CSVN – Đó là giải pháp: “Cải tạo tầng đất canh tác trên đất rừng khộp bằng biện pháp đào hố phụ cho cây cao su kiến thiết cơ bản” tại Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh. Giải pháp đã đoạt giải Nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Gia Lai lần thứ VII (2014-2015).
>>Tăng hiệu quả sử dụng đất tại vùng Ia Lâu, Ia Mơr
>> Chống úng cho cao su tại vùng Ia Mơr
Sáng kiến đào hố phụ
Trong số 14.000 ha cao su của Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh thì có gần 2.173 ha trồng trên đất rừng khộp, thuộc diện tích rừng nghèo chuyển sang trồng cây cao su. Thực tế cây cao su trồng trên đất rừng khộp từ năm 2010-2012 của công ty trong thời gian kiến thiết cơ bản đã xảy ra hiện tượng qua mùa nắng năm 2011 bị khô ngọn và chết rải rác khoảng 5.500 cây. Nhiều diện tích cao su trên rừng khộp khác đã bị đổ ngã hàng loạt khi gặp lốc xoáy trong mùa mưa.
Qua thời gian nghiên cứu, TS. Lê Đức Tánh – TGĐ công ty và cán bộ kỹ thuật đã mày mò nghiên cứu và phát hiện đất rừng khộp có giới hạn về tầng dày đất canh tác do có lớp Laterite mỏng cách mặt đất khoảng 60-90cm. Trong khi đó khi trồng mới theo quy trình kỹ thuật hố đào có độ sâu tối đa 70cm, không vượt qua được tầng đất Laterite nên rễ cây cao su không đâm xuyên qua được để hút nước và muối khoáng nên cây sẽ bị chết vào mùa khô. Ngoài ra rễ cây không đâm xuyên qua lớp Laterite sẽ bị đổ ngã trong mùa mưa.
Từ cái khó ló cái khôn, công ty đã có sáng kiến là phải đào hố phụ cho cây cao su thiết kế cơ bản. Hố phụ hai bên cây cao su, phải sâu và rộng hơn để phá vỡ hoàn toàn lớp Laterite để rễ cây phát triển ăn sâu xuống tầng đất phía dưới, chuyển được nước, muối khoáng và chất dinh dưỡng nuôi cây. Hai hố hai bên rễ cây phát triển cân đối thì cây cũng sinh trưởng cân đối không bị đổ ngã.
Rút ngắn 1 năm KTCB
Công ty đã triển khai trên 44,66 ha tại Nông trường Cao su Thanh niên Ia Mơr trên diện tích trồng mới năm 2010. Có 5 hàng với 512 cây đối chứng và 117 hàng với 7.804 cây thực nghiệm.
Quy trình đào hố phụ bao gồm: Tiến hành đào phá vỡ đất chặt bì, đào sâu quá tầng Laterite treo và tầng đất cát trắng ở vị trí giữa hai hàng cây, cách cây cao su phía ngoài theo hình chiếu tán lá. Vị trí đào hố có thể nằm trên rãnh đường cày vun luống hàng cao su. Nếu vườn nào tán nằm ra ngoài rãnh thì phải đào dịch về phía bên trong của rãnh, tiếp giáp với vị trí mép ngoài của luống cày lên líp.
Khi đào tránh không được đào về phía bên ngoài luống cày làm rễ cây không vươn qua được để đi xuống hố phụ; dùng máy múc 03, mục hố với chiều dài: 1,2m, rộng: 50-60cm, sâu: 1-1,2m tùy vào độ dày tầng Laterite của tầng hố; sau khi đào xong, dùng lớp đất mặt để lấp hố, tiếp theo bón 5kg phân vi sinh/hố và cắt cỏ ép xanh đầy hố; thời gian đào vào tháng 9 năm 2013. Tiến hành bón phân và ép xanh trong 2 năm.
Kết quả: Khu vực đào hố phụ bộ rễ của cây phát triển tốt phân bố đều ở độ sâu 50-60-cm và có xu hướng ăn sâu hơn. Trong khi đó khu vực không đào hố phụ bộ rễ chỉ phân bố ở độ sâu 40cm, gặp lớp Laterite thì ăn ngang thành chùm. Nhìn tổng quan cây có đào hố phụ có tán lá xòe rộng, lá dày và xanh hơn so với khu vực không đào hố.
Tiến hành đo vanh thân cây cho thấy: sau 20 tháng đào hố phụ vanh cây bình quân tăng 36% so với ban đầu. vùng không đào hố phụ chỉ tăng 30,6%. Đạt kết quả khả quan, công ty xác định vườn cây có đào hố phụ sẽ rút ngắn 1 năm kiến thiết cơ bản, sớm đưa vào khai thác. Mỗi năm kiến thiết cơ bản mất 6 triệu đồng/ha bù được công đào hố và bón phân mà cây lại không bị chết và đổ ngã.
Đây là giải pháp cứu cánh cho cây cao su đã trồng trên đất rừng khộp. Hiện công ty đang tiếp tục đào hố phụ cho trên 2.128 ha cao su trên đất rừng không khộp .
Hương Trà
Related posts:
- Quy trình chế biến mủ tờ ở Cao su Lộc Ninh
- Thử nghiệm bê tông nhựa đường cao su
- Giảm 50% lượng phân bón đợt II
- Hiệu quả từ phong trào “Giúp nhau trở thành thợ giỏi”
- Tập huấn đầu bờ về bệnh Botryodiplodia
- Giảm chi phí, tăng năng suất trong sản xuất bóng thể thao
- Vì an toàn vườn cây trong mùa chống cháy
- Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chế biến mủ cao su
- Mô hình hay trong phòng, chống dịch Covid - 19
- Kinh nghiệm phòng trị bệnh phấn trắng (kỳ 3)