(tiếp theo kỳ trước)
Chủ trương mới về nhân công đồn điền
CSVN – Quỹ đạo của ngành công nghiệp cao su sau khi Việt Nam giành độc lập năm 1954 cho thấy cách mà các tổ chức địa phương như đồn điền có thể tái định hướng những người theo chủ nghĩa dân tộc và các dự án phát triển cộng đồng theo những hình mẫu cũ của thời thuộc địa.
Cao su đóng vai trò quan trọng
Cao su đóng vai trò quan trọng trong tầm nhìn của họ khi cả hai bị dẫn dắt bởi chủ nghĩa dân tộc trong việc tạo cơ hội cho người Việt trong ngành công nghiệp này. Nhưng khi phải đối mặt với sức ép tài chính dữ dội và sự khuấy đảo liên tục từ những người cộng sản, họ lại chọn cách khuyến khích sản xuất cao su quy mô lớn thay vì sản xuất nhỏ của các tiểu chủ người Việt, vì vậy các đồn điền do người Pháp sở hữu vẫn tiếp tục thống trị ngành sản xuất cao su cho đến thời điểm thống nhất đất nước vào năm 1975. Trong cuốn hồi ký của một công nhân cao su theo Công giáo và là đảng viên Đảng Cộng sản, ông Lê Sắc Nghi đã hé lộ thêm về chiến dịch Trương Tấn Bửu, xác nhận rằng chiến dịch này đã gây tổn hại nặng nề khi loại bỏ bộ máy lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong khu vực đồn điền cao su. Sinh năm 1924 ở Quảng Trị, ông Nghi cùng với cha và anh mình vào làm cho đồn điền ở An Lộc sau trận vỡ đê khiến quê nhà lâm vào khốn khó. Nhà thờ và một linh mục địa phương đã giúp đỡ cho chuyến đi của họ.
Sau đó, ông gia nhập Tiểu đoàn 310 và dùng vỏ bọc là công nhân cạo mủ của Công ty Cao su Đất Đỏ để thâm nhập vào vùng trồng cây cao su nhằm hỗ trợ cách mạng. Mặc dù nhiều người đứng đầu bị giam giữ, tra tấn, lưu đày và bị giết, kể cả chính vợ ông Nghi đã chết trong nhà tù Côn Đảo, nhưng nhờ may mắn và thông thuộc các vùng ở đồn điền nên ông trốn thoát được. Bất chấp những bất lợi này, những người cộng sản vẫn tiếp tục tham gia vào chu trình tuyên truyền cách mạng và bị đàn áp ở các đồn điền thậm chí trước khi Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam Việt Nam (MTDTGP) được thành lập năm 1960.
Sau khi MTDTGP ra đời, giới lãnh đạo chính trị và tướng lĩnh của VNCH tiếp tục vật lộn với vấn đề liệu có nên để các đồn điền tiếp tục hoạt động nữa hay không. Họ cho rằng các đồn điền là nguồn thu nhập quan trọng cho MTDTGP. Trong cuộc họp giữa các quan chức tỉnh Bình Dương và các giám đốc đồn điền vào tháng 8/1960, họ đề ra 4 bước để kiểm soát việc bán cao su trái phép. Bao gồm: quản lý đồn điền lưu giữ ghi chép về sản xuất, phiếu giao hàng; chỉ những người trong ngành cao su mới được lưu trữ cao su; việc mua bán cao su chỉ giới hạn cho chủ đồn điền, nhà tư bản và thương nhân; các nhà quản lý phải lưu lại hành trình của mình.
Suốt thập niên 1960, MTDTGP và VNCH tìm cách vượt ra khỏi giới hạn các đồn điền trong khi vẫn tận thu những mối lợi từ đó. MTDTGP thu thuế từ công nhân và tìm cách tái định hình các đồn điền theo nhu cầu của mình. Họ vẫn giữ các cây trưởng thành, nhưng tập trung vào việc phá hủy những cây cầu, ngăn chặn việc cắt cỏ và xây hàng rào. VNCH đáp trả lại bằng những kế hoạch liên kết các tỉnh trong vùng thông qua một mạng lưới bảo an và tăng cường an ninh dọc các tuyến đường cũng như trong các khu trại tái định cư nông nghiệp.
Nỗ lực kiểm soát bệnh sốt rét
Không có gì ngạc nhiên khi các đồn điền vẫn có liên quan đến các bệnh về môi trường như sốt rét cho cả hai bên. Mặc dù những kỹ thuật mới như sử dụng DDT và các loại thuốc tổng hợp đã phát hiện trong thập niên 1930 đã được áp dụng cả miền Nam lẫn miền Bắc nhưng đa số các bác sĩ vẫn cố kiểm soát bệnh sốt rét bằng cách áp dụng các chiến lược từ thời thực dân. Những ký ức của thời kỳ này đã tạo kinh nghiệm cũng như cách tiếp cận ở khắp Việt Nam khi những hiểu biết về bệnh sốt rét được thay đổi để phù hợp với những yêu cầu thời chiến và phù hợp với các động cơ chính trị hơn là những kỹ thuật đặc thù, đã phân tích những nỗ lực trong cuộc cách mạng ở miền Bắc và công cuộc chống lại người cộng sản ở miền Nam.
