CSVN – Đầu tháng 9, TCT Cao su Đồng Nai đã có chuyến công tác tại tỉnh Cao Bằng – địa danh nổi tiếng với những di tích lịch sử và thiên nhiên hùng vĩ. Chuyến đi này đã nối dài thêm hành trình kết nối, thu tuyển lao động của TCT tại các tỉnh thành trên cả nước với mong muốn các dân tộc anh em cùng hội tụ về Đồng Nai để viết tiếp trang sử vẻ vang của Cao su Đồng Nai anh hùng.
Hành trình gần 2.000km
Để phục vụ cho nhu cầu sản xuất, từ đây đến năm 2025 nhu cầu thu tuyển công nhân trực tiếp trên vườn cây của TCT rất lớn. Do đó, ngay từ bây giờ TCT khởi động chương trình thu tuyển lao động. Chuyến đi đến Cao Bằng của TCT hứa hẹn sẽ mở ra sự hợp tác, kết nối giữa hai bên trong thời gian tới. Vì vậy, quãng đường gần 2.000km với chuyến bay đến Hà Nội, từ Hà Nội di chuyển đường bộ lên Cao Bằng kéo dài hơn 10 tiếng không làm đoàn công tác mệt mỏi, ngược lại chúng tôi còn háo hức để nhanh chóng được gặp gỡ bà con.
Dù thời gian đến trễ so với dự kiến nhưng chúng tôi được Tỉnh đoàn Cao Bằng đón tiếp nồng hậu. Ông Nguyễn Văn Thạnh – Phó TGĐ TCT, Trưởng đoàn công tác đã giới thiệu vài nét về quá trình hình thành và phát triển, hoạt động SXKD, công tác chăm lo đời sống NLĐ. Đồng thời trình bày mục đích và những nội dung liên quan đến chuyến công tác.
Bà Tô Phương Chi – Phó Bí thư thường thực Tỉnh đoàn Cao Bằng đã có thời gian làm việc tại tỉnh Đồng Nai nên thấu hiểu mảnh đất và con người Đồng Nai.
Bà cho biết: “Thời gian qua đã có rất nhiều doanh nghiệp đến tư vấn, tuyển dụng lao động tại Cao Bằng, tuy nhiên Cao su Đồng Nai là đơn vị ở xa nhất đến. Chúng tôi rất trân trọng tình cảm đó. Qua tìm hiểu về doanh nghiệp, chúng tôi thấy TCT là doanh nghiệp Nhà nước, hoạt động trong nhiều lĩnh vực ngành nghề, trong đó trồng, chăm sóc cao su là lĩnh vực quan trọng của đơn vị. Hoạt động SXKD hiệu quả và chăm lo tốt đời sống cho NLĐ. Vì vậy, chúng tôi tin tưởng rằng, việc TCT thu tuyển lao động tại Cao Bằng sẽ mở ra cơ hội mới về việc làm, giúp bà con chuyển đổi nghề nghiệp, đời sống được nâng cao hơn”.
Hôm sau, đoàn được anh Lê Minh Đức – Giám đốc Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh Cao Bằng và các anh chị trong Trung tâm dẫn đi tư vấn, tuyển dụng tại huyện Hà Quảng và Quảng Hòa. Đoạn đường từ TP. Cao Bằng đến hai địa phương này đi qua nhiều địa danh nổi tiếng như hang Pắc Pó, Di tích Kim Đồng, Đèo Mã Phục, Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng, Thác Bản Giốc… Tranh thủ thời gian di chuyển, các anh chị trong Trung tâm đã giới thiệu thêm về những vùng đất và đời sống của bà con nơi đây.
Tại mỗi nơi đến làm việc, đoàn được lắng nghe những chia sẻ của bà con và trao đổi những thắc mắc về chế độ, chính sách khi vào làm công nhân cao su tại TCT. Cây cao su đối với bà con vùng Đông Bắc của Tổ quốc vẫn còn nhiều xa lạ, bà con chỉ hình dung qua video clip được đoàn công tác chiếu tại buổi làm việc. Khi anh Lê Minh Đức đặt câu hỏi: “Bà con ở đây ai có mức thu nhập mỗi tháng trên 5 triệu đồng không ạ?”. Chúng tôi thấy không một cánh tay nào đưa lên. Bà con cho biết họ chỉ làm ruộng đồng, chăn nuôi phục vụ cho gia đình. Cũng có những người đi làm thợ mỏ thu nhập cao hơn nhưng điều kiện làm việc sâu dưới lòng đất và có mức độ nguy hiểm cao nên ít ai trụ lại được lâu dài.
Anh Phòn Văn Sính – xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng là 1 trong 80 người dân đến buổi gặp gỡ với đoàn công tác TCT để tìm kiếm cơ hội việc làm mới. Anh cho biết: “Công việc xưa nay của gia đình tôi là trồng trọt và chăn nuôi, quy mô chỉ vừa đủ cung cấp trong gia đình và bán một ít để lấy tiền trang trải thêm cuộc sống. Năm nào mưa thuận gió hòa thì thu nhập được 60 triệu đồng nhưng cũng không để dư ra được đồng nào vì nhiều thứ phải chi tiêu và nuôi hai con đến trường. Qua giới thiệu các chế độ phúc lợi của TCT, tới đây tôi sẽ đăng ký vào làm công nhân cao su với mong muốn đời sống sẽ tốt đẹp hơn”.
