Phong trào luyện tay nghề – thi thợ giỏi lan tỏa sâu rộng

CSVN – Hội thi Bàn tay vàng – đỉnh cao của phong trào Luyện tay nghề – Thi thợ giỏi (LTN – TTG) thật sự là ngày hội lớn, đã trở thành biểu tượng cho sự phát triển bền vững và bản sắc riêng của ngành cao su Việt Nam. Sự kiện không chỉ khẳng định vị thế của ngành trên bản đồ thế giới mà còn lan tỏa niềm tự hào nghề nghiệp của từng người công nhân trong ngành, góp phần xây dựng một ngành cao su hiện đại, giàu bản sắc văn hóa và nhân văn.

Hội thi Bàn tay vàng là ngày hội của công nhân cao su. Ảnh: Đào Phong
Phong trào thi đua trọng tâm mang lại nhiều hiệu quả

Trong quá trình phát triển, VRG luôn khẳng định vai trò tiên phong qua nhiều phong trào thi đua ý nghĩa, tạo nên khí thế, động lực hăng say trong lao động sản xuất cho hàng chục ngàn lao động. Một trong những phong trào thi đua tiêu biểu và mang tính đặc thù của ngành là phong trào LTN – TTG, đã được duy trì bền bỉ và phát triển rộng khắp tại các công ty cao su trong toàn ngành cao su.

Phong trào LTN – TTG thu hút sự tham gia nhiệt tình của đông đảo lực lượng công nhân khai thác, những lao động trực tiếp có vai trò quan trọng trong việc thực hiện sản lượng hàng năm của VRG. Ở những năm 80, 90 của thế kỷ trước, phong trào này từ chỗ định hình, khởi phát và dần có vị trí, trở thành phong trào thi đua trọng điểm của Công đoàn các cấp. Càng ngày, phong trào càng phát triển rầm rộ và trở thành phong trào truyền thống, mang tính đặc trưng của ngành cao su. Và nhắc đến VRG là nhắc đến phong trào LTN – TTG, Hội thi Bàn tay vàng (BTV) thu hoạch mủ cao su.

Phong trào LTN – TTG thực sự đã mang lại nhiều hiệu quả to lớn. Đầu tiên đó là việc lãnh đạo VRG và các cấp quan tâm đào tạo, luyện rèn tay nghề cho NLĐ góp phần xây dựng một đội ngũ công nhân cao su Vững lý thuyết – Giỏi thực hành, một đội ngũ công nhân giàu truyền thống, có tay nghề và đáp ứng yêu cầu công việc.

Tay nghề của NLĐ quyết định không nhỏ đến năng suất, chất lượng vườn cây. Chu trình của cây cao su tùy theo khu vực sẽ có vòng đời từ 20 – 25 năm, nếu chăm sóc, khai thác đúng Quy trình kỹ thuật sẽ giúp cho vườn cây có năng suất sản lượng cao, chất lượng mủ tốt. Tay nghề của NLĐ đóng vai trò tất yếu trong việc quyết định năng suất, chất lượng vườn cây. Nếu tay nghề NLĐ yếu, kém thì vòng đời của cây cao su có thể rút ngắn lại, năng suất vườn cây thu được không như kỳ vọng. Phong trào LTN – TTG, mà đỉnh cao là Hội thi Bàn tay vàng là dịp để kiểm tra hoạt động rèn luyện đào tạo tay nghề của các đơn vị, đánh giá tổng kết phong trào LTN – TTG các cấp. Đồng thời, khích lệ tinh thần thi đua yêu nước, thi đua hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch sản lượng. Đi đôi với phong trào này là các hình thức khen thưởng của các cấp nhằm kịp thời, động viên NLĐ ra sức thi đua, góp phần vào việc giúp cho đơn vị nói riêng và VRG nói chung thực hiện vượt kế hoạch sản lượng hàng năm, góp phần giúp VRG hoàn thành các chỉ tiêu khối lượng, doanh thu và lợi nhuận.