Bệnh sốt rét vẫn được ưu tiên nghiên cứu ở VNCH. Các tổ chức quốc tế cũng đã xây dựng dự án chống sốt rét trong nửa cuối thập niên 1950 và tiếp tục duy trì trong suốt thập niên 1960. Năm 1958, tổ chức Y tế thế giới bắt đầu chương trình xóa bỏ bệnh sốt rét ở VNCH và từ năm 1960 đến năm 1963, tổ chức này thực hiện phun DDT hai lần/năm. Những nỗ lực này làm giảm tỷ lệ sốt rét từ mức cao 7,2% năm 1958 xuống còn 1 – 2% vào năm 1966.
Các bác sĩ của VNCH viết về thành công của những phương pháp chống sốt rét thời thực dân, tuy nhiên cũng lưu ý về giá thành rất cao của những biện pháp như vậy. Năm 1970, Đặng Văn Đang và Nguyễn Đăng Quế sử dụng số liệu từ Viện Pasteur để nghiên cứu tỷ lệ mắc bệnh sốt rét từ 1930 – 1944. Hai tác giả này nói về thành công của một số đồn điền cao su khi đương đầu với dịch bệnh: “Chỉ có một số đồn điền mà nếu họ thành công thì đó là nhờ tổ chức ở quy mô lớn. Họ dọn dẹp những nơi tối tăm nhiều cây cối, lấp ao hồ và áp dụng những biện pháp y tế để ngăn chặn hoàn toàn sốt rét nhưng tốn rất nhiều công sức và tiền bạc”.
Các bác sĩ ở miền Bắc cũng đối mặt với một nhiệm vụ vĩ đại. Bị bỏ lại phía sau với cơ sở vật chất thời thuộc địa đã xuống cấp và di sản của sự đổ nát thời chiến vốn nhanh chóng thay đổi môi trường dịch bệnh của miền Bắc, VNDCCH rất cần cập nhật kiến thức về bệnh sốt rét. Chuyên gia về sốt rét của Liên Xô Lysenko nhấn mạnh tầm quan trọng của tình hình chính trị đối với các biện pháp y tế công cộng và vai trò của di cư trong việc biến đổi môi trường sinh thái của bệnh sốt rét. Với sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô, bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã nghiên cứu tình hình ở các tỉnh phía Bắc, trong đó có Thái Nguyên, như một phần trong cuộc khảo sát chuyên sâu về bệnh sốt rét được thực hiện từ năm 1955 đến 1957.
Ông Ngữ cùng các đồng nghiệp của mình đã sử dụng nghiên cứu từ cuộc khảo sát về bệnh sốt rét để thay đổi các kỹ thuật từng được dùng để chống lại căn bệnh này ở các đồn điền cao su trong suốt thời thuộc địa. Trên thực tế, việc kiểm soát bệnh sốt rét bao gồm dùng nhiều thuốc DDT và các loại thuốc tổng hợp nếu có sẵn, và cải thiện các điều kiện môi trường nếu không có các loại thuốc trên. Bất chấp những nỗ lực tối đa của cả VNDCCH và VNCH, việc kiểm soát bệnh sốt rét vẫn luôn là vấn đề, đặc biệt là ở miền Nam VN, nơi diễn ra phần lớn các trận đánh trong suốt thời kỳ chiến tranh. VNDCCH đưa các chuyên gia về sốt rét vào miền Nam như một phần nỗ lực chiến đấu. Ấn phẩm của Viện sốt rét ghi nhận rằng nhiều chiến sĩ đã trở thành liệt sĩ anh hùng cách mạng trong khi chiến đấu với dịch sốt rét ở miền Nam. Năm 1967, bác sĩ Đặng Văn Ngữ bị giết chết bởi một trái bom B52 ở gần Huế và một năm sau đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch đã qua đời trong lúc thực thi sứ mệnh làm giảm sự tàn phá của căn bệnh này.
HÀ KHUÊ
(trích từ Sách “Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử – Sinh thái (1897 – 1975)” của tác giả Michitake Aso, NXB tổng hợp TPHCM, tháng 6/2023)
(Kỳ sau: Thúc đẩy tiểu chủ người Việt)
Related posts:
- Rubico giải nhất Hội diễn Khu vực IV
- Đảo Lý Sơn níu chân du khách
- Du Xuân ấm áp, tiết kiệm
- Đi tìm "cái chữ" cho bà con
- Cuộc thi sáng tác "Tự hào 90 năm truyền thống ngành cao su"
- Nỗi lòng mùa nghỉ cạo
- Cách chống dịch Covid - 19 độc đáo của người Giẻ Triêng
- "Chữa bệnh" cho sách
- Bức tranh chân thực và sinh động về ngành cao su
- Vẫn hát lời tình yêu