CSVN – Ở Công ty CPCS Đồng Phú, mô hình nuôi gà ta thả vườn tăng thu nhập đang phát triển mạnh mẽ. Một trong những người đi đầu là anh Bùi Văn Hai – nhân viên bảo vệ Nhà máy Chế biến Tân Lập.
Nuôi theo hướng an toàn sinh học
Anh Hai là gương điển hình ở đơn vị về tính cần mẫn, chịu thương chịu khó. Hiện tại với mảnh vườn 0,5 ha sau nhà, anh nuôi hơn 300 con gà ta, 100 con gà giống, một bầy vịt cỏ. Ngoài ra, anh còn tích cực trồng vườn chuối cau, gừng, rau lang … để góp phần tăng thu nhập.
Với cách nuôi gà theo hướng an toàn sinh học của anh, thì sau thời gian 3 tháng sẽ xuất bán được 1 lứa. Bình quân tỷ lệ nuôi sống đạt trên 98%. Cùng với đó, cân nặng của gà trung bình đạt 2,2-2,5 kg/con gà trống và 1,8-2kg/con gà mái. Cứ mỗi năm, gia đình anh xuất bán được 4 lứa gà thịt. Phần lớn gà ta của anh Hai được người dân trong vùng tìm đến tận nhà để mua với giá từ 90 ngàn đồng/kg. Gà ta của anh nuôi không đủ bán vì thịt ngọt, dai. Để thịt gà vừa ngon ngọt, chất lượng, ngoài giờ đi làm, anh lặn lội đi mót mì phơi khô, băm nhỏ làm thức ăn để tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, anh cho gà ăn nhiều rau, đặc biệt là cỏ linh lăng, loài cỏ được gọi là vua thảo dược, mọc rất nhiều vào mùa mưa.
Anh Hai chia sẻ về kinh nghiệm nuôi gà ta thả vườn: “Trước đây tôi tìm hiểu các thông tin về cách nuôi, phòng bệnh cho gà, lựa chọn con giống… qua sách báo, tivi, Internet… Sau đó, tôi mua gà con giống về nuôi với chi phí hơn 1 triệu đồng. Việc nuôi gà theo hướng an toàn sinh học có nhiều điểm tương đồng với nuôi truyền thống (nuôi thả hoang), là gà được thả tự do trong không gian rộng lớn”.
“Nhờ đó, ngoài các loại thức ăn chính là lúa, bắp và cám tổng hợp, thì gà còn tự kiếm thêm các loại thức ăn khác như cỏ, côn trùng… để bổ sung thêm dinh dưỡng. Quan trọng hơn, cách nuôi này có nhiều quy định nghiêm ngặt từ cách chọn giống, cách chăm sóc gà qua từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển. Cùng với đó, việc vệ sinh chuồng trại phải được thực hiện thường xuyên 1 lần/tuần. Đặc biệt, giai đoạn đầu (giai đoạn ấp gà con) cần thường xuyên theo dõi đàn gà thật cẩn thận”, anh cho biết thêm.
Chị Lê Thị Kiều Oanh – Chủ tịch Công đoàn Nhà máy Chế biến Tân Lập chia sẻ: “Anh Hai là gương điển hình về chăn nuôi phát triển kinh tế hộ gia đình ở đơn vị. Anh luôn nhiệt tình giúp đỡ, hướng dẫn anh em trong nhà máy về mô hình chăn nuôi của mình để tăng thu nhập trong giai đoạn khó khăn hiện nay”.
Hết lòng vì gia đình nhỏ
Anh Bùi Văn Hai sinh năm 1983 ở xã Nhân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An trong một gia đình khó khăn, đông anh em. Năm 2003, sau khi tốt nghiệp THPT, anh đi bộ đội ở Đoàn đặc công 429 thuộc huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương. Năm 2013, anh phải xuất ngũ vì vợ bệnh nặng, hai con nhỏ không ai chăm sóc. Anh chuyển công tác về làm nhân viên bảo vệ ở Nhà máy Chế biến Tân Lập. Thời điểm đó, lương thượng úy đặc công của anh hơn 8 triệu đồng/tháng. Về làm bảo vệ nhà máy chế biến, lương của anh hiện tại chỉ hơn 3 triệu đồng.
Anh Hai chia sẻ: “Gia đình neo người, thời điểm đó vợ bệnh nặng, tôi bắt buộc phải xuất ngũ về chăm sóc vợ và hai con nhỏ. Tôi xin vào làm bảo vệ ở Nhà máy Chế biến Tân Lập gần nhà để tiện chăm sóc vợ con. Gia đình tôi chi tiêu tiết kiệm tối đa, tôi cố gắng vừa đi làm vừa chăn nuôi tăng thêm thu nhập. Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm, vợ tôi giờ bớt bệnh, hiện làm công nhân giày da ở Khu công nghiệp Bắc Đồng Phú, lương hơn 4 triệu đồng/tháng. Ngoài lương đi làm của hai vợ chồng, thu nhập từ chăn nuôi của gia đình tôi cũng hơn 5 triệu đồng/tháng”.
Trần Huỳnh
Related posts:
- Chăm lo người lao động là mối quan tâm hàng đầu
- 4 công nhân nhận giải Cao su Việt Nam: Có nhiều sự cống hiến cho sự phát triển của ngành
- Góp sức cho con đường lên đồi cao su
- Đem tài năng, sức trẻ để cống hiến
- "Đi đâu cũng không bằng làm công nhân cao su"
- “Phong trào Luyện tay nghề - Thi thợ giỏi giúp tôi trưởng thành hơn”
- Đậu Văn Thao - Tấm gương trong lao động sản xuất
- Nữ công nhân ưu tú ở cao su Kon Tum
- "Giải thưởng hôm nay là cả quá trình tôi tích cực rèn luyện"
- Phát huy truyền thống, chung tay góp sức xây dựng Tập đoàn phát triển bền vững