CSVN – Vào đầu tháng 5/2016, một trận mưa đá kèm theo lốc xoáy đã xảy ra trên diện rộng tại huyện Đăk Đoa, nơi vườn cây cao su của Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang đứng chân. Mưa đá và lốc xoáy đã làm ảnh hưởng khoảng 300 ha cao su tại 4 nông trường là Hòa Bình, Bờ Ngoong, Tân Lập và Kon Thụp. Sau 20 ngày, công tác khắc phục hậu quả thiên tai cơ bản đã hoàn tất, công ty sẵn sàng cho mùa cạo mới.
>> Gió lốc làm gãy đổ 80 ha Cao su Mang Yang
Diện tích bị thiệt hại quy đông đặc khoảng 30 ha với tổng số 14.554 cây, trong đó có đến 12.381 cây bị gãy ngang thân và 2.173 cây bị gãy cành, gãy ngọn. Số cây bị ảnh hưởng bởi lốc tập trung chủ yếu tại Tổ 13 – NT Hòa Bình với 13.567 cây, trong đó có 11.957 cây gãy ngang thân, số còn lại thuộc các NT Bờ Ngoong, Tân Lập và Kon Thụp.
Lốc xoáy cũng làm sập, tốc mái hoàn toàn 3 nhà sinh hoạt tập thể của NT Hòa Bình và Tân Lập, may mắn không có thiệt hại về người. Ngay sau khi cơn lốc đi qua, công ty đã chỉ đạo các đơn vị bị lốc xoáy quét qua khẩn trương kiểm kê diện tích bị thiệt hại, chỉ đạo 2 xí nghiệp chế biến gỗ và xí nghiệp chế biến mủ cao su nhanh chóng có phương án tiến hành cưa cắt lấy gỗ và củi phục vụ sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi để người công nhân sớm trang bị vật tư vườn cây, phục vụ cho công tác khai thác mùa vụ mới.
Ông Phan Duy Toan – Phó TGĐ công ty cho biết: “Lãnh đạo công ty đã chỉ đạo cho NT thống kê thiệt hại, phân bổ lại vườn cây để CN có vườn cây thiệt hại ít chia sẻ cho CN có vườn cây bị thiệt hại nhiều, động viên CN cùng chia sẻ những khó khăn với đơn vị. Bên cạnh đó, công ty cũng chỉ đạo cho 2 xí nghiệp chế biến gỗ và chế biến mủ khẩn trương cùng với CN khắc phục để tập trung cho sản xuất như thu gom toàn bộ vật tư hư hao, trang bị lại vật tư mới. công ty báo cáo và xin ý kiến Tập đoàn cho thanh lý sớm vườn cây, vì số lượng cây còn lại không đủ để duy trì sản xuất …”.
Theo báo cáo của công ty gửi VRG thì phần lớn diện tích bị thiệt hại trong đợt này là vườn cây khai thác, chủ yếu trồng vào năm 1998, còn lại vào các năm trồng từ 1994 đến 2015. Để người CN sớm ổn định tinh thần, tâm lý sau cơn lốc, lãnh đạo NT Hòa Bình đã có những phương án hỗ trợ như động viên gia thuộc cùng CN tích cực dọn dẹp cây gãy đổ, thuê thêm máy cưa cắt, đề nghị Công đoàn công ty hỗ trợ một phần kinh phí giúp lực lượng bảo vệ cùng CN sớm dọn dẹp phần cây để tiến hành khai thác mủ.
Về vấn đề này, Phó GĐ kiêm Chủ tịch Công đoàn NT Hòa Bình, ông Lê Văn Thọ cho hay, sau khi vườn cây bị gãy đổ NT đã kịp thời báo cáo công ty huy động CN và nhân viên nhà máy gỗ tích cực dọn dẹp nhằm kịp thời để CN quay lại sản xuất, sắp xếp lại vườn cây để đảm bảo thu nhập cho CN. Công đoàn công ty và NT cũng thường xuyên gặp gỡ động viên CN bám vườn cây, khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Ngoài ra, phía địa phương cũng đã cử lực lượng quân đội xuống hỗ trợ các hộ gia đình nghèo, người có công và CN có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn, khắc phục hậu quả, thu dọn vườn cây…Đồng thời hỗ trợ mỗi gia đình có nhà bị sập số tiền 4 triệu đồng, hộ bị tốc mái 2 triệu đồng cùng với một số nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống hàng ngày. Sau hơn 20 ngày khẩn trương dọn dẹp, vườn cây của các NT cơ bản đã ổn định, thông thoáng, CN đã có thể đi cạo.
Văn Vĩnh – Hà Đức Thành
Related posts:
- Cao su Đồng Nai đạt được nhiều dấu ấn nổi bật trong năm 2022
- Tái cơ cấu ngành cao su theo hướng bền vững
- Bệnh viện Đa khoa Cao su Bình Long: Họp mặt kỷ niệm 68 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam
- Đẩy mạnh diện tích trồng xen canh
- 9 công ty cao su Kampong Thom mít tinh kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động
- VRG trao tặng 300 triệu đồng xây dựng nhà tình nghĩa cho tỉnh Lào Cai
- Hoàng Thanh Tùng - Bàn tay vàng TCT Cao su Đồng Nai
- “Chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch Covid-19, bảo đảm ho...
- Cao su Chư Sê chú trọng phát triển Đảng trong công nhân
- VRG khai giảng lớp tập huấn nghiệp vụ quản trị văn phòng