(Tiếp theo kỳ trước)
LÔ CAO SU SỐ 9 – VƯỜN CAO SU ĐẦU TIÊN CÒN LẠI CỦA NGÀNH CAO SU VIỆT NAM
Vườn cao su đầu tiên (hay còn được gọi là Lô cao su số 9) của Tổng Công ty Cao su Đồng Nai tọa lạc trên Nông trường Cao su Dầu Giây (thuộc ấp Phan Bội Châu, xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai). Phía Bắc giáp nhà máy chế biến mủ của Nông trường Dầu Giây; phía Nam giáp khu dân cư ấp Phan Bội Châu; phía Đông giáp đường nhựa liên ấp và phía Tây giáp Lô cao su số 7. Vườn có hình chữ nhật với tổng chu vi khoảng 2.000m và diện tích 8,2ha. Vườn được phân thành 2 thửa, ở giữa có đường đi rộng 5m được rải đất đá ong chạy từ cổng vào giáp hàng rào. Thửa bên trái chia làm 6 ô; thửa bên phải chia làm 2 ô. Giữa các ô của hai thửa được phân chia bởi con đường rải đất đá ong.
Đây là vườn cao su đầu tiên được người Pháp trồng thí nghiệm ở Đồng Nai và là vườn cao su sớm nhất của ngành cao su Việt Nam còn tồn tại cho đến ngày nay. Hiện nay, trong vườn còn lại khoảng 317 cây cao su (được đánh số thứ tự từ 1 đến 343) được trồng từ năm 1906 (hơn 100 tuổi). Vườn cao su này chủ yếu là cây thực sinh vì mọc trực tiếp từ hạt chứ không qua lại ghép. Hạt của những cây đầu tiên này không được chọn lọc và từ nhiều nguồn khác nhau. Có nguồn hạt từ đồn điền Belland (Benlăng) ở Phú Nhuận, có nguồn hạt do kỹ sư nông nghiệp người Pháp tên là Seeligmann (Xêlimăng) cung cấp… Do có nguồn gốc khác nhau nên quá trình sinh trưởng, phát triển, chiều cao, đường kính… cũng không đồng nhất. Có cây đường kính gốc rộng tới 2m, còn lại đa số có đường kính gốc từ 1 – 1,6m. Chiều cao cây trung bình khoảng 20m, tán lá rộng. Trải qua hơn 100 năm, số cây chết tạo ra những khoảng trống nên Lô số 9 không còn thẳng hàng như trước đây. Công ty Suzannah trồng cao su theo khoảng cách 5m x 5m, mật độ 400 cây/ha. Năm 1912, những cây cao su Lô số 9 bắt đầu cung cấp “vàng trắng”. Ban đầu, Công ty Suzannah áp dụng cách làm ở Malaixia lúc đó là cây cao su được cạo hình “xương cá” – 5, 6 miệng cạo chồng lên nhau khiến cao su mới trưởng thành bị ảnh hưởng lớn đến phát triển. Từ đó, phải đổi phương thức với miệng cạo duy nhất trên một nửa hoặc 1/3 thân cây. Phu công tra cạo mủ phải là những công nhân có “ưu ái” hơn những lô cao tay nghề cao, chế độ phân bón cũng khác. Nhằm kéo dài tuổi thọ cho cây, quá trình cạo mủ ở Lô số 9 không được dùng thuốc kích thích. Ngoài khai thác mủ, những cây cao su ở Lô số 9 còn có nhiệm vụ quan trọng là giữ nguồn nước cho nhà máy chế biến mủ bên cạnh.
Đến năm 1908, đồn điền cao su An Lộc ra đời và đến năm 1925, đồn điền Cam Tiêm được thành lập. Từ đó các Công ty Suzannah, An Lộc, Cam Tiêm đều thuộc quyền điều hành của Ngân hàng Pháp. Đến năm 1935, một số đồn điền nhỏ khác cũng hình thành. Để quản lý hệ thống đồn điền cao su ở Đông Dương nói chung và ở Đồng Nai nói riêng, Công ty đồn điền cao su Đông Dương (viết tắt là SIPH) đã ra đời với số vốn là 30 triệu đồng Đông Dương, trụ sở SIPH đóng ở Suối Tre. Từ đây, Công ty Suzannah trở thành đồn điền cao su Dầu Giây – một bộ phận của Công ty SIPH và Vườn cao su Lô 9 cũng trở thành vườn thực nghiệm của SIPH.
