CSVN – Bình Sơn là một cơ sở cao su thuộc Công ty đồn điền Đất Đỏ của tư bản thực dân Pháp. Trong kháng chiến chống Mỹ, về phía chính quyền Việt Nam Cộng hòa, Bình Sơn là một ấp thuộc xã Lộc An (quận Long Thành), còn đối với cách mạng, Bình Sơn là đơn vị hành chính cấp xã do Ban Cán sự Cao su Biên Hòa chỉ đạo.
Phong trào kháng chiến của nhân dân, công nhân Bình Sơn đã giành được nhiều thắng lợi
Dân số Bình Sơn trong thời kỳ này khoảng hơn 2.000 người, hầu hết là công nhân cao su và thân nhân của họ. Trong 21 năm kháng chiến chống Mỹ, Bình Sơn là địa bàn đứng chân của các lực lượng cách mạng như: Quân khu miền Đông, các đơn vị chủ lực và cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện; là Căn cứ địa kháng chiến của Tỉnh ủy Biên Hòa, Phân khu 4 và là cửa khẩu hậu cần của Đoàn 84. Bình Sơn còn được lực lượng ta chọn làm bàn đạp để tấn công địch ở căn cứ Nước Trong. Do đó, vùng đất này cũng được các lực lượng địch chọn làm nơi quyết chiến chiến lược hòng tiêu diệt lực lượng ta. Từ đó, chiến tranh diễn ra khá ác liệt đã đẩy cuộc sống nhân dân, công nhân Bình Sơn đứng trước muôn vàn khó khăn, nguy hiểm. Tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết, tinh thần cách mạng tiến công và có chỗ dựa là các lực lượng cách mạng đứng chân trên địa bàn, phong trào kháng chiến của nhân dân, công nhân Bình Sơn đã giành được nhiều thắng lợi, nhất là khi lực lượng du kích Bình Sơn ra đời.
Từ những năm 1954 – 1955, ở Bình Sơn, công nhân cao su và nhân dân đã tham gia các phong trào đấu tranh chính trị đòi nhà cầm quyền thi hành Hiệp định Genevơ và đấu tranh đòi giảm bớt chế độ bóc lột hà khắc của chủ sở. Phong trào bắt đầu phát triển mạnh mẽ kể từ khi Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết Trung ương lần thứ 15 (1959) và sau khi Đội vũ trang tuyên truyền Bình Sơn (tiền thân của đội du kích sau này) được thành lập gồm 5 đồng chí (2 nữ, 3 nam). Đội vũ trang tuyên truyền đã động viên công nhân và quần chúng với vũ khí thô sơ tiến hành đấu tranh phản đối các chính sách đàn áp của tề ngụy, ác ôn trong các ấp… Tiêu biểu, tháng 01/1961, Đội đã hướng dẫn công nhân cao su theo dõi tình hình địch trên địa bàn xã để đưa lực lượng vũ trang khu miền Đông tiến về tiêu diệt trung đội bảo an địch đang đóng ở Bình Sơn.
Sự kiện đánh dấu quá trình phát triển của cuộc kháng chiến ở Bình Sơn là đầu năm 1962, trước yêu cầu của cuộc kháng chiến, một bộ phận của Đội vũ trang tuyên truyền Bình Sơn tách và thành lập Đội du kích Bình Sơn gồm 7 đồng chí, lấy biệt hiệu B20 (còn được gọi là đội “Võ trang giải phóng quân thắng lợi” – tên của 7 đồng chí ghép lại). Từ đây, cuộc kháng chiến của nhân dân, công nhân Bình Sơn đã có lực lượng du kích hỗ trợ và bảo vệ. Trận đầu tiên của du kích Bình Sơn là tháng 3/1962, du kích Bình Sơn phối hợp với bộ đội chủ lực đột kích ấp Bình Sơn tiêu diệt tên Bị – Trưởng ấp ác ôn và đốt Cần Bình Sơn. Do thiếu nguyên liệu, nên chỉ bị cháy nhẹ. Sáng hôm sau, được sự chi viện của lực lượng lính ở Long Thành, chúng càn vào sở Kho Bạc bắn chết anh Nguyễn Văn Chì là thanh niên trốn lính đang làm công nhân cạo mủ ở đây. Sau đó, lực lượng ta tổ chức cho người thân đưa thi thể anh Chì ra trung tâm huyện đấu tranh đòi địch phải bồi thường thiệt hại. Kết quả, địch phải chịu mọi chi phí và cho đưa thi thể anh Chì về an táng tại xã Uyên Hưng, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương Với những thành tích trong 8 năm đầu kháng chiến, tại Đại hội thi đua tỉnh Biên Hòa cuối năm 1963, Tỉnh ủy đã nêu gương phong