CSVN – Trong nhiệm kỳ vừa qua của Công đoàn Cao su Việt Nam (2018-2023), VRG tiếp tục được Đảng, Nhà nước, Ủy Ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá là một trong những tập đoàn kinh tế lớn mạnh của đất nước, nhiều năm liên tiếp nằm trong nhóm 50 doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam. Đa số đoàn viên, công nhân viên chức và người lao động đoàn kết gắn bó, yêu ngành, yêu nghề và với bề dày truyền thống 94 năm xây dựng, trưởng thành, với đức tính cần cù lao động sản xuất, sẵn sàng vượt qua khó khăn đã tạo nên động lực to lớn góp phần khẳng định vị thế của VRG trong giai đoạn mới.
Tạo việc làm, ổn định cuộc sống cho người lao động
Do tình hình suy thoái kinh tế thế giới chậm hồi phục, thiên tai, đại dịch bệnh Covid -19 và chiến sự giữa Nga và Ukraina đã ảnh hưởng đến kinh tế – xã hội của đất nước, mặt khác do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình hình thời tiết cực đoan, giá bán mủ cao su không ổn định, lượng hàng hóa tồn kho có thời điểm tăng cao; tình trạng thiếu hụt lao động diễn ra trên diện rộng do sự cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp khác trên địa bàn và yếu tố tiền lương, thu nhập thấp cũng tác động rất lớn nên người lao động dịch chuyển từ các công ty cao su sang các khu công nghiệp; đồng thời các đơn vị phải chi một khoản tiền lớn để trả trợ cấp nghỉ việc cho người lao động, làm cho tình hình tài chính càng thêm khó khăn.
Tổng số lao động toàn ngành là 79.671 người, giảm so với đầu nhiệm kỳ là 2.303 người. Về cơ cấu lao động, đã giảm ở lĩnh vực nông nghiệp, tăng ở lĩnh vực công nghiệp. Chất lượng lao động nhìn chung được nâng lên. Tuy nhiên do nhu cầu sản xuất, để bố trí đủ lao động cho các vườn cây mới đưa vào khai thác nên các công ty thu tuyển lao động chủ yếu là người địa phương tại các đơn vị miền núi phía Bắc, hoặc tuyển dụng lao động dân tộc thiểu số vào làm tại các công ty miền Đông Nam bộ, mặc dù được đào tạo tay nghề khai thác mủ nhưng trình độ học vấn của số lao động này còn thấp.
Trong nhiệm kỳ qua, đội ngũ công nhân cao su tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, yêu ngành, yêu nghề, cần cù lao động sản xuất, sẵn sàng vượt qua khó khăn. Đại đa số công nhân lao động, đoàn viên Công đoàn đều tin tưởng vào chủ trương, đường lối và sự lãnh đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tin tưởng vào sự phát triển ổn định, bền vững của Tập đoàn, yên tâm lao động sản xuất, gắn bó với đơn vị.
Các đơn vị vẫn luôn cố gắng tạo đủ việc làm, ổn định cuộc sống cho người lao động. Đối với các công ty trồng và khai thác mủ cao su thực hiện bố trí lại vườn cây, áp dụng linh hoạt các giải pháp để duy trì việc làm thường xuyên, mở rộng phạm vi thu tuyển lao động, tạo các điều kiện thuận lợi để người lao động ở vùng sâu, vùng xa đến làm việc tại các đơn vị khu vực miền Đông Nam bộ. Đối với các công ty thuộc khối sản xuất gỗ, khu công nghiệp đã tích cực tìm kiếm đơn hàng, mở rộng sản xuất thu hút thêm lao động.
Các chế độ chính sách của người lao động được đảm bảo
Công đoàn các đơn vị thường xuyên tuyên truyền, vận động đoàn viên, người lao động thực hành tiết kiệm, tích cực tăng gia sản xuất kinh tế hộ gia đình, thu nhập, đời sống của người lao động có chiều hướng cải thiện đáng kể; đời sống tinh thần của người lao động được duy trì ổn định, các thiết chế văn hóa được đầu tư, nâng cấp, phong trào văn nghệ, thể thao được duy trì thường xuyên từ cấp ngành cho đến cơ sở.
Các chế độ chính sách của người lao động đều được đảm bảo theo quy định của pháp luật lao động và các quy định trong thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) cấp ngành và TƯLĐTT của đơn vị. Người lao động đều được ký kết hợp đồng lao động, được tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật. Tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội hầu như không xảy ra. Các chế độ như khám sức khỏe định kỳ, bồi dưỡng độc hại, ăn giữa ca, tham quan nghỉ mát cho người lao động… đều được các đơn vị duy trì tốt.
Công tác an toàn vệ sinh lao động được Tập đoàn hết sức quan tâm, các công ty đã đầu tư trang thiết bị để cải thiện môi trường làm việc, trang bị bảo hộ lao động cá nhân.
Hầu hết các công ty, đơn vị thành viên đều thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở thông qua tổ chức Hội nghị người lao động, Hội nghị cán bộ công chức, đối thoại định kỳ tại nơi làm việc đã giải quyết kịp thời những vướng mắc, kiến nghị của người lao động, đồng thời người lao động cũng chia sẻ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp, do đó trong nhiệm kỳ qua quan hệ lao động trong doanh nghiệp luôn hài hòa, ổn định và tiến bộ, tình trạng tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể không xảy ra.
Nguyện vọng của công nhân viên chức lao động mong muốn Đảng, Nhà nước, tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp có cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp tiếp tục phát triển kinh tế – xã hội, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng và nâng cao chất lượng đời sống của công nhân viên chức lao động.
P.V
Related posts:
- Cao su Bình Long thu nhập bình quân 6 tháng đầu năm 2024 trên 9 triệu đồng/người/tháng
- Cao su và tôi
- Khối thi đua CĐ Tây Nguyên: Tham quan mô hình sản xuất tại Cao su Chư Păh
- Sôi nổi các hoạt động nhân ngày 20/10
- Cao su Phú Riềng: Ứng dụng công nghệ số nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh
- Tháng công nhân 2017: "Quyền lợi đảm bảo, phúc lợi tốt hơn"
- Cao su Phú Thịnh tổ chức thành công Hội thi Bàn tay vàng 2020
- Mạch nguồn chảy mãi
- Cao su Điện Biên nhất toàn đoàn Hội thao khu vực IV - Miền núi phía Bắc
- Đưa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ sang giai đoạn mới, vì hòa bình và phát triển