Tồi hay tốt?

CSVN – Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết sẽ công bố kết quả “Cuộc bình chọn các quy định pháp luật tốt nhất và tồi nhất”. Trong số các đề cử “quy định tồi”, theo VCCI, quy định “doanh nghiệp phải đóng tài chính cho CĐ bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH” nằm trong hạng mục quy định tồi”, đã gây xôn xao dư luận. Trước sự việc này, Tổng LĐLĐ VN đã lên tiếng.
Nhiều ý kiến cho rằng, từ nguồn kinh phí CĐ 2%,  CĐ cơ sở có điều kiện chăm lo NLĐ tốt hơn. Trong ảnh: Trao quà cho CNLĐ Cao su Hà Tĩnh tại Lễ ra quân Tháng CN và thu hoạch mủ năm 2016. Ảnh: Hải Đăng
Nhiều ý kiến cho rằng, từ nguồn kinh phí CĐ 2%,
CĐ cơ sở có điều kiện chăm lo NLĐ tốt hơn. Trong ảnh: Trao quà cho CNLĐ Cao su Hà Tĩnh tại Lễ ra quân Tháng CN và thu hoạch mủ năm 2016. Ảnh: Hải Đăng
Vì sao “DN phải đóng tài chính cho CĐ bằng 2%” lại tồi?

Từ cuối năm 2015, VCCI đã quyết định tiến hành một cuộc bầu chọn mang tên “Các quy định pháp luật tốt nhất và tồi nhất – Top ten Regulations”. Đây là một cuộc bình chọn của cộng đồng doanh nghiệp (DN) đối với các quy định pháp luật về kinh doanh được ban hành. Kết quả của cuộc bình chọn sẽ chỉ ra 10 quy định tốt nhất và 10 quy định tồi nhất đối với môi trường kinh doanh.

Trong số các đề cử “quy định tồi” có quy định “DN phải “đóng tài chính” cho CĐ bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Bên đề cử cho rằng cho rằng CĐ là tổ chức tự nguyện của người lao động (NLĐ) nhưng lại yêu cầu NLĐ đóng CĐ phí là không cần thiết; việc yêu cầu DN đóng CĐ phí sẽ làm giảm tính độc lập của CĐ; khoản tiền 2% quỹ lương của toàn bộ NLĐ là chi phí xã hội rất lớn nhưng không mang lại hiệu quả rõ ràng. Nếu số tiền này được chủ sử dụng lao động giữ lại thì có thể giúp tăng lương cho NLĐ hoặc tăng đầu tư cho tư liệu sản xuất giúp tăng năng suất lao động.

Ông Đặng Ngọc Tùng – nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN, khẳng định: “Tài chính CĐ không phải là ngân sách Nhà nước. Kinh phí CĐ thu từ 2% lương cơ bản NLĐ nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của NLĐ. Việc chi tiêu như thế nào phải có quyết định, hướng dẫn của Tổng LĐLĐ VN”.

Tổng LĐLĐ VN: Lý do VCCI đưa ra không chính xác

Sau khi nhận được công văn của VCCI, ngày 16/5, Đảng đoàn Tổng LĐLĐ VN có công văn gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc đề nghị chỉ đạo VCCI ngừng tổ chức bình chọn đối với Luật Công đoàn (CĐ) năm 2012.

Được biết, Tổng LĐLĐ VN là tổ chức được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng Đề án sửa đổi, bổ sung Luật CĐ và ngày 20/6/2012, Quốc hội khóa XIII đã biểu quyết thông qua Luật CĐ và luật có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2013. Luật CĐ là cơ sở pháp lý quan trọng để khẳng định địa vị pháp lý, vai trò, trách nhiệm của CĐ và cơ chế thực hiện các chức năng của tổ chức CĐ.

Theo Tổng LĐLĐ VN, trong quá trình thảo luận để thông qua Luật CĐ tại Quốc hội, giới chủ và các hiệp hội DN đã ra sức phản đối, nhất là về tài chính CĐ (Điều 26). Nay nếu lấy ý kiến đề cử từ các DN, Hiệp hội DN về Luật CĐ, đương nhiên các chủ DN, Hiệp hội DN không đồng tình với Luật CĐ, nhất là các nội dung của Điều 26.

Cũng theo Tổng LĐLĐ VN, đoàn phí CĐ do Đoàn viên CĐ đóng theo quy định của Điều lệ CĐ VN (Khoản 1, Điều 26), chứ không phải do NLĐ đóng. DN đóng kinh phí bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho NLĐ (khoản 2, Điều 26), chứ không phải DN đóng tài chính cho CĐ. Việc DN đóng kinh phí CĐ không ảnh hưởng gì đến tính độc lập của tổ chức CĐ. Nếu không đóng kinh phí CĐ 2%, chưa chắc chủ sử dụng lao động tăng lương cho NLĐ. Thực tế cho thấy, có hàng nghìn DN, chủ yếu là các DN chưa có CĐ, trốn đóng BHXH cho NLĐ, dẫn đến nhiều cuộc ngừng việc tập thể, đình công, quan hệ lao động phức tạp, ảnh hưởng không tốt đến an ninh chính trị, an toàn xã hội.

Về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, từ nguồn kinh phí CĐ 2%, CĐ cơ sở đã có điều kiện chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NLĐ. Cụ thể như thăm hỏi CNLĐ và thân nhân bị ốm đau, bị bệnh hiểm nghèo, bị tai nạn lao động; chi ma chay, hiếu hỉ; tặng quà trong các dịp lễ, Tết, kỷ niệm tặng học bổng cho con NLĐ… Được chăm lo tốt hơn, NLĐ sẽ làm việc hăng say, hiệu quả hơn; yên tâm, gắn bó với DN hơn. Chính việc làm này đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của DN. Nghĩa là chính DN thụ hưởng hiệu quả từ sự chăm lo của CĐ.

C.Đ