CSVN – Thế là chú Tư Cao, tên thật là Trương Văn Tươi – Nguyên TGĐ TCT Cao su VN (nay là Tập đoàn CN CSVN) đã ra đi mãi mãi!
Vùng cao su Dầu Tiếng, nói rộng ra là cả ngành cao su mất đi một người ông, người cha, người bác, người chú, người anh cả của ngành cao su Việt Nam. Đây là sự mất mát lớn lao, không những đối với gia đình và cả với tôi – người vinh dự được phục vụ cho chú hàng chục năm trời (tháng 7/1989) đến khi chú về hưu. Kỷ niệm với chú luôn ngập tràn trong tôi, đây là những kỉ niệm đẹp nhất mà một thời thanh xuân tôi đã qua.
Tôi biết chú Tư Cao từ tháng 5/1982, khi đó vấn đề hợp tác với Liên Xô ở Phú Riềng mở rộng ra các Công ty Cao su Dầu Tiếng, Bình Long và Đồng Phú. Lúc đó tôi là phiên dịch tiếng Nga cho đoàn chuyên gia Liên Xô đến Cao su Dầu Tiếng bàn việc đưa máy móc, thiết bị, vật tư và cử chuyên gia Liên Xô trực tiếp giúp Công ty Cao su Dầu Tiếng đào tạo công nhân kỹ thuật, lái máy và truyền đạt kiến thức cho công nhân Việt Nam.
Lúc bấy giờ, chú Tư Cao là Giám đốc Công ty Cao su Dầu Tiếng. Sự nhiệt tình, cung cách cởi mở đón tiếp đoàn chuyên gia Liên Xô đã tạo cho họ một ấn tượng tốt đẹp ngay từ ngày đầu gặp gỡ. Tất cả điều đó đã để lại ấn tượng tốt cho đoàn chuyên gia Liên Xô đối với Cao su Dầu Tiếng.
Thời chú Tư Cao làm Giám đốc Cao su Dầu Tiếng, diện tích cao su ở Dầu Tiếng được mở rộng, nhanh đến chóng mặt, mỗi năm khai hoang, trồng mới từ 4.000 ha đến 6.000 ha. Chỉ trong khoảng 6 năm, từ 1981 đến 1986 công ty đã trồng xong, định hình gần 30.000 ha cao su với chất lượng vườn cây rất tốt. Nhiều năm liền, vườn cây cho năng suất bình quân gần 2 tấn/ha/năm.
Thị trấn Dầu Tiếng thời chiến tranh bom đạn tàn phá ác liệt, vườn không, nhà trống, cách đồng đầy rẫy bom mìn. Nhờ có chuyên gia, đặc biệt là vốn của Liên Xô đưa đến, vườn cây cao su định hình, cơ sở vật chất hạ tầng được xây dựng khắp nơi. Đến nay thị trấn Dầu Tiếng đẹp không khác bất cứ thị xã nào trong cả nước.
Hình ảnh chú Tư Cao với dáng người cao lớn, khỏe mạnh xông xáo đến từng nơi trồng cao su, kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật, san sẻ niềm vui nỗi buồn với các đồng chí chuyên gia Liên Xô, với cán bộ, công nhân viên Việt Nam làm mọi người nhớ mãi. Tôi nhớ, có lần chú Tư đưa trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô đi thăm vườn cây cao su Dầu Tiếng, chỉ đi riêng những đường lô chính mà cũng mất cả ngày trời, khiến chủ và khách đều thấm mệt. Với vườn cây ngút ngàn, Cao su Dầu Tiếng làm được điều lớn lao, là biểu tượng của tình hợp tác trồng cao su Việt – Xô. Nhìn thảm cao su xanh, trải dài bát ngát chú Tư Cao gọi là “lưới trời”, đêm về tôi sáng tác được bài thơ “Lưới trời” đăng báo thời đó, có câu:
Chẳng thấy nhấp nhô, thấp cao tầng
Mà đây toàn cảnh phẳng như tranh,
Từ chân núi Cậu về Bến Cát
Đất phủ cao su đã xanh tràn…
Do chú Tư Cao làm tốt việc trồng cao su ở Dầu Tiếng, năm 1986 chú được điều động về làm phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cao su Việt Nam. Sau đó Tổng cục đổi tên thành Tổng Công ty Cao su Việt Nam. Từ tháng 5/1996 chú Tư Cao là Bí thư Đảng ủy khối Cơ sở kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cao su Việt Nam.
Đến tháng 2/2000 chú Tư Cao nghỉ hưu. Với những cống hiến to lớn, xuất sắc của chú trong kháng chiến và trong việc chỉ đạo, lãnh đạo và xây dựng ngành cao su, chú được Nhà nước trao thưởng Huân chương Chiến công hạng II, Huân chương Giải phóng hạng III, Huân chương Lao động hạng II và hạng III, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng I và Huân chương Độc lập hạng III. Đặc biệt, chú còn được tặng hàng chục Kỷ niệm chương của các bộ, ngành, nhất là Kỷ niệm chương vì sự nghiệp xây dựng Đảng trong doanh nghiệp và Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng.
Thời chú Tư Cao đang còn làm việc tại Cơ quan Tổng cục, rồi Tổng Công ty Cao su Việt Nam, tôi có điều kiện gặp chú để trình bày các vấn đề mà mình phụ trách là tổng hợp và báo chí. Mỗi khi tôi trình bày bất cứ vấn đề gì chú đều cho ý kiến giải quyết, hoặc chỉ ra hướng giải quyết cụ thể. Chú Tư Cao là người rất vui vẻ, cởi mở, luôn được khách trong và ngoài nước quý trọng.
Thời gian đó giá bán cao su thấp, lại còn hơi hướng của thời bao cấp, trì trệ, sản lượng cao su sản xuất chưa nhiều nên rất khó khăn. Với sự chỉ đạo của chú và phương châm tập trung, dân chủ khi tất cả đồng thuận thì chú quan tâm đến vấn đề báo chí. Chú Tư luôn nhắc tôi phải tiếp cận, gần gũi với các báo đài, để cung cấp thông tin thêm cho các nhà báo. Nhờ vậy, các báo, đài đã đồng hành, thông tin tuyên truyền và gắn bó với ngành cao su cho đến hôm nay.
Chú Tư Cao đã đi xa mãi, nhưng hình ảnh chú – một “thủ lĩnh ngành cao su” vẫn còn ở lại. Thế hệ làm cao su hiện nay và tương lai, lịch sử ngành cao su luôn ghi đậm nét chân dung, những cống hiến của chú – đã sống và làm việc vì sự nghiệp xây dựng và phát triển ngành cao su Việt Nam.
Phùng Thanh La
Related posts:
- Nữ cán bộ Công đoàn tiêu biểu xuất sắc
- Một người luôn sống vì đời vì người
- Sau cơn mưa trời lại sáng!
- Đảng viên trẻ Rơ Lan H’Anh: Gương sáng tận hiến, xứng danh “Công nhân trẻ tiêu biểu”, “Người thợ trẻ...
- Người "có duyên" với danh hiệu Bàn tay vàng
- Gặp gỡ các gương điển hình đầu năm
- Cuộc sống ý nghĩa hơn khi được làm công nhân cao su
- Người “truyền lửa” cho thanh niên làng Kluh đi trồng cao su
- Kiên cường đấu tranh, thắng lợi trọn vẹn: Phát huy truyền thống, tôn tạo di tích
- Nữ an toàn viên có tay nghề xuất sắc