CSVN – Trong không khí sôi nổi thi đua nước rút những tháng cuối năm, Công ty CPCS Phước Hòa đang nỗ lực phấn đấu vượt ít nhất 5% kế hoạch sản lượng Tập đoàn giao. Ông Nguyễn Văn Tược – Bí thư Đảng ủy, TGĐ Công ty CPCS Phước Hòa đã trao đổi với Cao su Việt Nam về những giải pháp nhằm hoàn thành nhiệm vụ, chăm lo cho NLĐ và thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
– Xin ông chia sẻ về những giải pháp nhằm hoàn thành nhiệm vụ của công ty và chăm lo cho người lao động trong giai đoạn khó khăn chung của ngành cao su hiện nay?
Ông Nguyễn Văn Tược: Công ty CPCS Phước Hòa với diện tích hơn 12.000 ha cao su, trải rộng trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Bình Dương như huyện Phú Giáo, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, thị xã Bến Cát và thành phố Tân Uyên. Với lịch sử phát triển hơn 40 năm, CB.CNV LĐ gắn bó với công ty trải qua nhiều thế hệ, lao động chủ yếu là người địa phương. Những năm trở lại đây, trong tình hình khó khăn chung của ngành cao su do hệ lụy của đại dịch Covid -19 và tình hình bất ổn trên thế giới, giá bán mủ cao su xuống thấp trong khi đó giá cả nguyên liệu đầu vào tăng cao… đã tác động sâu sắc đến doanh thu, lợi nhuận của công ty và thu nhập của NLĐ. Mặt khác, lao động cũng có sự biến động do lượng lớn công nhân có thâm niên đến tuổi nghỉ hưu, lao động trẻ lựa chọn làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn thay vì làm công nhân cao su. Trước tình hình đó, công ty đã đẩy mạnh công tác tuyển dụng lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Trong điều kiện có sự cạnh tranh lao động lớn tại địa phương, công ty đã triển khai nhiều giải pháp ưu tiên thu hút tuyển dụng, tạo việc làm, hỗ trợ an sinh cho NLĐ dân tộc thiểu số, giúp đồng bào ở các địa phương khác đến làm việc và an cư lạc nghiệp tại công ty. Trong năm 2023, có thời điểm công ty đã tuyển dụng hơn 100 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là đồng bào dân tộc H’Mông ở các huyện miền núi của các tỉnh Nghệ An, Hà Giang, góp phần lớn trong việc giải quyết khó khăn trong lao động sản xuất liên quan đến vấn đề thiếu lao động. Đến nay, lao động là đồng bào dân tộc thiểu số của công ty là 68 người, đa số an tâm lao động sản xuất, gắn bó với đơn vị; tay nghề kỹ thuật khai thác mủ và năng suất lao động dần được nâng cao.
Trên cơ sở nhận định và đánh giá những khó khăn, thuận lợi, ban lãnh đạo công ty đã linh hoạt đề ra các chủ trương, giải pháp để lãnh đạo thực hiện việc quản lý, điều hành phù hợp với tình hình thực tế. Tập thể NLĐ trong toàn công ty luôn chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn để thực hiện nhiệm vụ, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch được giao. Cùng với đó, các cấp Công đoàn đã tích cực tham gia cùng với chuyên môn chăm lo tốt đời sống, thu nhập tiền lương, thực hiện các chế độ chính sách cho NLĐ. Tiền lương bình quân hàng năm luôn đạt trên 8 triệu đồng/người/tháng. Đẩy mạnh thực hiện hỗ trợ NLĐ vốn phát triển kinh tế gia đình (KTGĐ), xây dựng, sửa chữa nâng cấp nhà ở, đã giải quyết cho 529 lượt hộ vay vốn phát triển KTGĐ từ nguồn phúc lợi công ty với số tiền 3,95 tỷ đồng. Ngoài ra, các đơn vị đã tín chấp cho 611 lượt NLĐ vay ngân hàng với số tiền 36,47 tỷ đồng để phát triển KTGĐ. Qua tổ chức phong trào, kết quả thu nhập KTGĐ bình quân trên 32 triệu đồng/hộ/năm.
Bên cạnh đó, công ty đã chi quỹ phúc lợi triển khai xây dựng các thiết chế văn hóa, công trình phục vụ sinh hoạt cho NLĐ tại nơi sản xuất, như xây dựng sân bóng chuyền, nhà bếp, nhà ăn, nhà vệ sinh cho công nhân tại đội sản xuất với kinh phí 1,16 tỷ đồng; xây dựng 30 căn phòng ở cho công nhân do công ty tuyển dụng từ các địa phương khác với kinh phí 2,43 tỷ đồng.
Để tiếp tục phát triển bền vững trong hiện tại và tương lai, công ty sẽ không ngừng sắp xếp bộ máy tổ chức, quản lý tốt vườn cây và kỹ thuật khai thác; tiếp tục nghiên cứu thâm canh nâng cao chất lượng vườn cây và tăng năng suất; duy trì tốt các hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO và thực hiện chứng chỉ phát triển, bảo vệ rừng bền vững… Cùng với sự đoàn kết, nhất trí cao từ tập thể NLĐ, tin rằng công ty sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2023 và những năm tiếp theo.