Tuy thời gian gặp gỡ và tiếp xúc với bà con không dài nhưng TCT tin tưởng rằng những thông tin đoàn công tác gởi gắm đến bà con Cao Bằng đã phần nào giúp bà con hình dung được công việc, chế độ đãi ngộ của TCT dành cho lao động ở xa đến làm việc.
Kết thúc 3 ngày làm việc tại Cao Bằng, khi gởi lời chào đến các anh chị em và bà con Cao Bằng, ông Nguyễn Văn Thạnh – Phó TGĐ TCT chia sẻ: “Lần đầu tiên TCT kết nối và đến Cao Bằng, hứa hẹn mở ra sự hợp tác dài lâu, TCT mong muốn trong thời gian gần nhất sẽ được chào đón bà con Cao Bằng đến làm việc và lập nghiệp tại Đồng Nai. Chúng tôi cam kết và tin tưởng rằng, Cao su Đồng Nai sẽ góp phần cùng với tỉnh Cao Bằng chăm lo tốt hơn nữa đời sống, việc làm cho bà con”.
Nỗ lực vì đời sống NLĐ
Đây không phải lần đầu tiên TCT thu tuyển lao động tại miền núi phía Bắc, trước đây TCT đã tuyển lao động tại các huyện thuộc tỉnh Hà Giang – nơi địa đầu của Tổ quốc. Từ những công nhân người Mông đầu tiên của huyện Sín Mần, tỉnh Hà Giang vào làm năm 2020, sau đó TCT chào đón đông đảo bà con người đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu vào làm việc. Đến nay, trong tổng số 2.262 công nhân cạo mủ đã có 653 lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm 29%/tổng số lao động.
Việc thu tuyển bà con từ các tỉnh thành trên cả nước đến làm việc tại TCT gặp không ít khó khăn, thách thức. Nếu nói tuyển lao động là dễ dàng thì việc giữ chân người lao động không hề đơn giản. TCT đã đón nhận bà con từ tỉnh xa đến làm việc phải có trách nhiệm thực hiện đúng cam kết đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định và thực hiện tốt các chế độ, chính sách, phúc lợi cho bà con. Chính vì vậy, trong những năm qua, mặc dù giá bán giảm sâu và chưa có dấu hiệu phục hồi, hoạt động SXKD của TCT gặp nhiều trở ngại do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19, suy thoái kinh tế… nhưng TCT rất nỗ lực để chăm lo tốt đời sống cho NLĐ, đặc biệt là NLĐ ở các tỉnh xa đến làm việc tại TCT.
Không chỉ là chế độ, chính sách mà chính tình cảm, sự quan tâm, chăm lo chu đáo trong mọi hoàn cảnh từ tổ trưởng, ban lãnh đạo nông trường đã níu chân NLĐ gắn bó với đơn vị. Mảnh đất lành Cao su Đồng Nai đã giúp cho đời sống của NLĐ khấm khá hơn.
Chúng tôi có dịp về cơ sở để nghe công nhân chia sẻ những tâm tư, tình cảm để biết thêm về đời sống của những anh chị lập nghiệp xa nhà. Anh Giàng Seo Số – Công nhân Nông trường An Viễng cho biết: “Chúng tôi từ quê hương Hà Giang vào làm việc tại TCT, năm 2022 vợ chồng tôi đã tiết kiệm được gần 150 triệu đồng, số tiền này chúng tôi gởi về quê để xây nhà. Công nhân ở xa đến được hỗ trợ nhà ở, đặc biệt tôi biết ơn nhất là lãnh đạo TCT và nông trường luôn tổ chức các hoạt động VHVN – TDTT mang màu sắc của bà con vùng cao, điều này giúp chúng tôi đỡ nhớ nhà. Làm việc ở đây bà con chúng tôi nhận được rất nhiều sự hỗ trợ, quan tâm, nhất là trong tình hình việc làm ngoài kia có nhiều người thất nghiệp nhưng chúng tôi vẫn được đảm bảo mức lương bình quân trên 8 triệu đồng/người/tháng”.
Hành trình gần 2.000km sẽ tiếp tục nối dài và trở nên thân quen hơn với TCT và bà con Cao Bằng với những chuyến xe đón bà con vào Đồng Nai lập nghiệp và những chuyến xe ấm áp nghĩa tình khi đưa bà con về quê vui Xuân – đón Tết. Chúng tôi tin tưởng và cũng hi vọng rằng trên chặng hành trình đó, những câu chuyện vui, những niềm phấn khởi sẽ được viết nên bởi chính sự cố gắng của lãnh đạo TCT trong công tác thu tuyển lao động và bằng chính nỗ lực đổi đời của bà con.
HÀ KHUÊ
Related posts:
- Các công ty khu vực Tây Nguyên: Tạo đà cho cuộc đua năng suất vườn cây
- Công nhân đồng bào dân tộc góp sức xây dựng đơn vị phồn vinh
- Bình Phước phối hợp chặt chẽ VRG tổ chức kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đả...
- Xuyên đêm phun thuốc phòng phấn trắng
- Cao su Tây Ninh xuất sắc hoàn thành chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2023
- Sự tôn vinh đặc biệt dành cho đơn vị đầu tiên của VRG tại nước ngoài
- Cao su Lộc Ninh: Sản lượng vượt trên 9% kế hoạch
- Nông trường Minh Hòa, Cao su Dầu Tiếng tặng quà Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid - 19
- Cao su Đồng Phú: Về trước kế hoạch sản lượng 51 ngày
- Cao su Phú Riềng tuyên dương 130 học sinh sinh viên xuất sắc