Các công ty cao su Tây Nguyên: Tiếp tục dẫn đầu về tỷ lệ khai thác sản lượng toàn ngành

CSVN – Kết thúc năm 2024, các công ty cao su Tây Nguyên dự kiến khai thác 104,7% kế hoạch, là khu vực có tỷ lệ hoàn thành kế hoạch sản lượng sớm nhất so với các vùng khác trong toàn ngành.

Thường xuyên kiểm tra tay nghề công nhân là cách làm hiệu quả để nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây. Trong ảnh: Kiểm tra tay nghề công nhân ở Cao su Mang Yang
Quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp kỹ thuật

Trong số 11 đơn vị trên địa bàn Tây Nguyên, dự kiến Cao su Mang Yang là đơn vị có tỷ lệ hoàn thành sản lượng cao nhất với 116,1% kế hoạch. Để thực hiện được kết quả khả quan, ấn tượng này ông Trương Văn Hội – TGĐ Cao su Mang Yang cho biết: “Để có kết quả tích cực này, thời gian qua chúng tôi đã thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp kỹ thuật mang tính chiến lược, cụ thể: Ngay từ đầu năm chúng tôi đã xây dựng kế hoạch và tập trung chỉ đạo, giám sát công tác phun thuốc phòng trị bệnh phấn trắng kịp thời. Quy hoạch vị trí bảng cạo hợp lý đúng theo quy trình kỹ thuật, phân chia phần cây và chế độ cạo hợp lý”.

Với những chính sách, giải pháp cụ thể, thiết thực nên dự kiến kết thúc năm 2024 Cao su Mang Yang sẽ khai thác được 7.660/6.600 tấn, đạt 116 % kế hoạch giao, vượt 1.060 tấn, về trước kế hoạch giao 34 ngày và là năm thứ 6 liên tiếp công ty về đích sớm.

Một công ty khác trên địa bàn tỉnh Gia Lai có kết quả khả quan trong khai thác sản lượng là Cao su Chư Sê, dự kiến kết thúc năm đơn vị này đạt khoảng 114,4% kế hoạch. Trong đó, công ty về đích sớm 39 ngày. Nông trường Ia Ko về trước 60 ngày và Nông trường Ia Glai về trước 39 ngày. Theo ông Mai Ngọc Lực – Phó Phòng Kỹ thuật nông nghiệp Cao su Chư Sê cho biết: “Nhờ việc chủ động các giải pháp nhằm ứng phó với những tình hình diễn biến xấu của thời tiết và sự quyết tâm, trách nhiệm của Ban TGĐ công ty trong việc đôn đốc, thực hiện và triển khai những giải pháp kỹ thuật đến từng người công nhân, vì thế đơn vị đã đạt được kết quả như kỳ vọng”.

“Anh lớn” Cao su Kon Tum vẫn tiếp tục duy trì được “phong độ” khi dự kiến hết năm sẽ khai thác đạt hơn 104% kế hoạch giao. Ông Trần Thanh Hải – Trưởng Phòng Kỹ thuật nông nghiệp, cho rằng: “Biện pháp tốt nhất theo tôi là trong năm công ty đã thực hiện tốt công tác phòng trị các loại bệnh gây hại, đặc biệt là phòng được bệnh phấn trắng”.

Những thành viên mới trong CLB 2 tấn/ha ở khu vực Tây Nguyên là Cao su Chư Mom Ray, Ea H’leo và Sa Thầy vẫn cho thấy sự vượt trội về năng suất, sản lượng khi dự kiến đều sẽ đạt trên 110% kế hoạch giao. Ông Trần Xuân Thịnh – TGĐ Cao su Chư Mom Ray chia sẻ: “Mặc dù còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự quyết tâm, công ty đã tổ chức sản xuất hiệu quả, năng suất vườn cây tăng dần qua các năm. Để đạt được kết quả tốt, chúng tôi đã tập trung triển khai tốt 3 giải pháp là tăng cường công tác chăm sóc, không ngừng nâng cao chất lượng vườn cây; thực hiện tốt công tác bảo vệ thực vật”.

Còn theo ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó TGĐ Cao su Ea H’leo thì: “Để có kết quả khai thác vượt kế hoạch, chúng tôi đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị chủ động trang bị vật tư cây cạo sớm, chú trọng trang bị mái che mưa, màng phủ chén cho toàn bộ diện tích hiệu quả. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị làm tốt công tác bón phân đúng thời điểm, đúng quy trình nên vườn cây sinh trưởng, phát triển tốt”.

Với những giải pháp phù hợp, chỉ đạo quyết liệt trong quản lý điều hành, những công ty trên địa bàn Tây Nguyên không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, mà còn dần đang trở thành những điểm sáng về năng suất của toàn ngành, qua đó làm lá cờ đầu ở khu vực Tây Nguyên.

