Trước tình trạng nở rộ các chương trình gameshow trên sóng truyền hình, ngày nay một số nghệ sĩ đang có xu hướng thỏa hiệp, dễ dãi với chính mình. Việc làm này có làm mất đi những phẩm chất cao quý của người nghệ sĩ, những hình ảnh đẹp trong lòng khán thính giả yêu nghệ thuật?
Diễn viên Đại Nghĩa thú nhận trên chương trình truyền hình tuổi trẻ của báo Tuổi trẻ: “Hàng ngày sản xuất hàng loạt 7, 8 chương trình, có khi có ngày quay liên tục cả chục chương trình, khiến sự đầu tư không còn nhiều, sản phẩm của mình không còn chất lượng như trước. Khán giả xem họ sẽ nhìn vào nghệ sĩ hài không còn thiện cảm như trước đây nữa”.
Còn NSƯT Công Ninh thì cho rằng, “Những nghệ sĩ hài bây giờ họ làm việc quá sức. Các nhà sản xuất bắt họ phải sáng tạo liên tục nên họ không có thời gian để đầu tư, tư duy và sáng tạo cho nhân vật của mình”. Thực tế, đứng sau những gameshow là công ty truyền thông hay còn gọi là nhà sản xuất. Họ có tiền, có quyền mời những nghệ sĩ tới, sử dụng đạo diễn, kịch bản… để dàn dựng tiết mục. Bản thân họ cũng dễ dãi, để cho ra những chương trình theo đúng hợp đồng họ đã ký kết với nhà đài. Từ sự thỏa hiệp đó nghệ sĩ cũng trở lên rất dễ dãi với bản thân mà làm cho xong, chỉ phản xạ theo cảm tính, ngẫu hứng theo từng buổi.
Một diễn viên từng được giải cao của một chương trình gameshow tìm kiếm tài năng cho biết, “Là người làm nghề và lại là một diễn viên trẻ được đào tạo bài bản ở trường như mình thì rất lo. Mình từng bị cuốn theo gameshow rất nhiều, ai mời cũng nhận, nhưng qua thời gian thì nhận ra, diễn nhiều nhưng không có chất lượng”.
NSƯT Hữu Châu thì cho rằng: “Nói thật, mình không thể chấp nhận được một số diễn viên ngày nay cứ chăm chăm vào việc kiếm tiền mà không chăm chút cho sự sáng tạo, bỏ sau lưng những kiến thức mà mình đã được đào tạo bài bản. Các bạn ấy không biết rằng, để đứng được trên sân khấu, được khán giả yêu mến như chúng tôi ngày nay là cả một quá trình. Chúng tôi không lặp lại mình, chúng tôi biết việc gì mình nên làm, chúng tôi biết từ chối cái gì mình cảm thấy không được, để toàn tâm toàn ý cho nghề nghiệp của mình”.
Với thực trạng gameshow tiếp nối, chất chồng gameshow, sẽ đến lúc khán giả sẽ chán ngán và quay lưng. Khán giả ngày nay rất tinh tế, họ không chấp nhận các món ăn hời hợt, chắp vá mãi được. Đành rằng, cái mới xuất hiện nó sẽ phân tầng và chia sẻ một lượng khán giả nhất định nào đó với cái cũ. Gameshow lấn sân các loại hình sân sân khấu nghệ thuật truyền thống, sân khấu kịch chính thống cũng đang mất dần những diễn viên yêu nghề để tồn tại. Đây có phải là một thực tế đang lo ngại cho những nhà quản lý nghệ thuật?!.
Duy Vũ
Related posts:
- Mời tham gia bình chọn Bài hát truyền thống ngành cao su
- Nhà truyền thống cao su Dầu Tiếng: khắc họa truyền thống hào hùng
- Cao su bén rễ, người bén duyên
- Người Ka Dong cúng lúa mới: Cảm tạ thần linh, mong điều tốt lành
- Binh đoàn 15 hưởng ứng Chương trình “Xanh hóa Trường Sa”
- 125 năm cây cao su ở Việt Nam: Thời kỳ phát triển và các bước thăng trầm
- Tết Chôl Chnăm Thmây 2019 vui hơn mọi năm
- Làng cười
- Lạc quan trước mùa cạo mới
- Thông báo Cuộc thi ảnh "Ánh sáng từ dòng vàng trắng" lần 5 năm 2019