CSVNO – Trong dòng chảy vô tận của thời gian, một Ngã ba Đồng Lộc năm xưa mang trên mình đầy những hố bom chi chít, giờ đã thành địa chỉ đỏ chứa đựng những huyền thoại cao quý, linh thiêng – nơi giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc cho muôn đời sau.
Đường ta đi dài theo đất nước
Cách đây hơn nửa thế kỷ, vào thời điểm ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, do thất bại nặng nề trong chiến dịch Mậu thân năm 1968, đế quốc Mỹ đã huy động toàn bộ sức mạnh không quân và hải quân, tập trung đánh vào các đầu mối giao thông quan trọng của ta, nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Đặc biệt, trên các tuyến đường thuộc địa bàn Quân khu 4 và tỉnh Hà Tĩnh là nơi địch tập trung đánh phá ác liệt nhất. Vì thế, chỉ trong một thời gian ngắn, toàn bộ tuyến quốc lộ 1A qua địa bàn Hà Tĩnh đã bị bom đạn Mỹ phá hỏng hoàn toàn. Lúc bấy giờ, mọi sự thông thương từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc, mọi thứ như vũ khí, đạn dược, lương thực thực phẩm của miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam đều phải chuyển qua con đường 15A, là con đường huyết mạch duy nhất để nối liền hai miền Nam Bắc.
Ngã ba Đồng Lộc nằm ở thế độc đạo trên tuyến đường 15 A, nơi có địa hình hết sức phức tạp, hai bên là đồi núi trọc, giữa là con đường chạy qua, chỗ này ví như một lòng chảo, vừa là nơi hứng mưa, vừa là nơi hứng bom đạn. Khi bị bom đạn cày xới, đất đá sẽ lăn hết xuống lòng đường, khi trời mưa thì bùn lầy nhão nhoét, rất khó khắc phục. Từ những đặc điểm trên mà Ngã ba Đồng Lộc đã trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt nhất của đế quốc Mỹ trên toàn tuyến Quân khu IV. Nếu cắt đứt được tuyến đường 15A qua Ngã Ba Đồng Lộc, đế quốc Mỹ có thể chặn đứng được sự chi viện của Miền Bắc cho chiến trường Miền Nam. Vì vậy chúng đã sử dụng một khối lượng bom đạn lớn, tập trung đánh mạnh vào Ngã ba Đồng Lộc ngay từ đầu.
Chỉ tính riêng trong vòng 7 tháng ném bom hạn chế, từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1968, chúng đã đánh vào Ngã Ba Đồng Lộc hơn 2000 trận, ném xuốn đây gần 50.000 quả bom các loại, chưa kể bom bi, rocket và đạn 20mm. Bình quân mỗi tháng chúng đánh 28-30 ngày, ngày đánh nhiều nhất là 103 lần, với trên 800 quả bom các loại. Tính trung bình mỗi mét vuông đất nơi đây đã phải gánh chịu hơn 3 quả bom tấn, mỗi đầu người cũng phải gánh chịu hàng trăm kg bom đạn các loại. Thiệt hại do bom đạn Mỹ gây ra đối với người dân Đồng Lộc và các lực lượng tham gia bảo đảm giao thông vận tải trên địa bàn không có gì có thể so sánh và đong đếm được, trong đó thiệt hại về con người là vô cùng to lớn. Suốt 7 tháng địch ném bom hạn chế, cả vùng đất nhỏ hẹp này đã bị cầy đi xới lại nhiều lần, không có một bóng cây ngọn cỏ nào có thể mọc nổi, chỉ có hố bom chồng lên hố bom. Bằng mọi giá, đế quốc Mỹ muốn biến Ngã ba này thành điểm chết, thành một bãi hoang không bóng người và không một chuyến xe qua.
Bao xương máu để làm nên Đồng Lộc
Với tinh thần quyết chiến và quyết thắng, quân dân Đồng Lộc đã cùng quân dân cả tỉnh Hà Tĩnh tập trung mọi nguồn lực, vượt lên mọi khó khăn gian khổ và bom đạn ác liệt của kẻ thù, bằng mọi giá phải bảo đảm giao thông thông suốt trên tuyến giao thông huyết mạch này để chi viện liên tục, kịp thời cho các chiến trường đánh thắng.
Lực lượng chiến đấu, bảo đảm giao thông vận tải ở Ngã ba Đồng Lộc thời điểm đông nhất lên tới 16.000 người, gồm các đơn vị bộ đội, Thanh niên xung phong, công nhân giao thông, công an, dân công, dân quân du kích…, nhưng lực lượng hùng hậu nhất, đông đảo nhất vẫn là lực lượng thanh niên xung phong. Họ làm việc với tinh thần “sống bám cầu, bám đường”, “chết kiên cường dũng cảm” “Giặc phá ta lại sửa ta đi”… Họ đã hy sinh cả tuổi xuân của mình để hóa thân trên những con đường đi đến tương lai. Còn nhân dân địa phương thì nhường nhà, nhường vườn để làm nơi giấu xe, giấu hàng, nơi cứu thương, có gia đình đã dỡ nhà lấy ván lát đường chống lầy cho xe qua. Mặc dù sống giữa chảo lửa, túi bom, nhưng tình đoàn kết quân dân vẫn thắm đượm; những con người ngày đêm bám đất, bám đường, thường xuyên đối mặt với cái chết, nhưng họ vẫn luôn lạc quan tin tưởng, họ tin rằng ngày mai tổ quốc mình được độc lập, dân tộc mình được tự do.
