CSVN – Khu vực Campuchia hiện có hơn 87.546 ha cao su, năm 2023, có 6/16 công ty (Cao su Chư Sê – Kampong Thom, Tân Biên – Kampong Thom, Chư Prông – Stung Treng, Krông Buk – Ratanakiri, Hoàng Anh Mang Yang K, Vketi) phun phòng bệnh phấn trắng với tổng diện tích hơn 24.396 ha (27,9% tổng diện tích). Kết quả, vườn cây có bộ lá chắc khỏe và hứa hẹn cho năng suất cao.
Phun phòng bệnh 100% diện tích vườn cây
Năm 2022 vừa qua, trong giai đoạn vườn cây thay lá sinh lý, gặp điều kiện thời tiết bất lợi (sương mù nhiều, độ ẩm không khí cao), toàn bộ diện tích vườn cây của Công ty CPCS Chư Sê – Kampong Thom đều bị phấn trắng với tỷ lệ bệnh 100%, chỉ số bệnh 81,18%, cấp bệnh chủ yếu cấp 4, cấp 5. Vườn cây rụng lá 4 lần, đặc biệt vườn cây 2010, 2011 tuổi cạo 5, tuổi cạo 6 (giống PB 260) bị nhiễm bệnh rất nặng (cấp 5). Ngoài ra tại vườn cây NT 6, 7, 8 ghi nhận bệnh đốm tròn gây hại trên tổng diện tích 1.474 ha.
Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác tổ chức, điều hành sản xuất và đặc biệt công tác thực hiện kế hoạch sản lượng Tập đoàn giao trong năm 2022. Các vườn cây bị phấn trắng nặng phải đưa vào khai thác trễ hơn các vườn cây khác từ 20 – 30 ngày, năng suất sản lượng mủ bị ảnh hưởng rất lớn.
Chính vì vậy trong mùa cao su thay lá năm 2023, công ty đã tổ chức phun phòng trị bệnh phấn trắng toàn bộ 16.268,68 ha vườn cây cao su. Đây cũng là lần đầu tiên công ty tổ chức phun phòng trị bệnh phấn trắng. Công ty đã mua 32 máy phun và tổ chức phun khi số cây trên vườn có ít nhất 30% đang nhú mầm và từ 15 – 20% có lá non giai đoạn nhú chân chim, lá chưa nhiễm bệnh hoặc nhiễm bệnh ở mức rất nhẹ (cấp 1). Tổng thời gian phun là 25 ngày (25/01 – 19/02/2023), buổi sáng tổ chức phun từ 4h30 – 10h, buổi chiều từ 15h00 – 22h (trên 10 tiếng/ngày). Năng suất máy phun gần 59 ha/ngày/máy.
“Về hiệu quả phun thuốc, đến nay hầu hết các diện tích đã được phun không xuất hiện bệnh phấn trắng, kích thước lá to, tán lá dày, sum suê, mật độ lá chiếm trên 95 – 100%. Một số diện tích sau khi phun đợt 1 tại NT 2, NT 3 vào ngày 6/2 và NT 4 ngày 8/2 xuất hiện phấn trắng mức độ nhẹ (cấp 1). Sau khi phát hiện đã tiến hành phun trị và theo dõi hàng ngày. Đến nay bệnh đã được kiểm soát tốt” – ông Lê Trung Kiên – Phó TGĐ Công ty CP Cao su Chư Sê – Kampong Thom, nhận định.
Năng suất cao hơn từ 10 – 15% khi phòng, trị bệnh
Công ty TNHH Vketi quản lý hơn 3.833 ha cao su kinh doanh, năm trồng từ 2010 đến 2014, các giống chủ yếu là RRIV 124 và BP 260 rất mẫn cảm với các loại bệnh hại, đặc biệt là bệnh phấn trắng diễn ra trong mùa cao su thay lá. Nhận thức rõ nguy cơ vườn cây có thể bị các bệnh về lá như phấn trắng, héo đen đầu lá… làm ảnh hưởng đến năng suất trên các nhóm vườn cây, ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch sản lượng trong năm. Vì vậy, ngay từ đầu mùa cao su thay lá năm 2022, công ty đã chủ động phun 337 ha phòng trị bệnh phấn trắng và năm 2023 đã phun hơn 700 ha vườn cây.
Ông Nguyễn Trường Giang – TGĐ Công ty TNHH Vketi, chia sẻ: “Khi vườn cây bắt đầu ra lá chân chim, công ty khoanh vùng những diện tích dễ bị nhiễm bệnh phấn trắng để tiến hành phun phòng trị. Về công tác phun, công ty áp dụng phương pháp 4 đúng. Đó là, đúng thuốc: sử dụng các công thức thuốc được khuyến cáo, pha với chất bám dính BDNH 2000 nồng độ 0,2%, thuốc đơn vị sử dụng là Hexin 5SC nồng độ 0,2%, phun lần 2 có kết hợp với phân bón lá Komix. Đúng lúc: Thời điểm phun thuốc lần đầu khi bệnh còn ở mức nhẹ – trung bình. Công ty tiến hành phun tại thời điểm mới phát hiện bệnh: nên phun thuốc khi vườn cây ở mức nhẹ. Đúng cách: phun phủ đều toàn bộ tán lá, phun thuốc trong khoảng thời gian có nắng ráo. Thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, không phun thuốc trong giai đoạn mưa dầm, áp thấp hoặc ảnh hưởng của bão. Phun thuốc 02 – 03 lần cách nhau từ 10 – 14 ngày tùy theo mức độ bệnh và thời tiết. Đúng liều lượng: đảm bảo lượng dung dịch thuốc 500 – 750 lít/ha phun phủ đều trên tán lá”.
