CSVN – Đâu là nguyên nhân khiến giá cao su những tháng gần đây có xu hướng giảm dần; Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) có động thái gì can thiệp nhằm bình ổn thị trường; dự báo thị trường cao su thiên nhiên thế giới từ nay đến cuối năm diễn biến ra sao? Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bích – Tổng Thư ký ANRPC đã có cuộc trao đổi với phóng viên Tạp chí Cao su VN về những vấn đề này.
– Thưa ông, kể từ cuối năm 2016, giá cao su đã khởi sắc sau thời gian dài xuống thấp. Xin ông cho biết đâu là nguyên nhân thúc đẩy giá cao su phục hồi?
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bích: Do ảnh hưởng của giá cao su thấp trong suốt một thời gian dài, nhiều diện tích vườn cây cao su trong các nước thành viên ANRPC đã bị đốn hạ để thay thế bằng cây trồng khác, số khác thì ngừng thu hoạch mủ vì doanh thu không bù đắp được chi phí, một số diện tích cao su non đến tuổi nhưng không mở cạo cũng có cùng một lý do.
Một số chính phủ đã tiến hành mua dự trữ cao su để giúp đỡ nông dân trong thời điểm giá thấp. Từ đó nguồn cung cao su ra thị trường thế giới đã giảm nhiều trong năm 2014 và tăng lên rất ít trong 2 năm kế tiếp. Trong khi đó vào thời điểm cuối năm 2016, nhu cầu tiêu thụ cao su ngay trong các nước thành viên ANRPC đã tăng lên đáng kể.
Bên cạnh ảnh hưởng thuận lợi chủ yếu của quan hệ cung – cầu, vào tháng 10/2016, giá dầu thế giới đã tăng trở lại sau một thời gian dài ở mức thấp. Cũng vào tháng 10/2016, đồng Yên Nhật bắt đầu giảm giá khá sâu so với USD Mỹ. Tất cả những yếu tố này đã góp phần tạo nên sự phục hồi của giá cao su trên thị trường thế giới vào thời điểm cuối năm 2016.
– Sau thời gian tăng khá, kể từ tháng 3 đến nay, giá cao su có xu hướng giảm dần. Vậy nguyên nhân do đâu, thưa ông? Trước tình hình đó, ANRPC đã có kế hoạch, phương án gì để kìm đà giá cao su giảm và nâng đỡ thị trường cao su?
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bích: Sự suy giảm của giá cao su kể từ tháng 3/2017 đến nay bắt nguồn từ những yếu tố thị trường không cơ bản. Kể từ đầu tháng 3, giá dầu thô Brent đã xuống dưới mức 50 USD Mỹ/thùng và dao động quanh mức 47 USD. So với USD Mỹ, trước tiên là đồng Yên Nhật và sau đó là đồng Nhân dân tệ đều tăng giá đáng kể. Ngoài ra, tin đồn về khối lượng cao su dự trữ trước đây trong thời kỳ giá thấp nay được đưa ra thị trường đã tạo nên tâm lý không có lợi của thị trường đối với giá cao su.
Để kìm đà giá cao su giảm và nâng đỡ thị trường cao su, ANRPC đã thực hiện một số biện pháp. Trước hết, ANRPC đã ra thông cáo báo chí nhằm cải chính thông tin thiếu chính xác về sự dư thừa cao su thế giới do một số cơ quan truyền thông quốc tế đưa ra. Kế đến, kể từ tháng 4/2017, ANRPC đã cung cấp thông tin cung – cầu cao su trên phạm vi toàn cầu, thay vì trong phạm vi các nước thành viên, để tăng cường sự minh bạch thông tin trên thị trường cao su thế giới.
Sau nữa, từ tháng 5/2017, ANRPC đã cung cấp dự báo về sự thiếu hụt cao su trong năm 2017, căn cứ trên sự kết hợp một số yếu tố suy giảm trong tình hình thực tế sản xuất như: diện tích ngừng khai thác, diện tích cây non không đưa vào khai thác, năng suất thấp tại những vùng không thuận lợi, thời tiết và bệnh phấn trắng làm kéo dài mùa nghỉ cạo… tại các nước thành viên.
Trong năm nay, ANRPC đã tổ chức một đợt tập huấn về nghiên cứu và phân tích thông tin thị trường cao su tại Kuala Lumpur, Malaysia (17-21/4/2017), một kỳ họp nhóm chuyên gia bình ổn giá cao su của ANRPC tại Hat Yai, Thái Lan (23-25/5/2017) và sắp tới sẽ tổ chức hội thảo về cung – cầu cao su tại Davao, Philippines (11-14/7/2017). Những hoạt động này đều nhằm mục tiêu nâng đỡ thị trường cao su.