Thí sinh thi thực hành. Ảnh: Đào Phong
Những “đôi tay vàng” gìn giữ bản sắc công nhân cao su

Hội thi BTV là ngày hội lớn của những thợ cạo, nhằm tôn vinh nghề nghiệp, biểu dương những người có “đôi tay vàng”. Hội thi còn là dịp để đánh giá, kiểm tra trình độ tay nghề, mặt khác, qua đó phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng những công nhân điển hình, vững lý thuyết, thạo thực hành, trở thành những hạt nhân tại cơ sở, từ đó thúc đẩy phong trào LTN – TTG ngày càng phát triển.

Qua các kỳ Hội thi, những công nhân đạt thành tích cao và có quá trình phấn đấu học tập còn được xét nâng bậc, nâng lên làm huấn luyện viên đào tạo tay nghề cho đơn vị, làm quản lý cấp tổ – đội, nông trường. Đến nay đã có không ít những cá nhân phấn đấu đạt đến cấp cán bộ kỹ thuật công ty, lãnh đạo nông trường…

Từ năm 1984 đến nay, hội thi đã trao giải và vinh danh hàng trăm thợ giỏi của ngành cao su, họ đại diện cho hàng chục ngàn công nhân khai thác toàn ngành về tề tựu, tranh tài ở hội thi cấp ngành. Qua các kỳ tổ chức hội thi, danh hiệu BTV được trao cho thợ giỏi xuất sắc nhất. Có thể kể đến anh Lê Bá Hào – BTV 2004 (Cao su Tân Biên); Trần Sỹ Lợi – BTV 2006, Nguyễn Tấn Nghị – BTV 2010 (Cao su Dầu Tiếng); Phạm Chí Mạnh – BTV 2008 (Cao su Đồng Phú); Lường Khắc Thương – BTV 2012 (Cao su Phước Hòa); Trần Duy Đức – BTV 2016 (Cao su Chư Prông); Mai Duy Tuấn – BTV năm 2018 (Cao su Phú Riềng); Lê Đình Cường – BTV năm 2020 (Cao su Dầu Tiếng) và gần đây nhất là BTV 2022: Nguyễn Thị Phượng (Cao su Đồng Phú) và Trần Hữu Thắng (Cao su Chư Sê).

Hội thi BTV không chỉ đơn thuần là một cuộc tranh tài về tay nghề mà đã trở thành ngày hội truyền thống của ngành cao su Việt Nam. Đây là dịp để các công nhân gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau xây dựng tinh thần đoàn kết và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.

Hội thi BTV cấp ngành qua các kỳ đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng các khách mời quốc tế, lãnh đạo các Bộ ngành TW, địa phương. Điều đặc biệt là trên thế giới, dù có nhiều quốc gia trồng cao su, nhưng chỉ Việt Nam tổ chức một hội thi thu hoạch mủ với quy mô toàn ngành. Đây là nét văn hóa độc đáo, thể hiện sự tôn trọng và khích lệ tài năng người lao động, đặc biệt là những người công nhân lao động trực tiếp – điều mà không phải ngành nghề nào cũng làm được.

Hội thi BTV ngành cao su qua các thời kỳ đã ghi nhận và biểu dương, tôn vinh đóng góp to lớn của đội ngũ thợ giỏi vào sự nghiệp xây dựng phát triển ngành cao su. Chính những đôi tay khéo léo, cần mẫn trên vườn cây đã giữ vai trò quan trọng trong việc tăng năng suất vườn cây, năng suất lao động, từ đó giúp đơn vị hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch hàng năm của VRG. Cũng chính đội ngũ thợ giỏi này đã dấy lên phong trào thi đua mạnh mẽ trong toàn ngành, thi đua vượt kế hoạch sản lượng, thi đua lao động sản xuất. Đồng thời là nguồn cổ vũ tinh thần cho sự phấn đấu không mệt mỏi của NLĐ trẻ hăng say đóng góp công sức vào sự nghiệp chung của toàn ngành.

MINH TRÍ