CSVN – Trong những năm qua, Công ty CPCS Đồng Phú đã tích cực phối hợp với Viện Nghiên cứu Cao su VN, các ban chuyên môn VRG để tìm kiếm những giải pháp tối ưu trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng, năng suất vườn cây, tiết giảm chi phí đầu tư, hạ giá thành sản phẩm, từ đó góp phần quan trọng vào hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty.
Sẽ áp dụng chế độ cạo D5
Để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, trong năm 2016, công ty đã chuyển hơn 50% diện tích vườn cây sang chế độ cạo D4. Đồng thời kết hợp nghiên cứu hiệu quả áp dụng chế độ cạo D5 trên vườn cây nhóm I năm 2014 – 2016. Ông Trương Vĩnh Tuấn – Trưởng Phòng Kỹ thuật công ty, nhận xét: “Qua 3 năm nghiên cứu trên dòng vô tính PB 260 tại lô 20, NT Tân Thành (cây trồng từ năm 2007, mở miệng cạo năm 2014), kết quả cho thấy khi giảm nhịp độ cạo từ D3 xuống D5, năng suất quần thể kg/ha/năm nhịp độ thấp D5 kích thích 4 – 6 lần/năm đạt từ 75,8 – 79,9% so với đối chứng D3 (1.473 – 1.505 kg/ha/năm so với 1.942 kg/ha/năm)”.
Theo đó, hàm lượng cao su khô (DRC%) qua 3 năm theo dõi nhịp độ cạo thấp D5 vẫn ở mức cao (34,5 – 35,6%). Tỷ lệ khô mặt cạo toàn phần ở mức dưới 5%. Như vậy, cạo nhịp độ D5 kích thích 6 lần/năm thì hàm lượng DRC vẫn ở mức cao và tỉ lệ khô mặt cạo ở mức cho phép. Trong khi đó, nhu cầu lao động giảm đến 40%, lợi nhuận tăng khoảng 1,5 triệu đồng/ha, tiết kiệm được vỏ cạo, kéo dài thời gian khai thác trên vỏ nguyên sinh, thuận lợi trong công tác quy hoạch vỏ cạo.
“Năm 2017, công ty tiếp tục duy trì chế độ cạo D4 hiện tại, áp dụng cho những vườn cây mới mở cạo và vườn cây cạo úp năm 1 để giải quyết tình trạng thiếu lao động. Bên cạnh đó, công ty cũng sẽ áp dụng chế độ cạo D5, tiếp tục nghiên cứu các tần số bôi thuốc kích thích để thu dần khoảng cách năng suất giữa nhịp độ cạo thấp D5 so với D3. Triển khai thêm các thí nghiệm ở nhịp độ cạo thấp D5 và D6 trên các giống mới có quy mô diện tích lớn đang trồng và vườn cây nhóm II”, ông Hồ Cường – TGĐ công ty, cho biết.
Đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa
Nhiều năm qua, công ty triển khai công tác thổi lá phòng chống cháy bằng máy thổi tay, với những bất cập khi khoán thổi lá trên vườn cây, như: một số công nhân (CN) không có máy phải thuê mướn với giá cao, việc tiến hành thổi lá trên địa bàn khi triển khai thực hiện không đồng nhất… gây khó khăn trong công tác trực gác, phòng chống cháy. Thấy được khó khăn trên, NT An Bình đã tìm tòi và sáng chế ra máy thổi lá bằng cơ giới, mang lại hiệu quả cao, tiết kiệm chi phí và giảm công lao động.
Máy thổi lá bằng cơ giới có nhiều ưu điểm, như: tiến độ công việc thực hiện nhanh, gọn trên diện tích đại trà. Thực hiện công việc đồng nhất trên lô. Chi phí thấp, tiết kiệm, do đó có thể tăng cường thổi nhiều lần trên lô. Giảm chi phí trực gác vào thời gian cao điểm. Vừa qua, NT An Bình tiến hành đồng bộ thổi lá bằng cơ giới, cứ mỗi ha tiết giảm được 195.000 đồng. Với diện tích 1.000 ha, NT tiết kiệm được 195 triệu đồng. Công ty sẽ áp dụng thổi lá chống cháy bằng cơ giới cho toàn công ty trong thời gian tới.
Hiệu quả thu mủ đông tại lô
Năm 2016, Công ty CPCS Đồng Phú – Kratie đã đưa vào khai thác thí điểm 722 ha, sản lượng trên 162 tấn qui khô. Công ty đã thực hiện thu mủ đông tại lô đạt kết quả tốt. Ông Huỳnh Trọng Thủy – TGĐ công ty, chia sẻ: “Việc áp dụng phương pháp giữ mủ đông tại lô đã giảm bớt cường độ lao động cho CN, giảm được công trút mủ nước, bóc mủ tạp, tăng số cây cạo/phần, bình quân 600 cây cạo/phần. Giảm chi phí trực tiếp phải trả cho CN và xe máy khi vận chuyển mủ. Giảm chi phí xăng xe CN đi trút mủ nước, bóc mủ tạp. Trong 3 tháng cuối năm 2016, công ty đã giảm được 126 triệu đồng các khoản chi phí này. Bên cạnh đó, còn tạo điều kiện cho CN có thêm thời gian làm các công việc chăm sóc và phòng chống cháy trên vườn cây của mình, giúp công ty giảm sức ép vì thiếu lao động”.
Huệ Văn
Related posts:
- Giống cây trồng phải được bảo hộ
- Phát triển chip chỉ thị phân tử để cải tiến giống cây cao su
- Máy cạo mủ: Kiểm soát được dăm cạo sẽ hiệu quả
- Bệnh mới trên cây cao su tại VN
- Tập huấn sản xuất tái canh cao su chu kỳ II tại Campuchia
- Nên trang bị ủng đi cạo vào mùa mưa
- Trồng cây sả trên đất cao su: Hướng đi mới, hiệu quả kinh tế cao
- Áp khí Ethylene kết hợp khoan lấy mủ: Hiệu quả kinh tế cao?
- Xen canh, luân canh trên vườn cây cao su
- Công nghệ chẩn đoán bệnh rễ trắng trên cây cao su dựa trên phân tích hình ảnh bằng trí tuệ nhân tạo ...