CSVN – Anh Nguyễn Mạnh Hùng – phụ trách kỹ thuật NT Bến Củi, Công ty CPCS Tây Ninh là người đam mê sáng tạo, nhiệt huyết với nghề. Anh đã nghiên cứu, tìm ra được nhiều giải pháp, sáng kiến hay, cải tiến nhiều loại máy móc phục vụ cơ giới hóa trong lao động sản xuất. Qua đó, giúp đơn vị giải quyết được bài toán thiếu hụt nhân lực và tiết kiệm chi phí trong công tác trồng, chăm sóc cây cao su.
Anh Nguyễn Mạnh Hùng sinh năm 1991 ở xã Bến Củi, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Lớn lên cùng mảnh đất cao su bạt ngàn, tuổi thơ đã gắn bó với cây cao su. Năm 2014, anh Hùng tốt nghiệp Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh và về làm việc tại NT Bến Củi. Với niềm đam mê sáng tạo, những năm qua, anh Hùng cống hiến nhiều sáng kiến hay, cải thiện công tác trồng và chăm sóc cây cao su. Nổi bật là sáng kiến “Cày ngầm trên đường băng kết hợp lấp hố trước khi trồng mới tái canh” được Tập đoàn công nhận vào năm 2021 và nhân rộng trong toàn ngành.
Qua nhiều năm độc canh cây cao su, đất của NT Bến Củi đang bị thoái hóa nghiêm trọng về kết cấu và dinh dưỡng. Anh Hùng cho biết, thoái hóa đất làm cho hệ rễ sinh trưởng kém, làm giảm năng suất cây trồng nghiêm trọng, ảnh hưởng đến chu kỳ khai thác mủ cao su hiện nay. Do đó, vấn đề đặt ra là cần phải có phương pháp phù hợp cải tạo đất, làm tiền đề để khôi phục năng suất vườn cây.
Để giải quyết vấn đề đó, anh Hùng nảy ra ý tưởng thiết kế máy cày cơ giới có công suất 120 mã lực có gắn dàn cày ngầm gồm 3 trụ cày được lắp với khoảng cách mỗi trụ cách nhau 0,6m. Có thể tuỳ chỉnh theo công suất máy để làm phá vỡ kết cấu đất bị bí chặt với luống cày 2m, trên khung cày kết hợp với 2 chảo cày để vun luống tơi xốp trước khi trồng. Anh Hùng chia sẻ, máy cày được anh thiết kế từ dạng máy cày ngầm dùng trong canh tác mía, mì.
Do cây cao su cần có tầng đất sâu để bám và nhận dinh dưỡng nên máy cày phải có công suất lớn hơn để cày sâu hơn, làm vỡ tầng đất mặt và tầng đế cày bị nén chặt từ nhiều năm, hình thành mao quản, tăng độ thông thoáng cho đất, bảo đảm môi trường tối ưu cho rễ cây phát triển tốt, nhất là rễ cọc có thể đâm sâu vào đất giúp cho cây đứng vững. Khi bộ rễ phát triển tốt thì cây sẽ hấp thu dinh dưỡng tối ưu làm tăng hiệu quả sử dụng phân bón.
Phương pháp “Cày ngầm trên đường băng kết hợp với lấp hố trước khi trồng mới tái canh” khi đưa vào áp dụng còn tiết kiệm được cho NT hơn 2,2 triệu đồng/ha; làm lợi cho công ty hơn 250 triệu đồng. Với hiệu quả thiết thực, sáng kiến của anh Nguyễn Mạnh Hùng được VRG áp dụng rộng rãi ở các công ty thành viên trong và ngoài nước.
PHƯƠNG UYÊN
Related posts:
- Hội Doanh nhân trẻ và Đoàn Thanh niên VRG tặng quà công nhân Cao su Bình Thuận
- Đoàn Thanh niên VRG tặng quà Xuân biên giới
- Nhiều hoạt động chào mừng Đại hội Đảng
- "Các đơn vị cần quan tâm hơn nữa hoạt động Đoàn trong năm 2015"
- Xung kích trong phong trào Luyện tay nghề - Thi thợ giỏi
- Đoàn TN Cao su Quảng Trị tham gia chương trình “Hoa dâng mộ liệt sỹ”
- Đoàn Thanh niên VRG đón nhận Huân chương Lao động hạng 3
- ĐTN Cao su Bà Rịa: Trao thưởng Cuộc thi viết về biên giới
- 15 Đoàn cơ sở tham gia Ngày hội Văn hóa Thể thao 2014
- Tuyên dương những tấm gương thanh niên xuất sắc của VRG