CSVNO – Ngày 5/5 vừa qua, chị Phạm Thị Ánh – công nhân Tổ 1, khu vực 3, Nông trường Gò Dầu, Cao su Tây Ninh vinh dự được Công đoàn Cao su Việt Nam trao tặng danh hiệu “Công nhân Cao su Việt Nam ưu tú”. Đó là phần thưởng cho quá trình lao động xuất sắc, có nhiều đóng góp cho nông trường, công ty và ngành cao su.
Cái nôi gia đình 4 thế hệ làm cao su
Chị Phạm Thị Ánh sinh năm 1982 trong một gia đình truyền thống 4 đời làm công nhân cao su. Từ bà cố, bà ngoại, mẹ đến chị, 4 thế hệ đều là những công nhân xuất sắc, lao động cần cù. Chị Ánh chia sẻ: “Từ khi lên 10 tuổi, mỗi ngày, tôi đều theo chân mẹ vào vườn cây, phụ mẹ trút mủ. Tuổi thơ gắn với vườn cây, được nghe bà, mẹ kể chuyện về cao su, về những công nhân cao su Việt Nam siêng năng, cần cù. Điều đó làm tôi yêu mến cao su, yêu mến công việc cạo mủ và cố gắng học hỏi, phấn đấu để nối nghiệp gia đình trở thành một người công nhân tay nghề xuất sắc”.
Đến năm 2005, chị Ánh chính thức xin học, thi tuyển ở Nông trường Gò Dầu và chính thức trở thành công nhân cao su thế hệ thứ tư của gia đình. Từ khi vào làm cao su, chị luôn chú trọng rèn luyện tay nghề, đảm bảo quy trình kỹ thuật, đồng thời chăm chỉ học hỏi từ anh chị đồng nghiệp, nhờ vậy tay nghề chị luôn đạt loại giỏi.Bên cạnh đó, với sự cần cù, chăm chỉ, chị Ánh luôn đảm bảo đi cạo đều đặn, đủ ngày công. Không những vậy, chị còn đăng ký cạo choàng, cạo thêm khi anh chị em có việc bận, ốm đau. Nhờ vậy, năng suất, sản lượng của chị luôn đảm bảo, hàng năm đều hoàn thành vượt mức kế hoạch sản lượng của mình. Năm 2021, chị thực hiện vượt kế hoạch sản lượng 17,5%, năm 2022 chị vượt đến 45,9 % sản lượng nông trường giao.
Năng nổ trong mọi hoạt động của đơn vị
Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, chị Ánh luôn chấp hành tốt mọi chủ trương chính sách, nội quy, quy chế của công ty và nông trường đề ra; có lối sống giản dị, hòa đồng với mọi người; luôn nêu cao tinh thần học hỏi, sẵn sàng giúp đỡ anh chị em trong tổ về chuyên môn và các hoạt động, gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua tại đơn vị; tham gia sôi nổi nhiệt tình các phong trào VHVN-TDTT mà nông trường, công ty tổ chức. Nhiều năm liền, chị Ánh nằm trong đội bóng chuyền của nông trường thi đấu hội thao công ty và đạt giải cao. Không chỉ vậy, chị Ánh còn nhiều lần được nhận bằng khen của Hội Chữ thập đỏ Tây Ninh vì năng nổ tham gia hiến máu nhân đạo. “Mình có nhóm máu hiếm, mọi người rất cần nên mình đi hiến máu để giúp người, có năm mình hiến máu đến 3 lần, đó là một việc nên làm”, chị Ánh chia sẻ. Khi được hỏi về chế độ đãi ngộ và sự gắn bó với ngành, chị Ánh không ngần ngại cho biết, dù hiện nay ngành cao su đang gặp khó khăn, lương không được cao như ngày xưa, nhưng như vậy là quá tốt rồi. Các chế độ, chính sách của mình đều được công ty thực hiện đầy đủ, có cả tiền ăn giữa ca, trợ cấp độc hại, tiền thưởng… Nếu so với đi làm công nhân xí nghiệp thì có cực hơn một tí nhưng bù lại thu nhập ổn định, anh chị em công nhân cao su hiền hòa.
Hiện tại, ngoài đi cạo, gia đình chị Ánh còn nuôi thêm bò và trồng thêm 300 gốc cao su tự cạo kiếm thêm thu nhập. Với chị Ánh, gia đình chị 4 đời làm công nhân cao su, cao su không phụ người, cho mủ, đảm bảo cuộc sống, vậy nên chị sẽ cố hết sức lao động, bám vườn cây, góp một chút sức lực đưa ngành cao su ngày càng phát triển.
ĐÀO PHONG
Related posts:
- Phạm Thị Luyến - Không ngừng rèn luyện để trưởng thành
- Màu xanh cao su tô thắm tình hữu nghị keo sơn
- Công nhân cao su phải thấm nhuần truyền thống cách mạng
- Cao su Phước Hòa tổ chức Hội nghị Triển khai công tác bảo vệ tài sản và giữ gìn an ninh trật tự
- Người tổ trưởng "số đỏ"
- Đoàn kết xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh
- Cao su Việt Lào chia cổ tức 8,1%
- Cao su Chư Sê hoàn thành vượt mức kế hoạch
- Hội thi Bàn tay vàng: Chất xúc tác để thợ giỏi thăng hoa
- Kỳ tích Lê Thị Lệ