CSVN – Hội thi “Tiếng hát công nhân cao su 2015” đã đi được nửa chặng đường. Những tấm huy chương đã được trao đến những chương trình, tiết mục xuất sắc… “Những ngôi sao mới” cũng lần lượt được phát hiện. Và cũng không dễ để có được giọng hát hay, điệu múa đẹp cho khán giả thưởng thức.
Có cả mồ hôi và nước mắt
Để có được những chương trình, tiết mục hay các “nghệ sĩ” không chuyên đã phải cố gắng rất nhiều để có thể hát được, múa được trên sân khấu. Có ai đó đã nói “sân khấu là thiên đường”. Nhưng không phải ai cũng có thể điềm tĩnh bước lên sân khấu thể hiện tài năng của mình trước hàng trăm khán giả, khi hằng ngày họ chỉ quen với vườn cây, nhà máy.
Chính vì thế mà các đội đã phải nhờ sự trợ giúp, hướng dẫn của các nghệ sĩ chuyên nghiệp trong các đoàn nghệ thuật, để xây dựng chương trình và đầu tư thời gian công sức cho việc tập hát, tập múa và chọn trang phục phục sao cho phù hợp. Cuộc chơi này “cũng lắm công phu”. Có những người vừa tập vừa phải chăm con nhỏ, không chỉ mướt mồ hôi mà còn rơi nước mắt do những cú ngã đến trật khớp chân.
Sau những ngày mệt nhoài cùng diễn viên không chuyên của đoàn Công ty TNHH MTV Cao su Nam Giang Quảng Nam, NSƯT Đinh Xuân Đề, thuộc đoàn nghệ thuật Quân khu 5 cho chúng tôi biết: “Để chọn được một giọng hát phù hợp đã khó, việc hát đúng nhạc thì có thể tập nhiều nhưng việc phát âm chuẩn lại càng khó hơn…Các bạn là người con của xứ Quảng, với giọng nói bản địa đặc trưng, hát hò quảng thì tốt nhưng khi hát tân nhạc hay sai, không tròn vành, rõ chữ, tôi phải chỉnh nhiều…”.
Chính cái sự “không chuyên” ấy khi bước lên sàn múa, với những động tác còn thiếu cái mượt mà uyển chuyển, nhưng chắc chắn nó sẽ khiến nhiều người còn nhớ mãi. Những chàng trai, cô gái hàng ngày vốn lấm lem với mủ cao su trong những giờ cạo, ca trực, bên máy chế biến mủ, nay bỗng trở thành những “diễn viên” múa, hát hết mình trên sân khấu quả là một ấn tượng không phai.
Không chệch đường ray
Không ít người cho rằng, những đội thắng là những đơn vị làm ăn thuận lợi nên “mạnh gạo bạo tiền” chi cho đội văn nghệ. Nhưng người trong cuộc lại không nghĩ thế. Ít ai biết con số chi phí tài chính chỉ là phương tiện, còn giá trị đích thực chính là những nỗ lực sau bao tháng tập luyện. Tất cả để cuộc đua về đích không chệch đường ray…
Có những màn múa mà các diễn viên phải tập đến hơn 30 buổi. Nhiều người từng bật khóc vì sợ không đủ năng lực diễn tròn vai. Có người đang “chạy chương trình” thì bị trật khớp chân phải xịt thuốc giảm đau, bị sốt phải nhờ bác sĩ chích thuốc hạ sốt để kịp giờ diễn ngay sau đó. Có những anh, chị vừa từ sân khấu bước xuống là vội vã về chăm con nhỏ đang ốm nằm nhà. Để rồi ôm con nhảy tưng vui sướng khi nghe đồng đội điện thoại báo tin “giật” giải vàng đồng ca…
Có những đội lặn lội từ xứ Thanh ra Sa Pa, từ Quảng Nam lên Kon Tum hay những đơn vị ở tận Lào, Campuchia cùng tề tựu về sum họp, cất cao khúc hát tự hào trong ngày vui chung của người lao động. Nếu để ý sẽ thấy phần nhiều các đơn vị tự biên, tự diễn mà ở đó các “ông bầu, bà bầu” chính là các gương mặt thân thuộc trong VRG. Có cả những diễn viên là người nước ngoài tham gia (Lào, Campuchia), người đồng bào dân tộc thiểu số. Dù là bất kỳ hình thức đầu tư nào thì những nỗ lực ấy đều làm cho không khí hội thi “nóng rực” qua những suất diễn.
Chính vì thế cuộc tranh tài đã không rơi vào nhàm chán. Qua đó mới thấy Ban Tổ chức đã rất đúng khi hướng “bánh lái” của cuộc thi về phục vụ số đông người lao động trong doanh nghiệp. Phong trào văn hóa văn nghệ đã và đang thật sự là sân chơi của đội ngũ CB CNVC-LĐ VRG.
Bài, ảnh: Vũ Phong
Related posts:
- Tết "ấm" của công nhân cao su
- Đôi nét về CÔTE D’IVOIRE
- Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử - Sinh thái (1897 - 1975)
- Phát huy truyền thống - kiến tạo tương lai
- Tôi yêu cây cao su
- Phụ nữ quân đội đoàn kết, sáng tạo
- Làng cười
- Cao su Chư Sê tổ chức thi “Hội khỏe măng non”
- Gìn giữ điệu xòe Thái Sơn La
- Ảnh dự thi "Ánh sáng từ dòng vàng trắng" lần thứ V năm 2019