CSVN – Tại Hội thi “Tiếng hát công nhân cao su 2015” khu vực I vừa qua, ca khúc “Niềm vui cao su về bản” do chính Văn Thế sáng tác và biểu diễn, đã vinh dự mang về cho Công ty CPCS Điện Biên giải tự biên hay nhất và giải Bạc đơn ca.
>> Công ty CP TM DV & Du lịch cao su đạt giải nhất chương trình
Tốt nghiệp sư phạm, về làm cao su với niềm say mê âm nhạc, Văn Thế đã có những ca khúc tự biên về ngành cao su tham gia các hội diễn văn nghệ CNVC ngành và đạt được nhiều giải thưởng. Các hội diễn năm 2011 và 2013 anh đều sáng tác để tham gia. Riêng năm 2011 anh đạt giải tự biên và giải nhì đơn ca với cùng một ca khúc.
Văn Thế, tên đầy đủ là Nguyễn Văn Thế, hiện là Nhân viên Phòng Tổ chức – Lao động – Tiền lương kiêm Bí thư Đoàn TN Công ty CPCS Điện Biên. Anh vào làm cao su từ tháng 7 năm 2010 cho đến nay.
Kể về hoàn cảnh ra đời ca khúc “Niềm vui cao su về bản”, anh cho biết, vùng đất Tây Bắc là vùng đất mới với nhiều khó khăn đối với ngành cao su, việc mang cây cao su về các bản làng đồng bào nơi đây là tương đối gian nan. Tập quán sinh sống của người Thái người Mường vốn quen với làm nương làm rẫy nên cây cao su với họ là hoàn toàn xa lạ. Cán bộ được điều về làm tại vùng đất này phải biết cách vận động tuyên truyền, thuyết phục, khó khăn lắm họ mới theo mình để trồng cây cao su…
“Năm 2012, khi tôi được công ty điều về làm đội trưởng đội sản xuất, trong một lần đi họp dân bản để tuyên truyền về việc phát triển cây cao su tại địa bàn, khi nghe đồng chí Trưởng bản phát biểu khai mạc cuộc họp bằng ngôn ngữ của đồng báo Thái, mặc dù ông nói rất to nhưng mình không hiểu gì cả, chỉ thấy bà con vỗ tay “rần rần”. Sau đó ông dịch lại bằng tiếng Kinh, tôi mới ngỡ ngàng thì ra ông đang nói về lợi ích khi cây cao su về bản là thế nào…”, anh kể.
Khi đó, lời nói của ông như một lời kêu gọi tập hợp sức mạnh đoàn kết của già làng, trưởng bản trên địa bàn cùng chung tay, góp sức trồng, chăm sóc phát triển cây cao su, tạo công ăn việc làm cho bà con đồng bào các dân tộc nơi đây. Từ đó ý tưởng, cảm xúc của Văn Thế cứ ùa về, với những ca từ ban đầu như: “Rừng núi ơi!… Bản mường ta ơi! Đồng bào ta ngàn đời sống trên đất này, đời sống vẫn đói nghèo cơ cực…”. Và sau một tháng trăn trở với những nốt nhạc, ca từ, ca khúc Niềm vui cao su về bản đã ra đời.
Với nét mộc mạc trong ca từ, âm nhạc ca khúc mang màu sắc, âm hưởng của núi rừng Tây Bắc, nơi có những làn điệu dân ca Mường, điệu xòe Thái đặc trưng, bài hát của Văn Thế đã đi đến với khán giả, BGK hội thi một cách rất tự nhiên và hào sảng như chính người biểu diễn.
Năm 2015 là một năm với rất nhiều những khó khăn của toàn ngành, việc tổ chức một hội diễn quy mô là điều không thể. Thế nhưng Hội thi Tiếng hát công nhân cao su với quy mô nhỏ hơn, đã và đang diễn ra hết sức hào hứng với sự nỗ lực của Ban tổ chức, “cháy” hết mình của các đoàn tham gia dự thi. Hội thi các khu vực hứa hẹn sẽ mang lại nhiều hơn nữa những tiết mục, chương trình mang tính nghệ thuật cao, những ca khúc tự biên ca ngợi vẻ đẹp của ngành, về truyền thống, bề dày lịch sử đầy tự hào của ngành cao su.
Hy vọng còn có nhiều hơn nữa những Văn Thế, với niềm yêu thích nghệ thuật, dù không chuyên, nhưng với thực tế sản xuất diễn ra hằng ngày của ngành cao su trên mọi miền đất nước, sẽ là niềm cảm hứng vô tận cho họ để có những ca khúc hay, đóng góp cho kho tàng nghệ thuật ngành cao su.
Bài, ảnh: Phong Vũ
Related posts:
- Tính năng động của các đồn điền cao su Việt Nam
- Gần 200 diễn viên tranh tài Hội diễn Khu vực III
- Xí nghiệp Chế biến đạt giải nhất Hội thao Cao su Đồng Nai
- Rộn ràng chờ ngày hội lớn
- Những bài thơ Bác Hồ viết năm Canh Dần - 1950
- “Khúc ru tình” của người làm báo
- Tết ở Làng Công nhân Tân Hưng
- Tết "ấm" của công nhân cao su
- Điện gió ở Gia Lai: Sức hút cho du lịch phố Núi
- Sức lan tỏa và hiệu ứng Cuộc thi “Cao su Đất và Người”