CSVN – Phạm Bảo Châu, một công nhân xuất sắc của NT Cầu Khởi, Công ty CPCS Tây Ninh có một nhận định khá đúng – Người công nhân cao su mình tuy thường làm việc ở những vùng sâu vùng xa chịu nhiều thiệt thòi, nhưng có một lợi thế là dễ tìm kiếm thêm đất đai để làm kinh tế phụ. Nếu chịu khó đầu tư làm ăn thì cũng có thể cải thiện cuộc sống, giúp giữ được sự ổn định trong những lúc khó khăn.
Phạm Bảo Châu sinh năm 1985, vào làm công nhân cao su ở Tổ 3, Đội K3 NT Cầu Khởi, Công ty CPCS Tây Ninh từ năm 2004. Đến năm 2006 cô lập gia đình với anh Nguyễn Thanh Liêm SN 1978, một công nhân cùng tổ. Ở nông trường, ai cũng công nhận cả hai là thợ giỏi, khi mỗi năm mỗi người khai thác vượt khoảng 1 tấn mủ trên cơ sở đảm bảo các quy trình kỹ thuật.
Không chỉ là một thợ giỏi mà Bảo Châu còn xuất sắc trên nhiều phương diện. Cô là Chiến sĩ thi đua nhiều năm của Công ty CPCS Tây Ninh, từng được tuyển chọn vào đội thợ giỏi của công ty đi dự Hội Thi thợ cạo mủ giỏi cấp Ngành năm 2012 và 2014. Nhưng điều mà nhiều người nể phục nhất ở Phạm Bảo Châu là cô gái mảnh mai ấy vẫn giữ được sự điềm tĩnh trước tình hình khó khăn chung vì giá mủ tụt giảm hiện nay, vì từ lâu, cô đã chú trọng làm thêm kinh tế gia đình. Thời năm 2006, khi mới lấy nhau anh Liêm có mang về trang trí trong nhà một vài giò phong lan. Thấy đẹp, nhiều bà con hàng xóm có dịp tới chơi đều khen và ao ước phải chi nhà mình cũng có được những cành hoa như thế này mà trang trí.
Hãy nghĩ tới kinh tế gia đình như một cứu cánh, chứ đừng nghĩ đến chuyện rời Ngành để tìm chỗ làm khác có đồng lương cao hơn. Đó chỉ là những ảo vọng rất khó trở thành hiện thực.
Phạm Bảo Châu chia sẻ.
Họ còn nói ở ngoài chợ hoa phong lan bán chạy lắm, nhưng giá khá cao nên không mua được… Những điều này đã kích thích hai vợ chồng. Sẵn nhà có miếng đất vườn khoảng 1000 m², sau giờ lao động ở nông trường, hai người hăng hái ra dọn cỏ, làm đất quy hoạch vườn. Cả hai mua sách học về cách trồng và chăm sóc hoa phong lan, rồi lên mạng tìm hiểu thêm. Châu kể: “Tụi em còn xuống cả mấy vườn ở Trảng Bàng và Củ Chi để học hỏi kinh nghiệm trồng hoa lan. Nhưng khổ nỗi đa số đều giấu nghề… Tụi em hỏi mười người thì chỉ có một người chỉ, nhưng như vậy là cũng đủ”.
Qua tham vấn từ nhiều nguồn, cuối cùng, hai vợ chồng chọn giống lan Moncara (là một giống lan nhập từ Thái), mua được vài chục cây về trồng trong bước đầu, rồi từ từ nhân giống ra. Đến nay sau 8 năm gắn bó, họ đã có được 4.000 gốc lan Moncara được chăm sóc đúng kỹ thuật nên luôn cho hoa đủ sắc màu. Bảo Châu cười: “Nói thì gọn vậy, chứ thực ra thì cũng “bầm dập” lắm! Khi cây bị bệnh cũng lại phải chạy hỏi tứ tung để học cách chữa trị”. Nhiều năm nay, họ đã đưa vào thu hoạch, cắt cành bán cho một số shop hoa tại huyện Hòa Thành, Tây Ninh. Hiện mỗi tuần vợ chồng đi một chuyến với trên 100 cành hoa, bán với giá 7.000 – 8.000 đồng/cành. Nhờ vậy mà họ có thêm thu nhập mỗi tháng khoảng trên 4 triệu đồng. Vào những dịp Tết đến xuân về thì lượng hoa bán được nhiều hơn, có thể gấp đôi hoặc gấp rưỡi.
Đến nay thì tay nghề trồng hoa lan của hai vợ chồng đã trở nên thuần thục, cũng có thể gọi vui là thợ giỏi trồng lan như thợ giỏi cạo mủ cao su mà hai người từng được công nhận. Họ dự tính sẽ phát triển thêm cây hoa lan Moncara trên mảnh vườn nhà. Với chi phí phân bón và thuốc thang cho cây lan chỉ khoảng vài trăm ngàn đồng mỗi tháng thì cũng còn lãi nhiều. Hiện vườn lan được tưới mỗi ngày hai lần bằng một hệ thống phun nước, và mỗi tuần thì phun thuốc dưỡng hai lần bằng bình xịt.
Bài, ảnh: Nhựa Trắng
Related posts:
- Thạch Thông - công nhân dân tộc thiểu số tiêu biểu
- "Một ngày còn làm công nhân vẫn hết lòng với nghề"
- Nhiệt huyết của người thầy trên cao su miền núi phía Bắc
- Người Bí thư chi bộ 4.0
- Cán bộ trẻ đồng bào dân tộc: Khi năng lực được khẳng định
- Truyền thống - Mạch ngầm chảy mãi
- Nam công nhân tay nghề giỏi
- Chị Ngô Thị Hồng – Công nhân khai thác Nông trường An Lộc, TCT Cao su Đồng Nai: Tấm gương điển hình ...
- Nữ tổ trưởng tận tâm với công nhân
- Tự hào với truyền thống 4 thế hệ công nhân cao su