CSVNO – Thời gian qua, bộ môn Bảo vệ Thực vật (Viện Nghiên cứu Cao su VN) qua khảo sát, lấy mẫu chẩn đoán đã xác định thêm 2 loại bệnh mới trên cây cao su tại VN là bệnh Lở cổ rễ và bệnh Thối vỏ Fusarium. Chúng tôi xin giới thiệu một số thông tin và biện pháp xử lý hai loại bệnh này.
Bệnh Lở cổ rễ
Bệnh do nấm Pythium spp. kết hợp với Phytophthora spp. gây ra. Bệnh thường xảy ra thời điểm mưa và độ ẩm cao kết hợp với nhiệt độ thấp. Hiện nay, bệnh đã xuất hiện tại vùng miền núi phía Bắc. Nấm bệnh phá hủy vỏ vùng cổ rễ làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, khi cây bị nhiễm nặng có thể dẫn đến chết toàn bộ cây.
Dấu hiệu ban đầu có mủ rỉ ra với vết hơi lõm xuất hiện trên vùng cổ rễ cách mặt đất 0-10 cm. Gặp điều kiện thuận lợi, vết bệnh sẽ lan rộng, lúc này vỏ bị thối đen và vết thương có mùi hôi. Vỏ bị hủy hoại và để lộ gỗ, đây là vị trí thuận lợi cho tác nhân khác xâm nhập làm chết cây.
Để hạn chế bệnh phát sinh, lưu ý không gây vết thương cho cây khi chăm sóc (làm cỏ, bón phân…) vì đó là điều kiện thuận lợi cho nấm xâm nhập và gây hại. Kiểm tra phát hiện sớm cây bị nhiễm bệnh, đánh dấu tiến hành xử lý. Loại bỏ phần vỏ chết ở vết bệnh sau đó quét hoặc phun thuốc chứa gốc metalaxyl + mancozeb (Vimonyl 72BTN, Mexyl 72WP) nồng độ 2%; hoặc quét chế phẩm LSMC 99 kín vết bệnh. Để thuốc khô rồi dùng vaselin quét một lớp mỏng kín vết bệnh. Sau 25-30 ngày, kiểm tra lại vết bệnh và xử lý lập lại khi còn triệu chứng gây hại.
Bệnh Thối vỏ Fusarium
Bệnh do nấm Fusarium equiseti gây ra. Bệnh mới được ghi nhận tại một số Công ty cao su vùng Đông Nam Bộ, gây hại chủ yếu trên vườn ương và vườn kiến thiết cơ bản (KTCB).
Nấm thường hoạt động tập trung vào mùa mưa, phát tán bằng bào tử và khuẩn ty, chủ yếu nhờ vào hơi nước, nước tự do và gió. Nấm tiếp xúc xâm nhập và gây hại cho hầu hết các bộ phận của cây. Nấm ký sinh gây hại cho hơn 280 loài cây thuộc các họ khác nhau. Bệnh làm chết cây con vườn ương, giảm tỷ lệ ghép sống, giảm sinh trưởng vườn cây KTCB.
Triệu chứng ban đầu vỏ cây, mạch mộc và libe phù lên, hóa nâu và nứt ra; sau đó có nhiều mủ chảy ra từ các vết nứt. Trên cây trồng mới 1 – 2 năm tuổi, triệu chứng nặng có thể dẫn đến lá rụng, các cành non bị chết ngược và thân cây ngừng phát triển.
Để phòng trị bệnh này, trên vường ương cần phun phòng cho vườn mới ghép (tum, bầu) và cây có tầng lá bằng hỗn hợp carbendazim và hexaconazole (Vixazol 275SC, Arivit 250SC) nồng độ 0,2% phối hợp với chất bám dính BDNH 2000 nồng độ 0,2%, 2 – 3 lần với chu kỳ cách nhau 10 – 15 ngày/lần.
Cây con phải xử lý sạch bệnh trước khi đem trồng; Trên vườn cây KTCB: phun thuốc trị bệnh bằng hỗn hợp carbendazim và hexaconazole (Vixazol 275SC, Arivit 250SC) nồng độ 0,3% phối hợp với chất bám dính BDNH 2000 nồng độ 0,3%, 2 – 3 lần với chu kỳ cách nhau 10 – 15 ngày/lần. Lưu ý chỉ phun thuốc trị bệnh trong mùa mưa.
Phan Thành Dũng-Nguyễn Đôn Hiệu-Nguyễn Anh Nghĩa
(Viện Nghiên cứu Cao su vn)
Related posts:
- Tập huấn sản xuất tái canh cao su chu kỳ II tại Campuchia
- Cao su thiên nhiên góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu
- Quản lý kỹ thuật chuyên nghiệp hơn
- Trồng cao su lấy gỗ và gỗ - mủ theo hướng phát triển bền vững
- Quản lý dữ liệu vườn cây bằng hệ thống thông tin địa lý GIS
- Đắk Nông khuyến cáo người dân ổn định diện tích cao su
- Bệnh rụng lá Fusicoccum bùng phát tại Indonesia
- Quy định cách phát hiện tạp chất với mủ thu mua
- Giới thiệu quy trình kỹ thuật điều chỉnh bổ sung 2017
- Cần quan tâm chất lượng mủ nguyên liệu tại vườn cây