Cao su Quasa – Geruco: xanh thẳm tình hữu nghị

CSVN – Hơn 7.300 ha cao su xanh mướt trải dài tít tắp trên địa bàn 3 huyện Phìn, Noong và Sepon của tỉnh Savannakhet, Cộng hòa DCND Lào là thành quả ấn tượng của Công ty CPCS Quasa – Geruco sau 17 năm xây dựng, ổn định và phát triển. Những thành quả công ty có được như ngày hôm nay là kết quả của một quá trình nỗ lực, vượt khó của tập thể NLĐ qua các thời kỳ.

Lãnh đạo Công ty CPCS Quasa – Geruco thăm hỏi công nhân tại lô cao su. Ảnh: Vũ Phong
Hành trình “nếm mật nằm gai”

Dòng sông Sepon hiền hòa len lỏi giữa rừng cao su xanh bạt ngàn ở vùng đất cằn cỗi, nổi tiếng khắc nghiệt của miền Trung Lào – Savannakhet, giờ đây rộn rã tiếng cười ấm no, đủ đầy của người dân trong vùng dự án cao su của Công ty CPCS Quasa – Geruco. Nơi ấy có những người gắn bó từ những ngày đầu khai hoang, ươm mầm, chăm bón đến khi cây cao su vững vàng với dòng nhựa trắng dâng đời. 17 năm về trước, thực hiện chủ trương hợp tác đầu tư giữa 2 nước Việt Nam – Lào, Công ty CPCS Quasa – Geruco được thành lập vào tháng 9/2006, là đơn vị đầu tiên của Việt Nam đầu tư phát triển cao su tại Trung Lào – khu vực khó khăn về thổ nhưỡng, khí hậu, nơi chỉ có nắng lửa và gió bụi.

Nhớ lại quãng thời gian khắc nghiệt khai hoang trồng mới cao su, anh Trần Văn Lý – Giám đốc NT 2, tâm sự: “Tôi vẫn nhớ như in ngày đầu đặt chân lên vùng dự án với cái nắng bỏng rát, những ngày tháng ở sâu trong rừng cùng người Lào với mật độ làm việc dày đặc. Ban ngày thì trèo đèo, lội suối, băng rừng, dầm mình dưới cái nóng bỏng da để khai hoang, cắm mốc, vạch đường ranh. Ban đêm thì cùng bộ đội đi tuyên truyền, vận động người dân bản địa. Lúc đó người Lào chưa tin tưởng, chưa biết gì về cây cao su, cứ sáng đi làm thì chiều phải nhận lương. Từ từ mình tuyên truyền, vận động 1 tuần phát lương 1 lần, rồi nửa tháng đến 1 tháng”.

“Dân cư thưa thớt, điều kiện cơ sở hạ tầng hầu như chưa có gì, ngôn ngữ khác biệt, khí hậu thổ nhưỡng khắc nghiệt… Chúng tôi ở sâu trong rừng, mùa mưa thì hứng nước sử dụng, ở trong những lán trại tạm bợ, mắc võng ngủ, muỗi cứ vo ve suốt ngày. Hầu hết anh em đều nhiễm bệnh sốt rét rừng, sốt cao mê man, người xanh mét như tàu lá chuối… Đó chỉ là một phần nhỏ trong rất nhiều rào cản khi triển khai thực hiện dự án” – anh Trần Văn Lý, chia sẻ.

“Quả ngọt” trên vùng đất cằn cỗi

Chinh phục biết bao khó khăn, trở ngại, từ một vùng đất hoang vu, rừng nghèo kiệt, Công ty CPCS Quasa – Geruco đã gầy dựng được một cơ ngơi rộng lớn với hàng ngàn ha cao su xanh thẳm. Năm 2014, công ty đón dòng nhựa trắng đầu tiên. Để phục vụ cho công tác chế biến mủ cao su, năm 2017, công ty xây dựng nhà máy chế biến mủ SVR 10 giai đoạn 1 và giai đoạn 2 năm 2021 với tổng công suất 15.000 tấn/ năm. Trong năm 2022, công ty đã đạt được chứng chỉ ISO/IEC 17025:2017. Từ 2021 đến nay công ty đã có lợi nhuận.