Xin ông cho biết dự báo của ANRPC về thị trường và giá cao su từ nay đến cuối năm?
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bích: Từ nay đến cuối năm 2017, xu hướng chủ đạo của thị trường cao su thế giới vẫn là xu hướng thuận lợi trong mối quan hệ cung – cầu. Tuy nhiên, các yếu tố thị trường không cơ bản lại có thể gây ảnh hưởng tiêu cực ngắn hạn đến giá cao su. Trước tiên, giá dầu thô bình quân 3 quý đầu năm chỉ đạt xấp xỉ 54 USD/thùng và được dự báo sẽ dao động quanh mức trung bình là 52 USD/thùng trong quý IV. Kế đến, những chuyển biến mới đây của chính sách kinh tế Mỹ là không thuận lợi đối với tâm lý thị trường cao su, trong đó quyết định tăng lãi suất đồng USD của Cục Dự trữ Liên bang (FED) có khả năng làm giảm dòng tiền vào các thị trường châu Á.
Kết hợp những yếu tố cơ bản và không cơ bản của thị trường, có thể nhận định rằng giá cao su khó có thể tăng cao từ nay đến cuối năm 2017, tuy nhiên sự thiếu hụt cao su trên thị trường thế giới cho đến cuối năm có thể góp phần làm cho giá cao su không thể suy giảm sâu hơn mà còn có thể tăng lên ít nhiều so với thời điểm hiện nay.
Được biết, dự báo cung cầu cao su của ANRPC có tác động lớn đến giá cao su. Mới đây ANRPC đã thay đổi cách cung cấp số liệu, dự báo trên toàn thế giới thay vì trong phạm vi ANRPC như trước đây. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Bích: Ngày nay cao su hàng hóa đang trở thành một kênh đầu tư thông dụng tương tự như chứng khoán, vàng, đô la và bất động sản. Ngoài các sàn giao dịch sẵn có tại Singapore (SICOM), Tokyo (TOCOM) và Thượng Hải (Shanghai), trong đó cao su được mua bán trên cơ sở các hợp đồng tương lai, việc mua bán cao su còn được thực hiện bởi các quỹ đầu tư ETF (Exchange Traded Fund), trong đó cao su được mua bán dưới dạng vật chất hoặc dưới dạng đầu tư vào các hợp đồng tương lai.
Việc xác định giá cả cao su tại các thị trường phi vật chất nói trên dựa chủ yếu vào thông tin cung – cầu cao su trên thế giới. Giá cao su trên thị trường phi vật chất lại có khả năng gây ảnh hưởng trên thị trường vật chất. Gần đây, trên cơ sở nhận thức rằng các nhà đầu tư rất dễ bị ảnh hưởng tiêu cực về tâm lý bởi những nguồn cung cấp thông tin cung – cầu thiếu chính xác, thậm chí bởi tin đồn thất thiệt, dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực đối với giá cao su, ANRPC đã quyết định mở rộng phạm vi cung cấp số liệu ra toàn cầu thay vì chỉ trong phạm vi các nước thành viên ANRPC, vốn chiếm khoảng 90% sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu.
Trước đây, thông tin cung – cầu trong phạm vi nội bộ ANRPC dễ bị hiểu lầm là thông tin cung – cầu toàn thế giới, đặc biệt là thông tin về nhu cầu tiêu thụ. Giờ đây do thông tin không còn phân biệt số liệu trong và ngoài ANRPC, tính minh bạch thông tin trên thị trường cao su thế giới sẽ được tăng cường, như tôi đã trình bày ở trên.
Xin cảm ơn ông!
P.V (thực hiện)
Related posts:
- Xuất khẩu cao su của Malaysia tăng lên hơn 15 tỷ USD năm 2021
- Động lực vô cùng lớn thúc đẩy xuất khẩu cao su và sản phẩm cao su của Việt Nam từ EVFTA
- Xuất khẩu sản phẩm cao su sang Malaysia tăng gấp đôi
- Đa dạng hóa thị trường tiêu thụ cao su
- VRG gặp mặt khách hàng đầu năm
- Người lao động được mua cổ phiếu bằng 60% giá khởi điểm
- VietnamPrintPack 2019 trở lại với quy mô lớn
- Hơn 380 doanh nghiệp tham gia Triển lãm Quốc tế VietnamPrintPackFoodtech 2018
- Hơn 1.100 gian hàng tại triển lãm nhựa và cao su lần thứ 21
- Khởi công xây dựng nhà máy chế biến cao su ở Liberia