CSVN – Mùa xuân đã cận kề. Những chùm hoa cao su nở vàng thung lũng nhỏ. Em bé cười tươi nũng nịu trên lưng mẹ. Mẹ khẽ hát một bài dưới vòm lá xanh non.
Không biết họ đã gắn bó với cao su từ lúc nào. Khi tôi qua đây chỉ thấy những con người nhem nhuốc, đầu tóc rối bời, vàng cứng vì nắng cháy. Cứ hai giờ đêm, khi những ánh đèn rộn lên từ các lán trại. Đoàn người lại âm thầm theo nhau lên lô. Một chiếc dao cạo, một hộp nhang muỗi, một chiếc đèn đội đầu, họ làm việc trong trật tự và thành thật. Chẳng cây nào bị bỏ lại. Từng dòng cao su tuôn chảy như nỗi lòng của những kẻ xa xứ nhớ quê. Cam-pu-chia-Việt Nam. Chẳng còn khoảng cách giữa những bóng người.
Tôi khẽ rít một hơi thuốc mỏng. Đám côn trùng cứ vo vo bên tai. Chẳng biết tại sao họ có thể chịu đựng được cuộc sống này. Dưới chân lá khô ẩn đầy rắn rết, mùi cao su hôi hám xộc thẳng vào mũi đến nghẹt thở. Có cảm tưởng như tất cả cảm xúc trong lòng họ đã biết mất. Sự chai sạn, nhẫn nhịn hiện rỏ trên từng khuôn mặt.
Chín giờ sáng từng đoàn người lặng lẽ ra về. Khu nhà ở nằm giữa rừng cao su đầy nắng. Giếng nước khoan làm khoan khoái lòng người.
Một người anh em Cam-pu-chia mang đến một bát nấu từ lá cây rừng. Vị đăng đắng sau lại hơi ngọt. Tôi làm một hơi hết bát nước thấy lòng hơi xót. Phải rồi từ mười giờ đêm đến giờ chưa có gì vào bụng. Sự cồn cào nôn nao dâng lên ngay lập tức. Tôi ngồi xuống ghế tay run run. Đàn chó con chạy quay vẫy đuôi sủa kêu in ỏi, chị chủ nhà thấy thế mang đến cho tôi một bát gì trăng trắng, ra hiệu uống đi. Tôi nhắm mắt uống. Một cảm giác khoan khoái đến lạ thường. Mùi thơm quen thuộc khiến tôi ngờ ngợ như nhận ra món gì trước đây mình đã từng thử qua. À, giống như món sữa đậu nành, nhưng nhạt và mùi không thơm bằng. Anh đội trưởng người Khơ- me Nam bộ thấy tôi thích liền đưa đến một bát nữa. Tôi cũng không từ chối.
Sau khi đẩy lui cơn đói. Tôi ngồi đung đưa bàn chân trên tấm phản mỏng. Rút một điếu thuốc đưa cho anh đội trưởng ngồi kế bên. Tôi hỏi:
- Tết này anh về không?
- Không…, – anh ngập ngừng nói
- Tại sao – Tôi hỏi.
– Nhà tớ 5 miệng ăn, tất cả đều mong chờ vào đồng lương của tớ. Cậu có biết về nhà tớ hết bao nhiêu tiền xe không?
Tôi lắc đầu.
– Gần nữa tháng lương, chưa kể quà cáp thăm hỏi, sắm sửa nhiều thứ. Mang tiếng ra nước ngoài làm ăn nhưng lương tháng thực sự không dư dã, tớ chọn ở lại để con tớ có tấm áo mới, vợ tớ đỡ phải vất vả chạy ngược xuôi những ngày giáp tết.
- Lương ở đây cũng đâu có thấp, tết này chắc chắn có thưởng chứ.