– Công ty đã thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững cụ thể như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Tược: Nhằm đảm bảo phát triển bền vững trên cả ba phương diện kinh tế, môi trường và xã hội, ngay từ đầu, công ty đã xây dựng kế hoạch, chương trình theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Cụ thể, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững trong hoạt động nông nghiệp, để tái thiết lại vườn cây từ khâu xây dựng vườn ươm, vườn nhân để chủ động về cây giống đảm bảo đạt chuẩn và chất lượng từ đưa ra trồng, chăm sóc đến khai thác mủ. Trong quá trình tái thiết vườn cây, nhằm đa dạng và nâng cao giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp, công ty đã thực hiện quy hoạch giai đoạn 2021 – 2030 là 44,28 ha các khu nông nghiệp công nghệ cao rãi đều tại các nông trường của công ty. Đến nay, công ty đã hoàn thiện phương án quản lý rừng bền vững để quản lý toàn bộ diện tích cao su và hoàn thành chứng nhận quản lý rừng bền vững theo Hệ thống Chứng chỉ rừng Quốc gia VFCS/PEFC (ngày 19/10/2022 đã chứng nhận được 2.791,57/12.944,31 ha, tương đương 21,6%,). Mục tiêu đến năm 2030 đạt 100% diện tích cao su được chứng nhận hệ thống Chứng chỉ rừng Quốc gia.
Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững hoạt động chế biến mủ cao su, công ty có 3 nhà máy chế biến với tổng công suất sản xuất thiết kế tối đa là 31.500 tấn/năm bao gồm 3 dây chuyền chế biến mủ nước (SVR CV 50/60, SVR 3L/L/5) với công suất 21.000 tấn/năm, 1 dây chuyền chế biến mủ tạp (SVR 10/20) với công suất 6.000 tấn/năm và 1 dây chuyền chế biến mủ ly tâm (HA, LA) với công suất 4.500 tấn/ năm. Trong đó, các lò xông sấy của nhà máy mủ nước và mủ tạp được công ty chuyển đổi từ dầu DO sang xông sấy bằng Biomass và gas nhằm hạn chế phát thải khí CO2 ra môi trường và theo lộ trình đến năm 2030, nhằm tiết giảm chi phí và giảm phát thải khí thải ra môi trường công ty sẽ chuyển toàn bộ sang sử dụng bằng biomass để thay thế. Bên cạnh đó, nhằm hạn chế sử dụng điện lưới góp phần giảm khí thải nhà kính, bước đầu công ty đã đầu tư 406,2 kwp điện năng lượng mặt trời tại các trụ sở làm việc của công ty, các đơn vị trực thuộc và tại 2 hệ thống xử lý nước thải đang có hiệu quả hoạt động tốt. Tiến tới trong giai đoạn 2025 – 2030, công ty sẽ đầu tư tiếp 2 Mwp điện năng lượng mặt trời tại các nhà máy chế biến để giảm 1 phần điện lưới đang sử dụng.
Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững hoạt động môi trường, công ty đặc biệt chú trọng hoạt động quản lý môi trường, hệ thống hoạt động đảm bảo tuân thủ theo yêu cầu của luật pháp Việt Nam. Đồng thời, công ty cũng xây dựng hai hệ thống tái sử dụng nước thải với mục đích tuần hoàn nước thải sau xử lý vào sản xuất mủ cao su (tiết kiệm từ 20-50% lượng nước sử dụng), cũng như bùn thải từ hai hệ thống xử lý nước thải được công ty tận dụng toàn bộ làm phân hữu cơ vi sinh để bón lại cho vườn cây góp phần làm giảm chi phí xử lý môi trường của công ty.
Hiện nay, công ty đã được chứng nhận và duy trì hệ thống ISO 9001:2015, ISO 14001:2015, chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm PEFC ST 2002:2020. Song song đó, công ty cũng đã đạt được chứng nhận Doanh nghiệp bền vững CSI liên tục qua các năm 2019, 2020, 2021, 2022.
– Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!
TRẦN HUỲNH. Ảnh: VŨ PHONG
Related posts:
- Xa nhưng luôn nồng ấm
- Cao su Dầu Tiếng: Sôi nổi hội thi bàn tay vàng thu hoạch mủ 2022
- Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ
- Các doanh nghiệp gỗ khu vực Tây Nguyên nỗ lực “xoay sở” trong khó khăn
- Tin vào một năm tiếp tục thành công
- Cao su Hà Tĩnh vượt khó hoàn thành nhiệm vụ
- Truyền thống - Mạch ngầm chảy mãi
- Công nhân đồng bào dân tộc và những nẻo đường làm giàu
- Cao su Quasa – Geruco sản xuất mủ 10 mix đạt chất lượng xuất khẩu
- Tại sao nông dân chưa thể làm giàu từ cây cao su?