CSVN Xuân – Trải qua hàng trăm năm gắn bó với đời sống, thú chơi tranh Tết thực sự đã trở thành một phần hồn Việt trong lành, nhân hậu; đồng thời cũng là nơi lưu giữ những giá trị tinh thần và tâm linh sâu sắc.
Tranh dân gian treo Tết rất đa dạng về đề tài, mẫu mã, đa dạng về thể loại như tranh tín ngưỡng, tranh chúc tụng, tranh lịch sử, tranh châm biếm, tranh phong cảnh… nhưng có một điểm chung là đều mang ý nghĩa chúc tụng, mang thông điệp gửi lời cầu chúc cho gia chủ một năm phát tài phát lộc, vạn sự như ý.
Phần lớn các gia đình nông thôn thường treo các bức tranh dân gian thuộc nhiều đề tài để bày tỏ đồng thời nhiều ước vọng. Ở gian thờ cúng tổ tiên giữa nhà, các gia đình treo tranh mâm ngũ quả, cuốn thư để trên cao, câu đối để hai bên, tạo sự tôn nghiêm trong gia đình.Tranh Tết mang đề tài tín ngưỡng như tranh ông Công, ông Táo, tranh Tam tòa Thánh Mẫu, hay Tứ phủ, tranh vẽ về các ông Hoàng…cũng được mọi người mua treo trong nhà, trong các đền phủ.
Ngoài cổng, dán hai bức tranh, một bên là ông Tiến tài, bên kia là ông Tiến lộc, với mong muốn đón nhiều tài lành, phúc ấm cho gia chủ.Có nhà còn dán cặp tranh thần hộ mệnh là những ông tướng nhà trời để xua đuổi ma quỷ, bảo vệ cho gia đình một năm mới an khang, thịnh vượng.
Trong nhà, treo dán nhiều tranh như: Mẹ con đàn gà và Mẹ con đàn lợn, với ước vọng gia đình đông vui, hòa thuận, khát vọng sung túc cả năm. Có những bức tranh được đặc biệt yêu thích như Phú quý (đứa bé tóc trái đào giữ con vật), Vinh hoa (cậu bé ôm con gà trống), Thất đồng (7 cậu bé hồn nhiên hái quả), Tứ tôn vạn đại (4 cậu bé nô đùa với những dây bầu trĩu quả)…
Đối với người thị thành, việc treo tranh, chơi tranh không đơn giản là chơi cho có không khí Tết, mà bức tranh còn đồng thời là vật trang trí để kiến tạo nên được một không gian sang trọng, quí phái, và chứng tỏ được cái lễ giáo gia phong của gia đình. Những tranh thường được lựa chọn là tranh Tố nữ thể hiện vẻ đẹp dịu dàng, mới mẻ và rất thân thuộc giữa con người và thiên nhiên. Tranh Tứ quý thể hiện ước vọng 4 mùa Xuân – Hạ – Thu – Đông luôn tràn ngập âm thanh vui tươi….
Ngày nay, tìm mua được một bức tranh Hàng Trống để chơi Tết cũng không phải là dễ. Cả dòng tranh này chỉ còn một nghệ nhân duy nhất làm nghề. Đồng thời, thú chơi tranh nói chung và tranh Tết nói riêng, của người Việt ngày nay cũng không còn thuần nhất như thuở xa xưa. Các tranh in sẵn của Trung Quốc tràn ngập thị trường, khiến các thể loại tranh dân gian có phần bị lép vế.
Rồi thì cả hơn chục năm trở lại đây, thú chơi câu đối Tết có tự nghìn xưa dần được khôi phục. Những khi Xuân về Tết đến, ở khắp các tụ điểm vui chơi văn hóa, hình ảnh “cụ đồ” trong trang phục áo the, khăn xếp bên mực Tàu, giấy đỏ đã trở nên quen thuộc với những người trẻ tuổi. Những đôi câu đối, các chữ Hiếu, chữ Đức, chữ Phúc, chữ Trí…được mọi người yêu thích mua về treo Tết.
Trải bao năm tháng, dẫu hình thức của phong tục Tết đã có nhiều thay đổi, nhưng tinh hoa của phong tục, và thú chơi tao nhã vẫn còn.
Hà Phương
Related posts:
- Giám đốc đồn điền và những người giúp việc
- Tiền đóng bảo hiểm tăng khi cải cách lương từ ngày 1/7
- Giàn mủ tạp
- Cao su tự nhiên và cao su tổng hợp
- Chào mừng đại hội
- Tổ chức Cuộc thi ảnh “Ánh sáng từ dòng vàng trắng” lần thứ V
- Về xứ Nghệ ngắm hoa hướng dương
- Tập đoàn NextTech trao tặng trường mầm non trị giá 500 triệu cho Binh đoàn 15
- Ở nhà ngày “cách ly”
- Thợ cạo và lương duyên