Kết quả phun phòng trị bệnh phấn trắng trên vườn cao su kinh doanh có hiệu quả cao cả về phương diện kỹ thuật và kinh tế. Trong suốt quá trình ra lá mới, bệnh luôn ở mức rất nhẹ với cấp bệnh < 1; phiến lá to, dày; mật độ tán lá tăng nhanh, che phủ cao và sớm ổn định. Trong khi các vườn cây không được phòng trị, bệnh luôn ở mức nặng (cấp bệnh từ 3,5 – 4), mật độ tán lá chỉ đạt 55 – 69% ở thời điểm mở cạo, phiến lá bị biến dạng và tồn tại nhiều vết bệnh loang lổ. Vườn cây được phòng bệnh tốt có năng suất thực thu cao hơn vườn cây không phòng trị bệnh (tỷ lệ tăng từ 10 – 15%).
Bộ lá chắc khỏe, ổn định
Ở Công ty CPCS Hoàng Anh Mang Yang K, ông Đỗ Vinh Quang – Phó TGĐ công ty, cho biết: “Năm ngoái công ty đã phun phòng bệnh phấn trắng 1.000 ha vườn cây cao su và nhận thấy hiệu quả rõ rệt. Sau khi phun vườn cây không còn xuất hiện bệnh nấm hồng, bệnh rụng lá mùa mưa, giảm hẳn bệnh Botryo. Bộ lá chắc khỏe, xanh tươi. Chính vì vậy, năm 2023, công ty đã tiến hành phun phòng bệnh phấn trắng kết hợp phân bón lá Komix cho 5.800 ha vườn cây khai thác (chiếm 87% diện tích vườn cây)”.
Công ty CPCS Chư Prông – Stung Treng cũng vừa phun 627 ha và Công ty CPCS Krông Buk – Ratanakiri vừa phun 800 ha trong tháng 2 vừa qua. “Đến nay, vườn cây đã ổn định lá. So với mọi năm, thì năm nay bộ lá vườn cây đẹp đều không ảnh hưởng dịch bệnh. Hiện nay, thời tiết rất thuận lợi cho bộ lá sinh trưởng phát triển tốt trước khi vào mùa cạo mới” – Ông Nguyễn Hữu Cảnh – Phó TGĐ Công ty CPCS Krông Buk – Ratanakiri, chia sẻ.
Những năm vừa qua, tình hình vườn cây của Công ty CPCS Tân Biên – Kampong Thom nhiễm bệnh phấn trắng tương đối nhẹ, không ảnh hưởng đến năng suất sản lượng nên công ty chưa tổ chức phun phòng bệnh. Năm 2023, công ty tổ chức thử nghiệm phun phòng bệnh phấn trắng khoảng 200 ha vườn cây kinh doanh. “Qua kiểm tra thực tế, 200 ha diện tích có phun phòng bệnh bộ lá sạch bệnh, phát triển xanh tốt và có sự khác biệt so với diện tích không phun, để so sánh được hiệu quả kinh tế cụ thể thì cuối năm nay công ty sẽ thống kê năng suất sản lượng” – ông Nguyễn Toàn Thắng – Phó TGĐ công ty, cho biết.
Theo ghi nhận, 10 công ty còn lại ở khu vực Campuchia không tiến hành phun phòng bệnh phấn trắng do vườn cây không nhiễm bệnh và thời tiết khí hậu thuận lợi trong giai đoạn vườn cây thay lá sinh lý, nên bộ lá rụng nhanh và ra lá đồng loạt ổn định. 6 công ty phun phòng bệnh đều cho thấy hiệu quả thiết thực, bộ lá chắc khỏe và năng suất cao.
TUỆ LINH
Related posts:
- Nhiều tham luận có giá trị tại Hội nghị nông nghiệp Cao su Sa Thầy
- VRG triển khai sản xuất mủ SVR 10 mix trên địa bàn Tây Nguyên
- “Ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số tại VRG để nâng cao hiệu suất hoạt động”
- 4 công nhân nhận giải Cao su Việt Nam: Có nhiều sự cống hiến cho sự phát triển của ngành
- Hoạt động Đoàn Thanh niên VRG 6 tháng đầu năm: Đẩy mạnh các hoạt động tình nguyện
- Sáng kiến lấy mủ sớm, tạo tính chủ động trong công việc
- "Phải thực sự thương công nhân, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với công nhân"
- 4 giải pháp cho nông nghiệp Tây Nguyên
- Trồng đúng giống + Chăm sóc tốt = Cao su vẫn có lãi
- Cao su Chư Prông đảm bảo cây giống chất lượng cho vụ trồng mới