Nỗi niềm ca sĩ nhà hàng

CSVN – Có những người vào nghề ngót cả chục năm nhưng khi nhắc tên chẳng mấy người biết đó là ai, hát hoài chẳng lên được, chỉ loanh quanh ở vài phòng trà làm ca sĩ hát lót. Nếu thử thống kê, ca sĩ hạng này ắt có con số không ít, ai cũng nuôi ước mơ một ngày tiến thân, thành ngôi sao, nhưng hầu như trăm người thì họa may được dăm ba người.
Ca sĩ quán bar
Ảnh có tính chất minh họa
Để có thể “trụ” được với nghề!

Trước đây, vài ca sĩ nay trở thành “vê-đét” như Q.D, M.T và nhiều ca sĩ khác, từng khởi nghiệp bằng việc hằng đêm đi hát ở quán bar, phòng trà. Do vậy, không ít ca sĩ trẻ nuôi mộng đi lên từ những sàn diễn nhỏ bé này, nhưng cơ may không dễ mỉm cười với họ. Ca sĩ trẻ Y (thường có mặt ở quán bar trên đường Trần Hưng Đạo, TP.HCM, nơi tập trung khá nhiều ca sĩ trẻ triển vọng) tâm sự: “Nhiều lúc chúng tôi rất tủi thân, vì khách quán bar ít khi để ý đến sự hiện diện của ca sĩ, tiếng hát bị át bởi tiếng nói chuyện ồn ào của khách. Nhưng chính điều đó càng khiến tôi phấn đấu để đi lên”.

Năm nay chỉ mới 21 tuổi nhưng cái tên Y. xuất hiện trên các sân khấu quán bar, phòng trà ở TP.HCM hơn 3 năm nay. Cô vốn dĩ xuất thân từ một gia đình theo nghề công nhân cao su ở Bình Dương, tự tìm lên TP.HCM lập nghiệp, hằng đêm Y. đi hát kiếm tiền trang trải cuộc sống và ấp ủ ước mơ trở thành “ngôi sao” ca nhạc.

Do quen biết, Y. dễ dàng được mời vào biểu diễn ở một số phòng trà, quán bar lớn. Nhưng với cô, đây chỉ là công việc tạm thời. “Điều tôi mong muốn là trở thành ca sĩ độc quyền cho một công ty nào đó”. Tuy nhiên, không phải ai cũng sớm gặp may mắn như Y.. Rất nhiều ca sĩ trẻ khác đang hát ở quán bar, phòng trà như M.K, V.T, U.T… cũng đang nuôi hy vọng trở thành ngôi sao. Những ca sĩ trẻ này hằng đêm đang chắt mót khoản tiền thù lao ít ỏi ở các phòng trà, quán bar để thực hiện một CD hay VCD riêng với kỳ vọng nhờ album đầu tiên này, mình có cơ hội trở thành “sao”.

Nhiều ca sĩ chẳng bao giờ tìm thấy cơ hội thực hiện ước mơ trở thành ngôi sao ca nhạc. Và họ đã chấp nhận “chôn chân” trong các quán bar, phòng trà. Trường hợp của L.V thường biểu diễn ở phòng trà M&Tôi (quận 1, TP.HCM) là ví dụ. Cô đã mất bản hợp đồng độc quyền với một trung tâm sản xuất băng đĩa nhạc với lý do đơn giản “một ca sĩ đã có gia đình rất khó để đánh bóng tên tuổi” dù giọng ca của cô đang được nhiều khách hàng yêu mến.

L.V tâm sự: “Nếu không được đi hát thì tôi chẳng biết mình sẽ sống như thế nào nữa”. Không giống như trường hợp của L.V, những ca sĩ khác như T.P, P.Đ, T.T, N.X… rất được khán giả ở các quán bar, phòng trà mến mộ cũng khó có cơ hội tỏa sáng trên sân khấu ca nhạc vì dòng nhạc mà họ theo đuổi và yêu thích là những ca khúc nhạc ngoại. Vì vậy, họ chỉ còn cách chọn phòng trà, quán bar làm chốn dừng chân và kiếm sống!

Tiền “boa” và… nước mắt

“Nếu không có niềm đam mê với nghề thì khó vượt qua được những mặc cảm, tự ti. Đi hát ở nhà hàng, quán ăn mới thấy lắm nỗi đắng cay, ngậm ngùi ở nơi mà tiếng hát lẫn trong hơi men, khói thuốc lá”, BTr. – ca sĩ ở nhà hàng T.S, đường Điện Biên Phủ, tâm sự.

Nỗi buồn lớn nhất chính là tiếng hát của cô không có người thưởng thức mà chỉ để khách nhậu “mua vui”. Cô nói nhiều khi nhận một nhánh hoa hồng kèm tiền “boa” mà phải nuốt nước mắt. Mượn cớ tặng hoa, khách “vô tư” sàm sỡ. Nếu mình phản ứng thì họ nổi giận, mắng nhiếc, lại còn có khi bị chủ cho thôi việc. Không ít lần, BTr. bị khách níu kéo, ép uống bia, rượu cô đành giả lả cho qua chuyện.

“Mình đang hát bài này, khách lại yêu cầu chuyển bài khác, thậm chí không thích nghe thì bước lên sân khấu giựt micrô, đuổi xuống…”, B Tr. thở dài.

Ca sĩ A.X, giọng hát dân ca nổi tiếng một thời, từng thổ lộ những ngày đầu đi hát ở các nhà hàng, chị cảm thấy rất bức xúc trước cảnh khách say xỉn, miệng ngồm ngoàm thức ăn bước lên sàn diễn cợt nhả. Thậm chí, H.A kể lại, hồi mới bước chân đi hát ở nhà hàng, có lần cô đã thẳng tay tát vào mặt một vị khách khả ố và bỏ về, rồi thề sẽ không theo nghề hát nữa. Nhưng rồi tiền thuê phòng trọ, tiền gửi về gia đình… cộng với niềm đam mê âm nhạc khiến cho H.A buộc phải quay lại hát tiếp!

Nguyễn Sinh