– Tớ nghĩ là không, tình hình sản xuất và giá cả không ăn thua, công ty khó khăn quá rồi, giờ lại thưởng tết thì hơi khó
Tôi nhảy xuống phản đi một vòng quanh khu nhà tập thể. Không có thưởng. Tức là không có cái ôm thắm thiết của người cha đối với con, là không có nụ cười bịn rịn của người vợ bên chồng, là xóm giềng bớt đi một lời chúc phúc, hoa mai sẽ chẳng còn rực rỡ. Mùa xuân sẽ có những nốt trầm.
- Cao su bạc bẽo thế sao anh?
– Không, tớ khẳng định là không, bao nhiêu người đã sống được nhờ cao su, những cánh võng chao nghiêng giữa ngày gió lộng, những tiếng hát chon von giữa những lối mòn, những thế hệ cha anh nâng niu từng luống đất cứ in đậm trong tâm trí bọn tớ. Làm sao cao su bạc bẽo được. Chỉ là cao su như một người mẹ đông con, san sẽ từng chút từng chút cho mỗi đứa khỏi tủi lòng. Tớ mong cao su sẽ ngày càng lớn mạnh, để những kẻ phải tha hương như tớ không phải đắn đo từng đồng xe về nhà.
Mùa xuân thật đẹp, mùa xuân giữa rừng cao su càng đẹp, bởi ở đó có những con người cần mẫn như những chú ong thợ ngày đêm tạo nên mật ngọt. Giá như. Tôi nghĩ giá như họ được hưởng được nhiều hơn những thành quả mình tạo ra thì tốt biết bao. Không một lời ca thán, chỉ là lặng lẽ một tiếng thở dài nhưng ẩn chứa bao nhiêu tâm sự. Chúng ta cần phải nhìn vào sự thật, rằng có bao nhiêu số phận con người theo nghiệp cao su có cuộc sống thật sự đủ đầy. Họ phải bôn ba đất khách, chắt chiu tằn tiện để gia đình có được cuộc sống tốt đẹp. Những dòng vàng trắng cứ ngày đêm tuôn chảy. Xin hãy để chúng thực sự ươm mầm và nuôi dưỡng ước mơ của những thế hệ con người đã không tiếc thân mình đi khai hoang, tạo nên bộ mặt cao su hùng tráng như ngày nay.
Em bé chập chững đến bên tôi miệng khẽ nhoẽn cười. Bao nhiêu nỗi buồn tiêu tan. Các em chính là niềm hi vọng, là sợi dây tâm tình cho tình cảm Việt Nam – Cam-pu-chia dù trải qua nhiều sóng gió nhưng vẫn luôn bền chặt. Tôi nhớ đến một câu thơ đã được đọc từ lâu lắm rồi:
“Đến đây thì ở lại đây
Bao giờ bén rể xanh cây mới về”
Vâng! Cao su đã bén rể xanh cây. Và người thì vẫn ở lại bởi tình yêu và trách nhiệm đối với những cánh rừng hữu hảo đầy chân tình giữa hai đất nước. Hi vọng mùa xuân đến, gia đình cao su sẽ ngày càng hạnh phúc ấm no. Nhà nhà người người sẽ luôn có những nụ cười rạng rỡ.
Có tiếng mầm non đang lặng lẽ đâm chồi.
Related posts:
- Dòng nhựa trắng chảy mãi với thời gian
- Linh động hình thức thực hiện tham quan, học tập năm 2021
- Chị Phạm Thị Thái làm Trưởng Ban liên lạc hưu trí Cao su Chư Păh
- Cao su Lộc Ninh tổ chức Đêm hội trăng rằm cho 3.000 em
- Sẽ giải thể một số đội bóng chuyền
- 6 đơn vị tham gia hội thi Tiếng hát người lao động Cao su Tây Ninh
- Bùi Thế Mão - giọng ca tiềm năng của Cao su Yên Bái
- Rượu Hang Chú - Nét văn hóa vùng cao Bắc Yên
- Tự trồng hoa cảnh đón Tết
- Lung linh cánh đồng bo bo