Nhờ công tác chăm sóc, quản lý và tổ chức tốt vườn cây, sản lượng khai thác và năng suất vườn cây của công ty luôn được cải thiện, năm sau cao hơn năm trước. Năm 2022, với 5.416 ha cao su kinh doanh, công ty khai thác được 8.670 tấn mủ (vượt 4,5% kế hoạch Tập đoàn giao), 2 năm liền là thành viên Câu lạc bộ 2 tấn/ha của Tập đoàn. Công ty đã thu mua 6.244 tấn mủ (vượt 11,5% kế hoạch); chế biến hơn 15.050 tấn mủ (vượt 4% kế hoạch); tiêu thụ 15.227 tấn (vượt 9% kế hoạch). Tổng doanh thu 186 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế hơn 46,2 tỷ đồng.

Song song với hoạt động SXKD, công ty đặc biệt chú trọng đến các hoạt động chăm lo đời sống tinh thần và vật chất cho NLĐ. Hiện nay, công ty có tổng số lao động là 895 người, trong đó, trên 87% là lao động người bản địa. Tiền lương bình quân hơn 6,2 triệu đồng/người/tháng (do chênh lệch tỷ giá). Năm 2022, công ty chi 2,42 tỷ đồng đóng đúng, đầy đủ,

kịp thời chế độ chính sách cho NLĐ theo đúng quy định pháp luật Việt Nam và Lào. Công ty đã cấp phát hàng bảo hộ lao động cho NLĐ với tổng giá trị trên 1 tỷ đồng.

100% NLĐ trực tiếp trên vườn cây là người Lào, công ty xác định đây là nguồn lao động là nhân tố quyết định vào sự thành công của dự án, có đóng góp tích cực cho việc thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hàng năm của đơn vị, do đó, công ty đặc biệt quan tâm đến lực lượng lao động bằng những chính sách, chế độ và đãi ngộ tốt nhất cho NLĐ.

Nhà máy chế biến mủ cao su Sepon, cách cửa khẩu Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị) 9 km. Ảnh: Vũ Phong
Hỗ trợ địa phương thay màu áo mới

Rảo bước dưới những tán cao su rực nắng đang mùa thay lá, cùng nụ cười rạng rỡ của người thợ cạo, ông Somsanouk Phetsomphou – Phó Huyện trưởng huyện Phìn, tỉnh Savannakhet, Cộng hòa DCND Lào, chia sẻ: “Từ khi có cây cao su, người dân ở đây có thu nhập ổn định, cuộc sống đủ đầy. Mức lương bình quân của công nhân gần 300 USD/người/tháng, cao hơn mặt bằng chung tại địa phương. Ngoài tiền lương, công ty còn cấp thêm gạo, thăm hỏi, tặng quà nhân dịp lễ Tết và khám sức khỏe định kỳ cho công nhân. Bên cạnh đó, công ty luôn tích cực hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và tham gia nhiều chương trình từ thiện xã hội. Góp phần làm thay đổi tập quán du canh, du cư của người dân, mang lại sắc thái, diện mạo mới cho địa bàn dân cư quanh vùng dự án. Vì vậy, người dân ở đây rất phấn khởi và kỳ vọng vào cây cao su”. Giờ đây cao su đã phủ xanh vùng đất hoang hóa, bản làng khoác áo mới, bà con bản địa đã có cuộc sống ổn định hơn khi vừa làm công nhân cao su vừa phát triển kinh tế gia đình. Dự án cao su của công ty tại vùng biên giới, vùng sâu vùng xa hẻo lánh đã góp phần ổn định, nâng cao đời sống của người dân ở các vùng khó khăn. Đóng góp rất nhiều, rất có ý nghĩa để phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Với mục tiêu duy trì ổn định sản xuất, phát huy tiềm năng, lợi thế của công ty, gắn phát triển kinh tế với quốc phòng, bảo vệ môi trường; năm 2023, công ty phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kế hoạch Tập đoàn giao: sản lượng khai thác 9.200 tấn, thu mua 6.500 tấn, chế biến 15.700 tấn, tiêu thụ 15.700 tấn. Tổng doanh thu hơn 573 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế gần 60 tỷ đồng. Tiền lương bình quân 7,8 triệu đồng/người/tháng.

17 năm của hành trình đi mở đất, trải qua biết bao cảnh nếm mật nằm gai, qua bao gian khổ nhưng bằng ý chí, khát vọng, người cao su đã viết nên khúc ca khải hoàn, biến những vùng đất hoang hóa, khô cằn thành các khu dân cư quần tụ “đất lành chim đậu”. Thành quả đạt được là nền tảng, động lực để tập thể CB.CNV LĐ Công ty CPCS Quasa – Geruco tiếp tục ra sức thi đua lao động sản xuất, đoàn kết một lòng xây dựng đơn vị ngày càng phát triển, vươn tầm cao mới.

TRẦN HUỲNH