CSVN Xuân – Ngay từ cuối năm 2013, VRG đã xây dựng một số phương án về giá thành và giá bán sản phẩm cao su cho năm 2014. Trong đó, phương án 40 – 45 (giá thành 40 triệu đồng/tấn, giá bán 45 triệu đồng/tấn) được đưa ra đầu tiên. Khi xây dựng các phương án SXKD, VRG xác định tiền lương CNLĐ phải giữ ổn định, nếu có giảm thì cũng là giải pháp được xem xét cuối cùng.
Thu nhập bình quân năm 2014 đạt 5 triệu đồng/người/tháng
Tuy nhiên, do thị trường tiêu thụ cao su diễn biến bất lợi theo hướng giá bán cao su giảm sâu, VRG đã linh động điều chỉnh sang các phương án: 40 – 42, 39 – 41 và phương án cuối cùng về giá thành, giá bán sản phẩm cao su năm 2014 là 36-37. Trong các phương án này, để giảm giá thành, các doanh nghiệp đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm tiết giảm chi phí sản xuất, chi phí quản lý nhưng gần như không thay đổi về tiền lương của người lao động.
Do giá bán mủ giảm, ảnh hưởng đến hiệu quả SXKD nên VRG đề ra mục tiêu thu nhập của CBCNV-LĐ năm 2014 bằng 85% năm 2013 (6 triệu đồng/người/tháng). Kết quả thực hiện cho thấy, thu nhập bình quân của trên 130.000 CBCNV-LĐ toàn VRG năm 2014 đạt 5 triệu đồng/người/tháng.
VRG và CĐ Cao su VN đã chỉ đạo các đơn vị phải thực hiện chính sách cho người lao động một cách kịp thời, đầy đủ. Việc quan tâm, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người lao động được các đơn vị chú trọng. Đơn cử như việc tổ chức bữa ăn trưa, theo luật thì không bắt buộc phải có, nhưng các công ty cao su đều đã thực hiện lâu nay. Năm 2014 dù gặp nhiều khó khăn nhưng các đơn vị vẫn cố gắng duy trì chế độ này.
Mức thưởng bình quân từ 1-1,5 tháng lương/người
Theo số liệu chưa đầy đủ, tiền thưởng cho CBCNV-LĐ toàn VRG Tết Ất Mùi 2015 giảm so với năm 2014, nhưng mức thưởng bình quân toàn VRG cũng đạt từ 1-1,5 tháng lương/người. VRG cùng CĐ Cao su VN đã thành lập Ban chỉ đạo chăm lo cho CBCNV-LĐ trong dịp Tết Ất Mùi. Chủ trương nhất quán là đảm bảo CNLĐ nào cũng được đón Tết vui tươi, đầm ấm, tiết kiệm. Những đơn vị khó khăn, VRG sẽ có hỗ trợ riêng.
Phát huy ý nghĩa của chương trình Xuân ấm áp các năm trước, dịp Tết Ất Mùi năm nay, CĐ Cao su VN tiếp tục tổ chức chương trình này nhằm hỗ trợ cho những CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Kinh phí cho chương trình Xuân ấm áp Tết Ất Mùi 2015 khoảng 1,5 tỷ đồng, trong đó CĐ Cao su VN và VRG mỗi bên lo một nửa.
Theo Chủ tịch HĐTV VRG Võ Sỹ Lực, năm 2015, Ban lãnh đạo VRG đã xây dựng các phương án ứng phó với những khó khăn, khi các dự báo cho thấy thị trường tiêu thụ cao su vẫn trầm lắng, giá bán cao su chưa thể khởi sắc. Trong đó, VRG dự kiến giá thành sản phẩm cao su là 30 triệu đồng/tấn, giá bán là 31 triệu đồng/tấn. Để đảm bảo sản xuất kinh doanh cao su vẫn có lãi, các công ty phải tăng cường rà soát các khoản chi phí có thể tiết kiệm. Với kịch bản như thế, thu nhập, đời sống người lao động chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng VRG và CĐ Cao su VN cũng như các đơn vị sẽ tính toán, hỗ trợ để đảm bảo đời sống, việc làm và thu nhập, để người lao động yên tâm gắn bó, chia sẻ, chung vai cùng doanh nghiệp vượt khó.
T.P
Related posts:
- Cao su Tân Biên: Nhiều hoạt động thiết thực trong Tháng Công nhân
- Công đoàn Cao su Krông Buk, Gỗ Thuận An tặng quà người lao động khó khăn
- Tháng công nhân: Tháng của người lao động ngành cao su
- Cao su Bình Long trao 122 phần quà cho công nhân
- Hoạt động của Công đoàn toàn diện, rộng khắp, hướng về người lao động
- Đại hội Công đoàn các cấp Công đoàn cao su Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028 thành công tốt đẹp
- Tặng quà, động viên tổ sản xuất khối công nghiệp
- Đặt lợi ích người lao động lên hàng đầu
- Công đoàn Cao su Việt Nam trao nhà “Mái ấm Công đoàn” cho công nhân Cao su Đồng Nai
- Đề xuất 2 phương án tính lương đóng bảo hiểm xã hội