Ngày 17/5/1975, khi đất nước hoàn toàn giải phóng Khu ủy miền Đông đã thành lập Ban Cao su Đông Nam Bộ để thực hiện nhiệm vụ tiếp quản 12 đồn điền cao su lớn ở Đông Nam Bộ. Trong đó, có 10 đồn điền của SIPH (An Lộc, Dầu Giây, Bình Lộc, Trảng Bom, Cây Gáo, Túc Trưng, Ông Quế, Bình Ba, Long Thành, Hàng Gòn) và 2 đồn điền của SPTR (Công ty Cao su Đất Đỏ) là Courtenay và Bình Sơn – An Viễng. Đồng thời, Ban Cao su Đông Nam Bộ cũng tiếp quản hệ thống hạ tầng gồm các nhà máy sơ chế cao su An Lộc, Long Thành, Dầu Giây thuộc SIPH và nhà máy cao su sợi Tam Hiệp thuộc SPTR.
Ngoài giá trị kinh tế, giá trị lịch sử – văn hóa, vườn cao su đầu tiên còn có giá trị khoa học quý cho việc nghiên cứu trồng, chăm sóc, khai thác của ngành cao su Việt Nam. Các nhà khoa học có thể căn cứ quá trình sinh trưởng, phát triển, cho mủ… của những cây cao su ở Lô số 9, từ đó nghiên cứu tìm ra những phương án tối ưu nhất cho việc nâng cao chất lượng trồng, chăm sóc, khai thác mủ, nâng cao giá trị sản phẩm của cao su, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành cao su.
Vườn cao su đầu tiên – cái nôi của Tổng Công ty Cao su Đồng Nai (Lô cao su số 9) với nhiều cây cao su cổ thụ tạo thành khu vườn rất đẹp, khí hậu mát mẻ quanh năm. Với giá trị và ý nghĩa lịch sử của vườn cây, năm 1994, Tổng Công ty chủ trương ngừng khai thác mủ những cây cao su ở Lô số 9 nhằm bảo tồn giá trị lịch sử và phục vụ tham quan. Ngày 24/7/2009, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định số 2084/QĐ về việc xếp hạng Vườn cao su – Lô cao su số 9 là Di tích lịch sử – văn hóa cấp tỉnh. Hiện nay, Bảo tàng Đồng Nai có trưng bày 2 gốc cây cao su và Nhà truyền thống Công nhân Cao su Đồng Nai trưng bày 1 gốc cây cao su có nguồn gốc lấy từ Lô cao su số 9 lịch sử. Gần đây, Tổng Công ty đã xây dựng vườn thành Khu lịch sử – văn hóa – sinh thái để phục vụ cho du khách, nhân dân địa phương và công nhân cao su tham quan.
Nhà điểm, Sân điểm
Nhà điểm, Sân điểm trước đây nay thuộc Đội A, Lô cao su số 76, Nông trường Cao su Dầu Giây, cách Vườn cao su đầu tiên (Lô số 9) khoảng 100m về phía Nam. Sân điểm và Nhà điểm (nằm sau Sân điểm) cùng nằm trên một khuôn viên. Phía Đông giáp đường nhựa liên ấp và chợ ấp Phan Bội Châu; phía Bắc giáp Trường Mầm non Dầu Giây A; phía Nam giáp tuyến đường đất liên ấp; phía Tây giáp khu dân cư. Sân điểm có tổng diện tích 2.030m, gồm hai phần: phần có mái che gọi là Nhà điểm; phần sân không có mái che gọi là Sân điểm.