trào của Bình Sơn và lấy Bình Sơn làm điểm để rút kinh nghiệm. Tại Đại hội, Bình Sơn vinh dự đón nhận Huân chương Giải phóng hạng Nhì của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Đội du kích Bình Sơn luôn bám dân, bám địa bàn, bí mật diệt ác ôn, vận động nhân dân, công nhân phá kìm, phát động phong trào chống, phá ấp chiến lược của địch. Khởi đầu là tháng 01/1965, Đội du kích Bình Sơn phối hợp với Đội vũ trang Cao su 207, hóa trang thành công nhân dùng 3 xe của sở cao su vận động từ lô cao su số 6 sang lô số 10 tập kích 1 trung đội biệt kích địch đang dừng chân nghỉ trưa. Đến cuối năm 1965, Đội du kích Bình Sơn phối hợp với Đại đội 207 tập kích đánh diệt Trung đội A16 địch do Thượng sĩ Giai nổi tiếng ác ôn chỉ huy đang đóng chốt tại địa bàn xã. Trong quá trình di chuyển, 1 xe của ta bị mất lái lọt xuống mương và bị địch phát hiện nên trận này mất yếu tố bất ngờ. Tuy nhiên, ta đã tiêu diệt được tên Giai nên nhân dân trong vùng rất phấn khởi. Cũng trong thời gian này, Đội du kích Bình Sơn còn phát động nhân dân và công nhân tận dụng xe ủi của đồn điền nổi dậy phá toàn bộ ấp chiến lược, giải phóng hoàn toàn xã Bình Sơn. Từ đây, Bình Sơn chính là cửa ngõ quan trọng đề vận chuyển hậu cần, vũ khí cho khu miền Đông.
Trong những năm 1965 – 1973, Bình Sơn là địa bàn tranh chấp ác liệt giữa ta và địch. Địch thường xuyên bố trí 1 đại đội bảo an và bộ máy kìm kẹp gồm lực lượng tề ấp, cảnh sát, lực lượng bình định và tâm lý chiến. Từ chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, địch còn điều động thêm 1 tiểu đoàn lính Mỹ và lính Thái Lan đóng chốt để đánh phá bên ngoài và lực lượng tề ngụy bình định bên trong. Cũng từ đây, cuộc kháng chiến ở Bình Sơn bước vào giai đoạn tranh chấp ác liệt, địch đã dùng mọi thủ đoạn làm cho phong trào nhiều lúc gặp khó khăn, tổ chức đảng nhiều lần bị đánh bật ra khỏi cơ sở và chịu nhiều tổn thất. Tuy vậy, nhân dân và công nhân cao su Bình Sơn vẫn một lòng tin tưởng vào cách mạng, tiếp tục có nhiều đóng góp cho kháng chiến. Quá trình xây dựng ấp chiến lược của địch ở sở Bình Sơn đã gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ của quần chúng nhân dân, phải mất 7 – 8 tháng, địch mới hoàn thành việc lập ấp. Phong trào chống phá lập ấp chiến lược được bà con hưởng ứng tích cực và kéo dài suốt nhiều tháng liền. Ban ngày, địch bắt mỗi gia đình phải đào 2m đất rồi chặt tre, vót chông cắm xuống. Đến ban đêm, ta lại ra vận động bà con san, lấp, phá hỏng… làm chậm kế hoạch thực hiện của chúng.
Những chiến công hiển hách của Đội du kích Bình Sơn
Biết Bình Sơn là căn cứ cách mạng và là địa bàn chiến lược điều động một bộ phận của quan trọng, từ năm Lữ đoàn dù số 199 đến đóng quân tại Bình Sơn. Sau khi về đứng chân, địch thường xuyên tổ chức càn quét, lập ấp chiến lược kiên cố bao quanh địa bàn xã nhằm kìm kẹp phong trào kháng chiến của quần chúng nhân dân. Để ngăn chặn lực lượng cách mang từ bên ngoài xâm nhập, những vùng ven bên ngoài vùng địch cho bắn phi pháo, rải chất độc hóa học và cho xe cơ giới ủi phá cao su dọc tuyến đường 10 và rừng bìa lô số 9, lô số 10.
Tuy nhiên, Đảng ủy Cao su đã lãnh đạo Đội du kích Bình Sơn phối hợp với lực lượng thanh niên thành lập Đội du kích thiếu niên Bình Sơn (với 33 đội viên). Đây chính là lực lượng có nhiệm vụ giao liên, trinh sát tình hình địch cho cán bộ và Đội du kích Bình Sơn. Đội du kích thiếu niên Bình Sơn đã nhiều lần dùng mìn đánh diệt lính và xe cơ giới Mỹ. Nhiều đội viên là Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt xe cơ giới.
