơn vị trong ngành và xã hội. Cần sự hỗ trợ và nhân rộng để những sáng kiến này được các đơn vị ứng dụng rộng rãi, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, tiết giảm chi phí đầu tư cũng những góp phần bảo vệ môi trường.
Minh Tâm
Related posts:
- Trực đêm trên lô những ngày cuối năm
- Các công ty cao su Đông Nam Bộ: Nhiều đóng góp lớn cho Tập đoàn và địa phương
- Phát huy truyền thống từ "chiếc nôi Phú Riềng đỏ"
- Nông trường Long Bình, Cao su Phú Riềng: trồng xen - lợi ích kép
- Tỉnh Điện Biên chấp thuận chủ trương đầu tư Nhà máy chế biến mủ Cao su Điện Biên
- Hiệu quả từ cây cao su trên quê hương Bác
- Cao su Bà Rịa ra quân khai thác mủ
- Cao su Bà Rịa, Cao su Bình Thuận: Thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp để hoàn thành kế hoạch sản lượn...
- Cao su Chư Sê - Kampong Thom thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, sản xuất kinh doanh năm 2023
- Sớm về trước kế hoạch