CSVN – Sau 15 năm, chinh phục biết bao gian khó, đến nay với hơn 16.200 ha cao su xanh tốt đang độ khai thác, Công ty CPCS Chư Sê – Kampong Thom cho thấy việc phát triển cao su mang lại hiệu quả rõ rệt, đem lại lợi ích cho địa phương, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 3.200 lao động bản địa. Đó là một minh chứng sống động, góp phần tô thắm mối quan hệ hợp tác, đoàn kết, hữu nghị bền chặt giữa Việt Nam – Campuchia.
Vững bước đi lên
Công ty CPCS Chư Sê – Kampong Thom được thành lập năm 2009 trên cơ sở bộ khung từ Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê. 5 người trong “tổ công tác đặc biệt” đã tiên phong khảo sát thực địa làm dự án, do ông Nguyễn Duy Linh làm trưởng đoàn. Ban đầu, chưa có trụ sở, đoàn phải thuê nhà của người dân, thiếu thốn trăm bề. Trên vùng đất hẻo lánh, người dân Campuchia còn rất nghèo và hoang sơ. Đồng thời, cây cao su lúc bấy giờ hết sức xa lạ đối với người dân bản địa. Dân cư trên địa bàn không biết, không hiểu và cũng không tin cây cao su sẽ mang lại giá trị kinh tế cao và làm thay đổi cuộc sống của họ những năm sau này.
Bất chấp mọi khó khăn, vất vả, cán bộ của đoàn vẫn bám trụ nơi đây. Năm con người mang trái tim, khát vọng đã lội rừng, vượt suối đến từng thôn làng để tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu, chính quyền địa phương ủng hộ… và gian khó đã không phụ lòng người. Không khí lao động khẩn hoang luôn tấp nập. Vào giữa mùa mưa, mặt đất ướt sũng nước nhưng hố trồng cây cao su luôn được đào đúng kỹ thuật, phân bón lót lấp đầy, từng bầu cây cao su 3 tầng lá nhú mầm được đặt vào hố sau đó được lấp đất, ém chặt thẳng tắp. Từng cán bộ kỹ thuật hướng dẫn tỉ mỉ cách trồng và chăm sóc cây cao su cho bà con. Cứ thế, từng lô cao su được hoàn thành một cách nhanh nhất, vườn cây trồng mới đã xong, đảm bảo tỷ lệ sống 98% trở lên và phát triển tốt.
Công ty hiện có 3.518 lao động, trong đó chỉ có 150 cán bộ kỹ thuật, chuyên gia người Việt Nam, còn lại người Campuchia được đào tạo kỹ thuật khai thác mủ thành thục. Những yếu tố đó đã hình thành nên một vùng chuyên canh cây cao su rộng lớn, tạo công ăn việc làm, ổn định đời sống nhân dân trong vùng, đóng góp ngày càng nhiều cho ngân sách Vương quốc Campuchia.
Từ vùng đất hẻo lánh, rừng nghèo kiệt ban đầu, một khu vực rộng lớn bạt ngàn phủ kín màu xanh cao su. Dòng nhựa trắng cao su mang lại cơ hội đổi đời và cuộc sống trù phú cho bao người dân nghèo trên vùng đất khó, góp phần thắt chặt mối quan hệ giữa Cao su Chư Sê – Kampong Thom với chính quyền sở tại và tạo niềm tin cho người dân xung quanh khu vực dự án. Qua đó, góp phần thắt chặt thêm tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Campuchia.
Khát vọng làm nên kỳ tích
Sau 5 năm trồng mới, công ty đã thực hiện hoàn thành kế hoạch trước 3 năm, trồng mới 16.268,68 ha cao su. Đặc biệt, năm 2013 công ty đã trồng được 4.539 ha, lập kỷ lục của ngành và kỷ lục thế giới. Vườn cây trồng mới được VRG đánh giá là vườn cây có chất lượng tốt, liền vùng liền khoảnh, là đơn vị có diện tích cao su lớn nhất khu vực Campuchia. Tổng sản lượng khai thác từ năm 2017 – 2022 là 97.785 tấn (vượt 13% kế hoạch đề ra). Công ty có lãi chỉ sau 1 năm đưa vào khai thác.
Năm 2018, nhà máy chế biến mủ cao su CRCK2 đi vào hoạt động cũng là một kỳ tích mới. Đây là công trình trọng điểm của VRG với quy mô lớn nhất toàn ngành cao su và là nhà máy đạt chuẩn khu vực. Hệ thống quản lý chất lượng hiện đại, tiên tiến, phòng thí nghiệm đạt chuẩn Vilas.
