CSVN – Nông trường Dục Nông (Cao su Kon Tum) hiện đang quản lý 1.220 ha cao su với gần 1.500 lao động, chủ yếu là mô hình nhận khoán và liên kết. Tuy 2 mô hình này đã phát huy hiệu quả với nhiều tổ sản xuất trên 2 tấn/ha, nhưng để giữ vững sự ổn định và nâng cao hơn nữa thì cần phải có những giải pháp mới.
Nhiều năm dẫn đầu công ty về năng suất, sản lượng
Với diện tích lớn, cao trình phù hợp để cây cao su phát triển và cho mủ, Nông trường Dục Nông luôn là đơn vị dẫn đầu về năng suất và sản lượng của Cao su Kon Tum, đặc biệt là giữ vững danh hiệu thành viên CLB 2 tấn/ha gần 10 năm qua.
Nông trường là hình mẫu điển hình hội tụ cả 3 mô hình mà công ty quản lý, trong đó mô hình hộ nhận khoán chiếm gần 60% và liên kết chiếm khoảng 39% diện tích; lao động 100% là đồng bào dân tộc thiểu số.
Anh Trần Thái Sơn – Giám đốc nông trường cho biết: “Hiện nay, lực lượng lao động có tay nghề cao giờ đã lớn tuổi, một số hộ đi làm ăn xa ở các khu công nghiệp phía nam nên không bố trí được lao động cạo mủ. Trong khi đó, đối với mô hình liên kết diện tích khá manh mún, địa hình chủ yếu là đồi dốc, tỷ lệ diện tích/hộ thấp với 0,56 ha/hộ. Trong nông trường vẫn còn một số diện tích có năng lực vườn cây yếu cần phải khắc phục…”.
Tuy vậy, với sự quyết tâm và đề ra các giải pháp hợp lý nông trường đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Cụ thể, năng suất toàn nông trường năm 2022 đạt trên 1,8 tấn/ha. Trong đó, mô hình hộ nhận khoán đạt hơn 1,9 tấn/ha, hộ liên kết đạt 1,6 tấn/ha.
Đề ra nhiều giải pháp để giữ vững ổn định về năng suất
Theo anh Sơn, để đạt được năng suất vườn cây như hiện nay nông trường đã áp dụng nhiều giải pháp, cụ thể là chủ động trong công tác phòng trị phấn trắng, đưa vườn cây vào khai thác đúng thời gian.
Cùng với đó, nông trường đã tổ chức đào tạo, tập huấn tay nghề kỹ thuật cho NLĐ, uốn nắn ngay trên vườn cây lúc NLĐ đi cạo mủ, kiểm tra dao cạo và nhắc nhở các hộ mài dao đúng kỹ thuật…. trang bị vật tư đầy đủ, mái che mưa trên toàn bộ diện tích đảm bảo cạo hiệu quả trong những ngày mưa.
Ban lãnh đạo nông trường cũng tích cực tìm kiếm nguồn lao động để bố trí hết phần cây cạo, vận động NLĐ nhận thêm vườn cây. Đồng thời, tổ chức cạo bù đối với lao động nghỉ cạo ngày hôm trước. Thường xuyên theo dõi thời tiết để tổ chức cạo bù trước hoặc sau những ngày thời tiết mưa bão đảm bảo không để NLĐ thiếu lát cạo trong năm. Mặt khác, đề ra nội quy chăm sóc và khai thác trên cơ sở hợp đồng liên kết khoán để có chế tài xử phạt và khen thưởng.
Để thực hiện được nhiệm vụ đặt ra, anh Sơn cho rằng, đơn vị cần kiện toàn và củng cố, sắp xếp lực lượng tổ trưởng, bảo vệ phù hợp theo yêu cầu nhiệm vụ sản xuất. Có chế tài khen thưởng, xử phạt kịp thời. Hạn chế thấp nhất việc thất thoát vật tư sản phẩm bằng việc thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác trực gác của tổ trưởng và bảo vệ trên lô, luôn đồng hành với NLĐ trong quá trình cạo và trút vét mủ.
Phối hợp, giữ mối quan hệ mật thiết với các cấp chính quyền địa phương nơi đơn vị đóng chân để tranh thủ sự giúp đỡ, ủng hộ trong quá trình triển khai các nhiệm vụ sản xuất và tuyên truyền vận động NLĐ thực hiện tốt hợp đồng khoán, liên kết.
GIA LINH
Related posts:
- Người sống trọn đời cho sự nghiệp phát triển cao su
- Vụ người dân lấn chiếm đất trái pháp luật tại Công ty CS Hương Khê - Hà Tĩnh: Cần thi hành án để đảm...
- Cao su Quảng Trị ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão Yagi 100 triệu đồng
- Trên lô ngày giãn cách
- Bộ Chỉ huy quân sự Bà Rịa – Vũng Tàu tặng quà cho người lao động Cao su Bà Rịa
- Giá cao su thấp, trộm mủ giảm hẳn
- Các công ty cao su khu vực Campuchia: Góp phần gia tăng hiệu quả của VRG
- 11 đơn vị tham gia giải bóng đá U13 Cao su Bình Long
- Các đơn vị miền núi phía Bắc sẽ hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất kinh doanh
- Cao su Phú Thịnh xuất sắc "lên ngôi" tại Hội thi Bàn tay vàng năm 2022