CSVN – Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long là một trong 3 đơn vị đầu tiên của VRG thực hiện phát triển rừng bền vững. Công ty đã chọn Nông trường Quản Lợi và Nông trường Lợi Hưng để thí điểm triển khai thực hiện chương trình và đạt được nhiều thành quả đáng kể.
Bước đầu thực hiện rừng bền vững gặp nhiều khó khăn
NT Quản Lợi quản lý 2.306 ha cao su, diện tích rừng trồng giai đoạn 2020 – 2023 là 38 ha, diện tích trồng xen cây rừng với cao su là 151 ha. Cây rừng tại NT gồm các loại cây gỗ, cây sao, cây xuân đào, cây hỗn giao… Công tác bảo vệ và phát triển rừng cao su được NT nghiêm ngặt thực hiện theo đúng quy định về quản lý rừng bền vững.
Chia sẻ về những ngày đầu thực hiện quản lý rừng bền vững, ông Phạm Quang Trinh – GĐ NT Quản Lợi, cho biết: “Bước đầu thực hiện phát triển rừng bền vững đơn vị gặp phải nhiều khó khăn đến từ nhiều nguyên nhân, như: nội dung mới cần có thời gian nghiên cứu để hiểu rõ và áp dụng. Phải nghiêm ngặt quản lý và bảo vệ môi trường cũng như đảm bảo sinh thái môi trường. Khi xây dựng yêu cầu phải có nguồn lực rất lớn để đảm bảo các chương trình tư vấn, soạn thảo tài liệu, xây dựng cơ sở vật chất ngay tại khu vực vườn cây. Làm các công trình để chống xói mòn trên vườn cây cao su…”.
Ngay từ những ngày đầu thực hiện, NT đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động, ý thức bảo vệ rừng… Nhờ vậy, NLĐ hiểu và thể hiện bằng nhiều hành động cụ thể. Mỗi công nhân khi làm việc đều mang theo một túi nhỏ để nhặt rác. Sau đó sẽ gom rác về một nơi, thực hiện phân loại rác, bỏ đúng nơi quy định. Không mang rác thải lên lô để ảnh hưởng đến môi trường làm việc chung. Việc làm này đã góp phần nâng cao chất lượng môi trường sống và cảnh quan xung quanh NT. Để kiểm soát và bảo vệ cây rừng, toàn bộ diện tích rừng của NT đều có người quản lý, có lực lượng bảo vệ thường xuyên để tránh những trường hợp xâm lấn, chặt phá cây cao su, chặt phá cây rừng.
“Đơn vị luôn thực hiện tốt mục tiêu của rừng bền vững là đạt được sự kết hợp giữa lợi ích kinh doanh, lợi ích xã hội và cộng đồng. Đồng thời bảo vệ môi trường để đảm bảo sự phát triển bền vững và tạo ra tác động tích cực đối với tất cả các bên liên quan” – ông Phạm Quang Trinh, cho biết.
Duy trì các chứng chỉ rừng cao su bền vững
Cao su Bình Long được ghi nhận là doanh nghiệp tiên phong có thành tích xuất sắc trong công cuộc phát triển bền vững, gắn liền với 3 trụ cột: Phát triển kinh tế – Trách nhiệm với cộng đồng và xã hội – Bảo vệ môi trường. Đến nay, 100% diện tích của công ty được cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững VFCS/ PEFC-FM. Công ty có 3 năm liền nằm trong top 100 doanh nghiệp phát triển bền vững. Đặc biệt, năm 2022 nằm trong top 10 doanh nghiệp phát triển bền vững được Hội Doanh nghiệp vì sự phát triển Việt Nam vinh danh.
Chia sẻ về kế hoạch giữ vững danh hiệu bền vững, ông Phạm Ánh – Phó TGĐ Cao su Bình Long, cho biết: “Chứng chỉ rừng bền vững đang góp phần đưa sản phẩm của Cao su Bình Long đi xa hơn, giá bán cũng cao hơn, uy tín, thương hiệu cũng được đánh giá cao hơn. Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện và duy trì các chứng chỉ rừng cao su bền vững, tuân thủ mọi yêu cầu tiêu chuẩn của hệ thống PEFC/VFCS. Đồng thời sẽ tăng cường quảng bá sản phẩm mủ cao su, gỗ cao su có chứng chỉ PEFC đối với thị trường trong nước và quốc tế. Nâng cao thương hiệu sản phẩm của cao su Bình Long cũng như sản phẩm của VRG có chứng chỉ rừng PEFC/VFCS. Thực hiện theo chương trình phát triển bền vững, sản xuất sạch hơn và tuần hoàn theo mục tiêu chất lượng, thương hiệu, thân thiện môi trường, trách nhiệm xã hội”.
HẰNG NY
Related posts:
- Cao su Đồng Phú có 18 năm liên tiếp năng suất vườn cây trên 2 tấn/ha
- "Thể thao giúp tôi có thêm sức khỏe để hoàn thành tốt công tác chuyên môn"
- Ông Vương Nguyễn Phương Lâm giữ chức Phó Tổng Giám đốc Cao su Phước Hòa – Kampong Thom
- Màu xanh cao su tô thắm tình hữu nghị keo sơn
- Bà Nguyễn Thị Phi Nga – Phó TGĐ thường trực Công ty CPCS Phước Hòa: "6.010ha quy hoạch khu/cụm công ...
- Cao su Phú Riềng: Nhiều thành tích nổi bật
- Giá cao su tăng vọt và dự báo vẫn chưa đạt ‘đỉnh’
- Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Cao su Điện Biên
- Cao su Đồng Nai chú trọng đào tạo cán bộ nông nghiệp
- Thành công từ mô hình nuôi rắn hổ vện