Cũng chính từ niềm lạc quan tin tưởng đó đã giúp cho quân và dân ta ở ngã ba Đồng Lộc có sức mạnh vô địch để chiến thắng quân thù. Chỉ tính riêng thời điểm quyết liệt nhất từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1968, Hà Tĩnh đã huy động trên 1 triệu ngày công đảm bảo giao thông, đào đắp 110.000m3 đất đá, san lấp hố bom. Riêng nhân dân vùng Ngã ba Đồng Lộc đã đóng góp 185.450 ngày công, có 12.620 lượt người tham gia đào đắp 95.201m3 đất đá làm đường, lấp hố bom, góp 22.348 cọc tre, 24.000 gánh bối chống lầy. Tại mảnh đất này trong những năm tháng ác liệt ấy đã xuất hiện rất nhiều những tấm gương chiến đấu dũng cảm hy sinh như tập thể đoàn Pháo binh 210; Tiểu đoàn 8 pháo cao xạ, bộ địa phương Hà Tĩnh; Tổ máy gạt, xúc Uông Xuân Lý; Tổ máy gạt, cục công trình 1; Đại đội thanh niên xung phong 551, 552, Tổng đội TNXP Hà Tĩnh; Tiểu đội Cảnh sát Giao thông, Công an Hà Tĩnh; công nhân Bưu điện Hà Tĩnh… và những cá nhân tiêu biểu như nữ anh hùng La Thị Tám, anh hùng Nguyễn Tiến Tuẩn, anh hùng Nguyễn Tri Ân, anh hùng Uông Xuân Lý, anh hùng phá bom Vương Đình Nhỏ…
Tất cả các anh, các chị đã làm lên một Ngã Ba Đồng Lộc khí chất hào hùng trong những năm tháng chiến tranh. Nhưng khi nói đến Ngã Ba Đồng Lộc, nói đến sự hy sinh, đau thương mất mát tại Ngã Ba Đồng Lộc không ai không thể không nhắc đến sự hy sinh của hơn 4.000 anh hùng liệt sĩ thuộc các đơn vị bộ đội, TNXP, dân quân du kích, công nhân giao thông, dân công… đã đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng Đồng Lộc. Đặc biệt là sự hy sinh của 10 nữ thanh niên xung phong, thuộc tiểu đội 4, đại đội 552, tổng đội 55 do chị Võ Thị Tần làm tiểu đội trưởng. Các chị hy sinh khi tuổi đời mới mười tám, đôi mươi và vẫn chưa có ai lập gia đình. Mười nữ thanh niên xung phong là mười đóa hoa bất tử. Mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc đã đi vào lịch sử như một dấu ấn hào hùng của tinh thần quả cảm, dám hy sinh vì chính nghĩa, vì độc lập dân tộc, cuộc đời của họ đã trở thành điển tích, huyền thoại khi cả sự sống và cái chết đều mang nét bi tráng của một thiên anh hùng ca bất tử.
Ngã ba Đồng Lộc đã đi vào lịch sử của đất nước, là niềm tự hào không chỉ của người dân Hà Tĩnh, người dân Việt Nam mà còn là niềm tự hào của tất cả những người dân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Đồng Lộc linh thiêng, bất tử đã trở thành ký ức của bao người. Những tấm gương quên mình vì Tổ quốc, mãi mãi được khắc ghi trong tâm khảm của mỗi người dân Việt Nam. Thế hệ hôm nay được sống trong hòa bình hãy luôn hướng về Đồng Lộc như một “địa chỉ đỏ” để tri ân, biết ơn thế hệ đi trước đã hy sinh máu xương, tuổi thanh xuân cho dân tộc, để hiểu được giá trị của độc lập, tự do, để rèn luyện ý chí và nghị lực sống, làm được thật nhiều việc tốt cho quê hương đất nước.
ANH BÌNH
Related posts:
- Xà cạp trong trang phục truyền thống dân tộc H'Mông
- Cây cao su ở Việt Nam dưới góc nhìn Lịch sử - Sinh thái (1897 - 1975): Kiềm chế dịch bệnh
- Các công ty thành viên VRG tại Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ tiếp tục đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh
- Dân vận khéo ở nông trường xã gào
- Cao su Việt Lào tổ chức Hội thi nấu ăn chào mừng 20/10
- Cao su Điện Biên: Đề xuất tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
- Đi để trưởng thành
- Nghĩa tình quân dân những ngày giãn cách
- Công - Nông nghiệp
- Cao su Ea H'leo tổ chức giải quần vợt mừng Đại hội Đảng