Chiến công đầu tiên trước quân đội Mỹ của Đội du kích Bình Sơn là tháng 10/1967, Đội du kích tham gia cùng Đại đội 207 phục kích bẻ gãy trận càn của Mỹ vào căn cứ ở Kho Bạc, diệt 3 tiểu đội lính Mỹ, bắn hạ 2 máy bay và phá hủy 2 xe tăng. Trong hai tháng 5 và 6/1969, Đội du kích đã đánh rã hai đội bình định nông thôn trên địa bàn xã, đồng thời hỗ trợ cho công nhân và nông dân liên tục đấu tranh với chính quyền, lực lượng tay sai và chủ đồn điền cao su. Sang tháng 6/1970, Đội du kích càn Bình Sơn phối hợp với bộ đội của Đại đội 207 bẻ gãy trận của quân Thái Lan, tiêu diệt 50 tên, còn Đội du kích thiếu niên Bình Sơn nhiều lần đánh diệt quân Thái Lan và xe cơ giới, tạo điều kiện cho công nhân đấu tranh chống sự kìm kẹp của lính Thái Lan.
Từ sau khi Hiệp định Pari được ký kết (1973), Đội du kích Bình Sơn liên tục chủ động tiến công địch và tuyên truyền, phát động nhân dân, công nhân đấu tranh chính trị, vận động binh lính bỏ hàng ngũ địch về với gia đình và tham gia cách mạng Trước sức mạnh vũ trang của du kích và phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân, địch buộc phải co cụm, cố thủ trong đồn bốt. Trong nửa đầu năm 1974, du kích vừa chủ động vừa phối hợp với các lực lượng khác tập kích, phục kích địch 11 lần, tiêu diệt và làm bị thương 20 tên, phá hủy 2 xe GMC, bắt 2 xe dodge, ngăn chặn được âm mưu địch phá ủi rừng, lô cao su. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, từ ngày 16/3/1975, Đội du kích Bình Sơn đã bí mật đào công sự bao quanh đồn địch chờ thời cơ tấn công địch. Đội du kích Bình Sơn còn vận động trên 700 công nhân đồn điền Bình Sơn đấu tranh buộc địch bỏ tua gác, Đại đội bảo an 376 co cụm trong đồn, không dám ra ngoài tuần tra như trước đó. Nhờ vậy, lực lượng du kích đã kiểm soát tuyến đường 10 từ Bình Sơn ra Long Thành. Đến 1 giờ sáng ngày 28/4/1975, trước khí thế tiến công của các lực lượng cách mạng, địch hoang mang, rệu rã. Chớp thời cơ, Đội du kích Bình Sơn cùng nhân dân, công nhân cao su tiếp tục bao vây, buộc Đại đội bảo an 376 địch bỏ đồn, ta bắt sống 26 tên (có 1 chuẩn úy), thu 25 súng. Bình Sơn hoàn toàn giải phóng.
Trong 15 năm chiến đấu, Đội du kích Bình Sơn đã lập được thành tích: tiêu diệt 189 tên địch (trong đó có 63 tên lính Mỹ và Thái Lan); bắn rơi 6 máy bay, diệt 12 xe quân sự, thu 50 súng các loại, gỡ 1.274 mìn các loại, thu 50.000 viên đạn, 4.615kg thuốc nổ các loại; chế tạo 921 quả mìn chống xe tăng…
MINH NHIÊN
(Trích CÔNG TY CAO SU ĐỒNG NAI – HÀNH TRÌNH XUYÊN THẾ KỶ – NHỮNG DẤU ẤN VÀ GIÁ
TRỊ TRƯỜNG TỒN (1906 – 1986)
Kỳ tới: Nông trường An Lộc
Related posts:
- Trường CĐ CN Cao su: Thi hát karaoke” mừng ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đất - người - cao su ở cực Tây Bắc Tổ quốc
- Ảnh dự thi "Ánh sáng từ dòng vàng trắng" lần thứ V năm 2019
- Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba
- Tết thời Covid lần 2!
- Truyền thống là ngành động lực
- VRG cam kết đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh Bình Phước
- Cao su Quảng Trị: Đoàn kết, vượt khó, chia sẻ, trách nhiệm, hiệu quả
- Nắm bắt cơ hội giữa "bão Covid", doanh nghiệp gỗ đồng loạt báo lãi lớn
- Tình người trong mưa bão