CSVN – Tạm gác lại cái không khí Tết, cái hương vị xuân còn đọng lại trên mùi lá mới xanh mơn mởn; tạm quên bầu không khí hăng say lao động mùa nước rút chạy đua sản lượng để về đích, bởi những chiếc lá cuối mùa đã rụng, cũng là lúc công nhân cao su được nghỉ cạo và tranh thủ kiếm việc làm thêm để kiếm thêm ít tiền trang trải cuộc sống trong 2 tháng mùa khô.
Có thêm ít tiền trang trải cuộc sống
Ngoài công việc tăng gia sản xuất phát triển kinh tế phụ gia đình, thời gian này công nhân cao su tranh thủ rảnh rỗi đi tìm việc làm thêm. Theo từng khu vực định cư, ở tỉnh Gia Lai vào mùa khô cũng là vào mùa tưới cà phê và hái hồ tiêu. Nên vào thời điểm này đi đâu cũng bắt gặp hình ảnh những người công nhân tìm việc làm thêm. Người thì đi hái tiêu, người thì cắt cành ở mấy đồi cà phê, nhóm thì rủ nhau đi hái chanh dây, hái ớt… Bên cạnh đó không ít người lại rủ nhau làm việc tạm thời ở công ty chuối của doanh nghiệp Hoàng Anh Gia Lai…
Gặp anh Nguyễn Đình Thạch – công nhân Nông trường Đoàn Kết (Công ty Cao su Mang Yang) nghe anh tâm sự trong lúc đang làm việc ở rẫy cà phê, được biết vợ chồng anh đều làm công nhân nuôi 4 con đang tuổi ăn học. Cháu đầu hiện là sinh viên Khoa Công nghệ thông tin một trường đại học tại TP.Hồ Chí Minh. Ngoài việc mỗi tháng gửi tiền chu cấp cho cháu anh chị còn phải lo các con ở nhà. “Vợ chồng mình phải kiếm việc làm thêm, như đi tưới rẫy cà phê, tiền công mỗi ngày đêm được 700 ngàn đồng. Công việc tuy vất vả nhưng cũng có thêm ít tiền lo cho con ăn học và trang trải chi tiêu trong gia đình. Mùa này lương không có mà cả nhà mấy miệng ăn, chỉ mong sao đừng ốm đau bệnh tật là vui rồi”, anh Thạch trải lòng.
Thời điểm này ở Tây Nguyên công việc rất đa dạng, đủ các ngành nghề, tùy theo sở thích và sức khỏe của từng người mà chọn việc phù hợp. Và đương nhiên tiền công của mỗi việc cũng khác nhau, thông thường mức giá công giao động từ 180 – 200 ngàn đồng/ngày. Nhưng không phải công việc nào cũng dễ dàng, với thời tiết nắng nóng của Tây Nguyên vào mùa khô để có được số tiền đó họ phải làm liên tục từ 7-8 tiếng một ngày. Sáng làm từ 7h- 11h30phút, chiều từ 13h – 16h30phút, cũng có chỗ chủ nhà dễ tính cho nghỉ sớm hơn 30 phút.
Mong giá mủ nhích lên
Chị Đặng Thị Toàn – công nhân cạo mủ Tổ 4, Nông trường K’Dang, Cao su Mang Yang cho biết, đi cạo mủ tuy thức khuya dậy sớm nhưng còn có thời gian nghỉ ngơi, nếu cần cù siêng năng nhận thêm phần cây trống thu nhập cũng ổn định. Chỉ mong giá mủ nhích lên để đời sống người lao động trong ngành “dễ thở” hơn.
“Vào những tháng mùa khô thế này, nghỉ cạo không có lương, biết bao nhiêu khoản phải lo, nào là tiền học phí cho con, chi phí thường ngày, tiền bảo hiểm phải đóng nữa… Nên nghỉ Tết xong vài ngày là công nhân chúng tôi ai nấy đều lo đi tìm việc làm thêm kiếm tiền chi tiêu. Làm cả ngày nắng nôi, cầm tiền công mà mồ hôi ướt đẫm áo”, chị Toàn vừa lấy tay lau những giọt mồ hôi trên khóe mắt vừa bộc bạch.
Khi những cơn mưa đầu tiên trút xuống báo hiệu một mùa khai thác mới, những người công nhân về lại với công việc của mình, gắn bó với vườn cây, với những công việc thường nhật của người thợ khai thác. Nhìn những giọt mồ hôi ướt đẫm lưng trong nắng chiều gay gắt trên những sườn đồi cà phê, những rẫy tiêu, vườn ớt… chúng tôi đọc được đâu đó trên khuôn mặt rám nắng những mong muốn một sự đổi thay hay vì một điều gì đó mát mẻ hơn.
ĐỖ THỊ NGUYÊN
(Cao su Mang Yang)
Related posts:
- Cao su Ea H’leo tổ chức Giải bóng đá mini nam thanh niên
- 16 đơn vị tham gia Hội diễn khu vực II
- Kinh tế khủng hoảng toàn cầu và công ước 1934 (tt)
- Thú vị cà phê ngắm máy bay !
- Bão hãy né cao su
- Đón đọc Tạp chí Cao su Việt Nam Xuân Nhâm Dần 2022
- Ngày hội
- Tập đoàn NextTech trao tặng trường mầm non trị giá 500 triệu cho Binh đoàn 15
- Trở về
- Cao su Chư Prông: Tổ chức giải bóng đá mừng ngày doanh nhân