CSVN Xuân – Sau Cách mạng Tháng 8, cuộc đấu tranh của công nhân (CN) Cao su Dầu Tiếng với bọn chủ Pháp lẫn ngụy quân ngụy quyền là cuộc đấu tranh quyết liệt gian khổ mà anh dũng hào hùng. Kiên trì chiến đấu, tháng 4/1964, phong trào CN Cao su Dầu Tiếng đã được Trung ương Cục miền Nam trao tặng “Lá cờ đầu phong trào đấu tranh cách mạng các đồn điền miền Nam”.
Tháng 8/1945, khi cuộc Cách mạng Tháng 8 thành công, lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trên nóc dinh chủ sở Michelin Dầu Tiếng. Tiếp đó, CN Cao su Dầu Tiếng đã cùng với đồng bào cả nước bước vào cuộc kháng chiến giành độc lập tự do…
Tháng 5/1951, Ban Cán sự Dầu Tiếng được thành lập, do đồng chí Trần Đình Kiểu làm Trưởng ban.
Từ khi có Ban Cán sự, công tác phát triển cơ sở trong CN cao su được thống nhất. Ban Cán sự còn thành lập Đoàn vũ trang tuyên truyền Dầu Tiếng, do đồng chí Nguyễn Văn Quang – Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 304 được cử sang làm Chỉ huy trưởng. Đoàn đã kết hợp với CN Cao su Dầu Tiếng đánh địch, mà tiêu biểu là trận tập kích vào một bốt giặc ở làng 4 đã gây tiếng vang lớn.
Đêm đó, lính trong bốt tổ chức ăn nhậu, hát hò, “dô, dô” đến khuya. Trên tháp bốt chỉ có một tên lính gác, nhưng tên này tỏ ra cảnh giác cao, liên tục quét đèn pha ra xung quanh. Nhẫn nhịn chờ đợi đến nửa đêm, chờ cho bọn lính “quắc cần câu” ngủ hết, một tiểu đội của ta liền tấn công. Hai trái bộc phá được quăng tới với sức tàn phá cực lớn nhưng tháp bốt vẫn chưa sập. Tên lính gác hoảng hốt nổ súng liên tục rồi quăng cả lựu đạn nhưng chỉ tạo nên những tiếng nổ vô vọng chứ chẳng sát thương được ai.
Vừa lúc đó, tên Xu Tốt, một gián điệp phòng Nhì Pháp vừa được điều về chi viện cho bốt tỉnh giấc, chạy ra cùng tên lính gác định kháng cự nhưng đã bị quân ta diệt gọn. Số lính còn lại cỡ một trung đội thất kinh hồn vía, vội giơ tay đầu hàng rồi giao nộp toàn bộ vũ khí… Trận thắng oanh liệt tại bốt làng 4 này đã làm cho bọn địch hoảng sợ. Từ đó nhiều tên xu, sếp ác ôn hết dám làm tàng, trở nên khép nép, không còn dám ra oai hành hạ CN.
Đến đầu năm 1960, Ban Cán sự Dầu Tiếng đã đề nghị Chi bộ hai xã Long Nguyên và Thanh An chi viện một lực lượng với khoảng chục tay súng. Lực lượng này đã phối hợp với Đội vũ trang Dầu Tiếng thành lập một đơn vị mang tên “Tiểu đoàn 500”. Tiểu đoàn này của ta quân số còn mỏng, nhưng gọi vậy để thị uy, khiến bọn địch nao núng.
Một đêm tháng 3/1960, Tiểu đoàn 500 ra quân, với quyết tâm ở trận đánh đầu tiên này phải bắt được một số tên ác ôn thi hành án tại chỗ. Từ thông tin và dẫn dắt của bà con, ta đã tóm được 5 tên ác ôn khét tiếng, đáng tội tử hình, gồm: Cai Ti (Ủy viên kiểm soát), Giáo Kiểm (phong trào cách mạng quốc gia), Tào (mật vụ), Cai Sơn (trưởng ấp) và Mười Tĩnh (gác dan hội tề).
Tiểu đoàn 500 đã lập một Tòa án công nhân xét xử tội trạng của chúng. CN các làng rủ nhau kéo đến xem rất đông, vô cùng hả hê khi chứng kiến cảnh bọn ác ôn đập đầu khóc lóc, thề sống thề chết sẽ không bao giờ dám tái phạm các hành động tội ác. Trước thái độ quá thê thảm của chúng, Tòa án CN đã mở lượng bao dung khoan hồng và đanh thép cảnh cáo, nếu tiếp tục tái phạm thì quyết không tha.
Tiểu đoàn 500 sau đó kéo sang làng 21 bắt tên Thành (kẻ từng chỉ điểm bắt đồng chí Sáu Dân), Mười Nho (thám báo) và Duyệt (tên cảnh sát thường hãm hiếp phụ nữ). Dù chúng cũng đập đầu khóc lóc thảm thiết nhưng lần này dân làng quyết không tha cho hai tên Thành và Duyệt, nên cả hai đã bị tử hình ngay tại chỗ… Từ đó, tin đồn về Tiểu đoàn 500 ngày một lan xa, cứ mỗi lần nghe nhắc tới là quân địch hoảng kinh hồn vía.
Tạ Tuyên
Related posts:
- Rừng cao su: nơi sinh tồn của nhiều động thực vật
- Quyết tâm giành giải cao tại Phú Riềng
- Tranh dân gian treo Tết - Xưa và Nay
- Sôi nổi Hội diễn Văn nghệ quần chúng Cao su Phước Hòa
- Mẹ và đòn bánh tét ngày Xuân
- Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử - Sinh thái (1897 - 1975)
- Chờ đón những tiết mục đặc sắc "Tiếng hát công nhân cao su" Khu vực III
- Binh đoàn 15 tham gia hội thi Tuyên truyền viên trẻ toàn quân khu vực phía Nam
- "Vào mùa"
- Đi tìm "cái chữ" cho bà con