Anh Đức Trung kính mến!
Em làm ở một công ty cao su, anh ấy làm ở một doanh nghiệp của tỉnh. Chúng em gặp nhau, yêu nhau, sau 3 năm tổ chức cưới, nay đã được 2 năm và chưa có em bé.
Khi yêu em rất mãn nguyện, vì tính anh nhỏ nhẹ, chững chạc và rất biết quan tâm, chăm sóc em. Về sống chung, em mới thấy anh đúng là kiểu con út, được nuông chiều và chăm sóc kỹ lưỡng.
Có nhiều điều ở anh khiến em rất khó chịu. Thí dụ, anh thức quá khuya để lướt mạng, chơi game. Ngày nào em cũng phải canh giờ để kêu anh dậy ăn sáng, uống cà phê, đi làm. Có rất nhiều việc lặt vặt tưởng nhỏ, nhưng em rất khó chịu, vì nó cứ lặp đi lặp lại. Ví như anh mở tủ lạnh, lấy chai nước uống, xong là bỏ chai nước trên bàn. Anh ăn, uống gì xong là bỏ đó, không dọn, không rửa. Anh thay đồ chỗ nào thì quăng đồ dơ lung tung ngay chỗ đó, không bao giờ bỏ chậu giặt…
Hôm rồi, má chồng lên chơi, em mới nói luôn những chuyện như vậy, để mong má chồng ủng hộ em mà bảo anh phải thay đổi dần lối sống. Ai dè má chồng em nghe vậy thì tự ái, mắng em xối xả, nói con bà, bà dạy từ nhỏ tới lớn, cũng học hành tới nơi tới chốn, cũng đỗ đạt, có công ăn việc làm như mọi người, thua kém gì ai…
Má nói em hỗn, dạy chồng từ chuyện nhỏ tới chuyện lớn, trong khi chăm sóc, phục vụ chồng, dọn dẹp nhà cửa cho gọn gàng là nghĩa vụ làm vợ. Chỉ có chuyện dọn cái ly, cất cái chai mà suốt ngày em cằn nhằn chồng vậy, thì không nên sống với nhau nữa.
Chuyện nhỏ giờ thành chuyện lớn khi má khăng khăng nói chồng em ly dị đi. Chồng em xưa giờ cũng cười cười khi bị em nhắc nhở, nay có vẻ như được nước vì có má bênh. Còn em, nửa nghĩ chả ai ly dị vì những chuyện như vậy, nửa nghĩ: chẳng lẽ sẽ sống với những điều khó chịu như vậy suốt đời? Em nên nhịn để không phải ly dị, hay là giải thoát cho cả em lẫn chồng, thưa anh Đức Trung?
EM GÁI
Em gái thân mến!
Thật tình anh Đức Trung đã được nghe, được thấy ở rất nhiều người, và có nhiều việc còn nhỏ hơn, li ti hơn, cũng khiến người ta vô cùng bực mình. Nhưng cũng có những người vợ phải chịu đựng những thói hư tật xấu của chồng kinh khủng hơn nhưng họ vẫn bỏ qua hoặc cố gắng nhìn vào những điều nào đó còn tốt đẹp ở chồng, để chịu đựng mà sống.
Anh Đức Trung nói vậy để em gái tự “thông cảm” với bản thân mình, chứ không có nghĩa là khuyên em phải bỏ qua hay là nên ly dị để khỏi bận tâm. Chọn lựa đó phải là của em, làm sao để em được nhẹ nhàng và bình an.
Em nên trò chuyện với chồng, để thông cảm với nhau về những thói quen xấu cũng như sự khó chịu của chồng, của vợ. Đồng thời, em nên tìm một cách nào đấy thật nhu mỳ, dễ chịu, nhưng nghiêm túc, nhắc nhở về những thói quen xấu cần sửa của chồng.
Với má chồng, em đã sai vì mang những chuyện như thế ra trách móc trước mặt bà, đó là việc làm cho bất cứ bà mẹ nào cũng phải tự ái, như má chồng em đang tự ái với em. Em phải biết, người mẹ có thể tự mắng con mình được, nhưng nghe người khác chê bai con mình, thì không được. Em đã làm tổn thương bà. Em nên có lời với bà, nhận lỗi với bà, làm bà hiểu được rằng em không cố ý chê bai, trách móc sự dạy dỗ, giáo dục con của bà. Khi bà thông cảm được với em, thì em sẽ có đồng minh để cùng giúp chồng thay đổi những thói quen xấu.
Chồng em bây giờ, ở một nghĩa nào đó, anh ấy là “của em”, chứ không chỉ là “cậu con trai của má” nữa. Vợ chồng giúp nhau trưởng thành cũng là một nghĩa vụ, trách nhiệm trong đời sống lứa đôi. Chuyện hai vợ chồng giờ chỉ nên để cho gia đình hai bên biết càng ít càng tốt. Không biết mọi người có giúp được gì hay không, mà có khi còn có những sự can thiệp không vô tư, khiến tình cảm vợ chồng xấu đi.
Anh Đức Trung tâm sự với em như vậy không có nghĩa là khuyên em phải bỏ qua hay là nên ly dị. Chọn lựa đó phải là của em, làm sao để em được nhẹ nhàng và bình an. Chúc em thành công.
ANH ĐỨC TRUNG
Related posts:
- Mùa lũ đi qua...
- Bỏ nhau vì ngày 8/3 không được tặng quà
- Sốc vì bị phân biệt khi ba má vợ cho đất!
- Chủ động đối phó dịch bạch hầu
- Hình thành ‘vành đai chống dịch’ quanh TPHCM
- Bà Lê Thị Mác (Hai Mác) đánh giặc giỏi, làm cao su "hăng"
- Kiên cường đấu tranh, thắng lợi trọn vẹn
- Phận làm dâu...
- Lao động nữ sinh con được nhận thêm tiền từ ngày 1/7/2023
- Về quê tránh dịch