Tiếp tục ổn định lao động và giải pháp nâng cao năng suất, sản lượng

Việc đạt được kế hoạch sản lượng tốt, vượt cao là cả sự nỗ lực vượt khó, quyết tâm, đồng lòng không chỉ của Đảng ủy, HĐTV, Ban TGĐ công ty mà còn có công lớn của các tổ chức đoàn thể như Công đoàn, Đoàn Thanh niên trong việc phát động nhiều phong trào thi đua và đồng hành, chăm lo cho NLĐ còn khó khăn, qua đó giúp công nhân yên tâm gắn bó với vườn cây, đơn vị. Tuy nhiên, để giữ được thành quả này, nhiều công ty đã xác định ngay những biện pháp sẽ thực hiện trong năm 2025. Điển

hình, tại Cao su Mang Yang, ông Trương Văn Hội – TGĐ công ty cho rằng: “Thời gian tới, công ty sẽ đề ra các giải pháp như cải tiến và củng cố tốt hơn nữa trong công tác trang bị cho vườn cây, thường xuyên quan tâm đào tạo và đào tạo lại những công nhân có tay nghề yếu, nhất là công nhân người dân tộc thiểu số; có những giải pháp quản lý chặt chẽ về lao động, không để trống phần cây cạo do thiếu lao động”.

Ngoài ra, cũng theo ông Hội: “Công ty tiếp tục có chính sách về đơn giá tiền lương phù hợp trong các ngày lễ, Tết. Quan tâm chăm lo bữa ăn giữa ca cho NLĐ đảm bảo sức khỏe để làm việc. Vì vậy, công nhân tham gia khai thác tích cực trong các ngày trên lô. Một trong những giải pháp hữu hiệu khác là, các hình thức khen thưởng tháng, quý, thi đua nước rút, khen thưởng năm. Công ty dự kiến đầu năm 2025 sẽ chi khoảng 4,5 tỷ đồng cho NLĐ trong đơn vị đi tham quan, du lịch trong nước để động viên NLĐ tích cực thi đua lao động sản xuất”.

Với những lợi thế như vườn cây liền vùng, thổ nhưỡng tốt, lao động ổn định và dồi dào, khí hậu, thời tiết thuận lợi đã giúp các đơn vị này phát huy được hiệu quả trong công tác thu hoạch mủ. Qua đó, giúp NLĐ có tiền lương, thu nhập ngày càng cao, với mức bình quân dự kiến trên 10 triệu đồng/người/tháng. Vì thế, NLĐ yên tâm gắn bó lâu dài, giúp công ty ổn định vấn đề lao động, tạo điều kiện để doanh nghiệp phát triển một cách bền vững.

Hiện nay, NLĐ ở các đơn vị Tây Nguyên đang háo hức, hồ hởi đón tin vui của lãnh đạo VRG trong việc chi tháng lương 13, cùng với đó giá bán mủ tăng đồng nghĩa với việc tiền lương, thu nhập của NLĐ cũng sẽ tăng lên đáng kể, không riêng gì ở các đơn vị có năng suất, sản lượng cao.

Theo tìm hiểu, những năm tới, các công ty này sẽ tiếp tục có những vườn cây chất lượng, nhờ vào việc luôn đổi mới công tác quản lý điều hành, nhất quán trong chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý, điều hành và kỹ thuật và có thể khẳng định vườn cây khai thác của nhiều công ty trên địa bàn Tây Nguyên vẫn sẽ dẫn đầu về năng suất và sản lượng không chỉ của khu vực Tây Nguyên mà còn trong toàn ngành. Một trong những giải pháp khác, được nhiều đơn vị đề cập đến để nâng cao năng suất vườn cây và ổn định lâu dài chính là trẻ hóa nguồn lực lao động, theo anh Mai Ngọc Lực – Phó Phòng Kỹ thuật nông nghiệp Cao su Chư Sê cho hay: “Từ nhiều năm nay, Cao su Chư Sê đã tiến hành trẻ hóa đội ngũ công nhân trong toàn công ty để đáp ứng được điều kiện, đòi hỏi của công tác nâng cao năng suất, sản lượng”.

Với kết quả thực hiện kế hoạch sản lượng năm 2024 khả quan của các công ty trên địa bàn Tây Nguyên, các công ty đang tạo điểm sáng và điểm nhấn về mặt sản lượng, năng suất trong toàn ngành, làm tiền đề để nâng cao năng suất thu nhập cho NLĐ, tiếp tục cải thiện điều kiện làm việc, tinh thần và vật chất cho lao động, nhất là lao động còn nhiều khó khăn, lao động là đồng bào các dân tộc thiểu số và vùng biên giới.

VĂN VĨNH