Với hơn 16.200 ha cao su, hệ thống cơ sở hạ tầng điện – đường – trường – trạm được đầu tư xây dựng bài bản. Mạng lưới giao thông trong vùng dự án đáp ứng được nhu cầu đi lại của NLĐ và người dân. Công ty đã hoàn thiện hệ thống đường trục chính, đường trục nhánh, đường lô, liên lô, cầu cống… với tổng chiều dài trên 700 km, giúp tiết kiệm thời gian di chuyển so với trước đây từ 50 phút xuống còn 15 phút. Công ty có hệ thống đường dây điện và đặt đèn năng lượng mặt trời kết nối đến tất cả khu vực như: trụ sở công ty, NT, nhà máy chế biến và các khu dân cư để phục vụ sản xuất và sinh hoạt.
Những nỗ lực bền bỉ của công ty trong suốt 15 năm qua đã tạo nên kỳ tích là một cộng đồng được đảm bảo an sinh giữa những cánh rừng cao su bạt ngàn và lớn nhất của VRG tại Campuchia. Kỳ tích ấy là biểu tượng sinh động của tình đoàn kết, hữu nghị, sát cánh giữa 2 quốc gia láng giềng cùng chung dòng Mê Kông. Và hơn cả đó là khát vọng vươn xa, gắn bó mật thiết của tinh thần Việt Nam trên đất bạn.
Hạnh phúc bên dòng nhựa trắng
Với mong muốn làm những gì tốt nhất cho NLĐ, để họ có thể thụ hưởng những chế độ chính sách của dự án phát triển cao su mang lại, công ty đã xây dựng một siêu thị hiện đại giữa rừng cao su bạt ngàn, phục vụ nhu cầu mua sắm của NLĐ. Siêu thị cung cấp hơn 100 mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, ưu tiên hàng hóa Việt Nam và Campuchia. Siêu thị cũng làm thẻ ưu đãi cho NLĐ nhằm kích cầu tiêu dùng và chủ động trong việc mua sắm, thanh toán hàng tháng.
Bên cạnh đó, công nhân Campuchia được cấp nhà ở miễn phí, cấp gạo hàng tháng, được mua bảo hiểm và sử dụng hàng loạt dịch vụ tiện ích. Con em của công nhân còn được đi học trong ngôi trường trị giá 78.000 USD. Ngoài ra, có trạm y tế với đầy đủ dụng cụ y tế và thuốc để khám chữa bệnh thông thường. Trường hợp bệnh nặng, công ty bố trí phương tiện chuyển lên cơ sở y tế địa phương để điều trị. Công ty đã đầu tư xây dựng một ngôi chùa có tổng chi phí 215.000 USD ngay tại khu trung tâm của dự án, nhằm phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của NLĐ.
Có mức thu nhập cao và ổn định, được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách cho NLĐ, lại được công ty bố trí nhà ở miễn phí, con cái đi học không mất tiền, sau nhiều năm làm việc, nhiều hộ công nhân người Campuchia đã dành dụm được một khoản tiền đáng kể. Với số tiền ấy, nhiều người đã có điều kiện để sửa sang nhà cửa ở quê, mua sắm xe cộ, thậm chí là mua đất để làm vườn gia tăng thu nhập ở những nơi ngay sát dự án.
Nhớ về chặng đường đã qua, ông Nguyễn Duy Linh – TGĐ công ty chia sẻ: “Những năm qua, NLĐ công ty đã trải qua một chặng đường không ít những thăng trầm nhưng bằng tâm huyết, công sức và trí tuệ, từ một vùng đất hẻo lánh, rừng nghèo kiệt đến nay đã hình thành những cánh rừng cao su bạt ngàn xanh tốt, mang lại cơ hội đổi đời và cuộc sống trù phú cho bao người dân nghèo trên vùng đất khó, góp phần thắt chặt mối quan hệ giữa công ty với chính quyền điạ phương”.
Tận mắt chứng kiến những gia đình ấm no, những ngôi trường vang tiếng trẻ thơ, những ngôi chùa rộn ràng mùa lễ hội… mới thấy cả một cộng đồng người dân bản địa đang ngày một hạnh phúc hơn giữa rừng cao su xanh tốt, nơi dòng nhựa trắng không ngừng chảy.
TIẾN DŨNG
Related posts:
- Giải pháp tăng năng suất lao động ở cao su Bà Rịa - Kampong Thom
- Lá cờ đầu vượt mức kế hoạch sản lượng ở Cao su Đồng Nai
- Thắm đượm tình đoàn kết giữa cao su Đồng Nai với tỉnh Hà Giang
- Cao su Dầu Tiếng tặng quà công nhân lao động ngoại tỉnh Nông trường Long Hòa
- Tổ 2 – Nông trường Tam Giang, Cao su Krông Buk dự kiến về đích sớm 40 ngày
- Đảng bộ Công ty CPCS Việt Lào: Tăng cường công tác bảo vệ nền tảng, tư tưởng của Đảng
- Rộn ràng mùa cạo mới
- Chủ tịch Hội đồng Quản trị VRG Trần Công Kha thăm và làm việc với các công ty cao su tỉnh Điệ...
- “Cao su Bà Rịa cần quyết tâm cao để hoàn thành tất cả các chỉ tiêu đề ra”
- Ấm lòng Tết xa nhà