Nhà điểm hay còn gọi là “Nhà Săng”, xuất phát từ từ “center/trung tâm”, do nằm ở trung tâm đồn điền Suzannah. Trước đây là một căn nhà làm bằng tranh tre, nứa lá, được dựng lên trên bãi đất rộng để tập trung công nhân và thu gom mủ. Tháng 7/1940, xảy ra một trận lụt lớn, Nhà điểm bị hư hỏng nặng. Đầu năm 1941, chủ đồn điền Mandore
(Măngđo) cho xây dựng lại Nhà điểm kiên cố tại vị trí hiện nay, cách Sân điểm cũ (Lô cao su số 76 hiện nay) khoảng 1km về hướng Đông Bắc. Đây là căn nhà 3 gian cấp bốn, hai mái lợp ngói Tây có diện tích 280m2 (dài 35m, rộng 8m), tọa lạc cuối Sân điểm và chạy dọc theo hướng Bắc – Nam. Nhà có kết cấu 12 cột hình chữ nhật đúc bằng bê tông cốt sắt. Đỉnh cột có những bệ đỡ vươn ra nối với kèo và những thanh xiên. Phần mái không có đà ngang mà chỉ có vì kèo và 7 thanh xiên được định vị và lắp ghép bằng định ốc. Chức năng chính của Nhà điểm là để chứa gạo, chứa các nhu yếu phẩm và nơi làm việc của xu, sếp…
Sân điểm hiện nay là một khoảng đất trống hình chữ nhật có diện tích 1.750m (50m x 35m), mặt trước sân tiếp giáp với đường nhựa trong khu dân cư. Trong khuôn viên Sân điểm có một chốt bảo vệ của ấp Phan Bội Châu mới được xây dựng năm 2000, dạng nhà cấp bốn, diện tích 20m. Về nguồn gốc của Sân điểm, đó là do số lượng công tra/ dân phu ngày càng đông nên phải có chỗ tập trung để điểm danh mỗi buổi sáng cũng như tập trung công tra/ dân phu để phổ biến luật lệ thu gom mủ, phát lương, phát gạo…, từ đó Sân điểm ra đời.
Đời sống của công nhân/công tra cao su gắn liền với Sân điểm. Từ khoảng 3 giờ 30 phút sáng hằng ngày khi hồi kẻng thứ nhất vang lên, phu cao su nhanh chóng thức dậy kịp chuẩn bị bữa sáng để đúng 4 giờ 30 phút sáng phải có mặt ở Sân điểm điểm danh, cuối buổi tập trung về Sân điểm để nộp mủ thu gom được. Sân điểm cũng chính là nơi thi hành những án phạt hà khắc như đánh đập, tra tấn của bọn tư bản thực dân Pháp đối với người phu công tra vi phạm quy định của chúng. Sân điểm chính là “thiết chế quan trọng nhất trong đồn điền, là một biểu tượng quyền lực của chế độ thực dân tàn bạo và là nỗi ám ảnh của bao thế hệ phu công tra cao su. Bởi vậy, Sân điểm cũng là nơi diễn ra hàng loạt các cuộc đấu tranh của công nhân cao su trong quá trình đấu tranh chống thực dân,đế quốc. Trong quá trình đấu tranh đó, đã xuất hiện biết bao gương anh hùng dũng cảm hy sinh vì đất nước… Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, công nhân cao su tiếp quản đồn điền Dầu Giây. Từ đây, cảnh đánh đập, tra tấn, giết chóc phu công tra kết thúc, Sân điểm trở thành nơi hội họp, vui chơi, luyện tập thể dục, thể thao của CB.CNVC – LĐ cao su.
MINH NHIÊN
(Trích CÔNG TY CAO SU ĐỒNG NAI – HÀNH TRÌNH XUYÊN THẾ KỶ – NHỮNG DẤU ẤN VÀ
GIÁ TRỊ TRƯỜNG TỒN (1906 – 1986)
Kỳ tới: Những đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước
Related posts:
- Nhiều hoạt động ý nghĩa trong tháng công nhân
- Những phần thưởng động viên mùa xung kích nước rút
- Công ty CP Khu Công nghiệp Nam Tân Uyên cần nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động công đoàn
- Liên quân Cao su Chư Sê – Kampong Thom giải nhất Hội diễn Khu vực III
- Linh hoạt các phương án tổ chức sản xuất trong tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp
- Thợ giỏi
- Trải nghiệm hồ trên núi giữa dòng Sê San
- "Nghề Review" - làn sóng mới của Gen Z
- Gỗ Thuận An áp dụng nhiều giải pháp ổn định sản xuất
- "Ánh sáng từ dòng vàng trắng" lần thứ VI - năm 2024