CSVN – Những năm qua, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh đẩy mạnh việc áp dụng các công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, hướng tới phát triển kinh tế xanh, phát triển bền vững.
Cao su Chư Păh đã triển khai áp dụng quy trình sản xuất xanh, cụ thể, mủ cao su từ vùng nguyên liệu có chứng chỉ quản lý rừng bền vững (QLRBV) theo tiêu chuẩn VFCS/PEFC-FM được sản xuất theo quy trình xanh, từ bước chọn giống, trồng, chăm sóc, khai thác và tái canh hàng năm. Vườn cây được hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; giữ lại thảm thực vật để giữ ẩm và hạn chế xói mòn đất.
Sau khi khai thác mủ cao su sẽ được đưa vào sản xuất khép kín theo quy trình từ khâu tiếp nhận nguồn nguyên liệu đến các xe chuyên dụng chở mủ cao su, trong các công đoạn sản xuất chế biến cho đến thành phẩm và chuyển giao cho khách hàng đều được đánh dấu nhận diện đúng quy định của chuỗi hành trình sản phẩm theo PEFC-CoC. Bắt đầu từ việc phấn đấu trên 6.137,95 ha trong tổng số gần 10.000 ha cao su trong nước mà công ty đang quản lý được cấp chứng nhận QLRBV, đây là cơ sở rất quan trọng để thực hiện đồng bộ quy trình sản xuất xanh cho sản phẩm mủ cao su.
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thanh Bình – Phó GĐ NT Ia Nhin cho biết: “NT được công nhận chứng chỉ QLRBV cho toàn bộ diện tích 1.234 ha. Hàng năm, chúng tôi tổ chức tập huấn cho công nhân nắm rõ về an toàn vệ sinh lao động ngoài vườn cây, phân loại mủ nguyên liệu để đưa về nhà máy đảm bảo đúng quy trình theo VFCS/PEFC và PEFC/CoC. Khi vào hệ thống QLRBV thì phải đảm bảo môi trường sống xanh, khu vực sản xuất luôn sạch sẽ, khi sử dụng thuốc phải đảm bảo những hoạt chất sinh học tốt nhất để không ảnh hưởng đến người lao động, dân cư địa phương và đặc biệt là động thực vật trên vườn cây”. Chị Trịnh Thị Hiệu – Công nhân Tổ 11, NT Ia Nhin cho biết thêm: “Từ khi được công nhận chứng chỉ QLRBV, chúng tôi được tập huấn an toàn vệ sinh lao động, được hướng dẫn thế nào là sản xuất sạch gắn liền với bảo vệ môi trường sống và bảo vệ thiên nhiên. Mủ nguyên liệu vườn cây chúng tôi được hướng dẫn phân loại, nên hàm lượng mủ cao hơn, chất lượng mủ nguyên liệu tốt hơn nhờ vậy mà thu nhập của công nhân tăng lên”.
Bên cạnh yếu tố cốt lõi là xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý theo các tiêu chuẩn ISO 9001, ISO 14001, TCVN 3769, các chứng nhận QLRBV, công ty còn đẩy mạnh đầu tư cải tiến công nghệ trong sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong đó, áp dụng công nghệ Biomass sử dụng nhiệt hóa hơi trong chế biến sản phẩm thay thế cho dầu DO nhằm cải thiện chất lượng không khí; tận dụng lượng nước thải từ quá trình chế biến mủ cao su được xử lý đạt chuẩn để tái sử dụng cho hoạt động sản xuất, vừa giảm được chi phí, tiết kiệm nguồn tài nguyên.
Bà Huỳnh Thị Nga – Phó TGĐ Cao su Chư Păh cho biết: “Để hướng tới mô hình xanh thì công ty đảm bảo trong quá trình sản xuất theo 3 tiêu chuẩn: môi trường – kinh tế và đóng góp cho cộng đồng xã hội. Về môi trường thì công ty đã hướng tới nguyên liệu đầu vào từ vườn cây đến nhà máy và đến tay người tiêu dùng đảm bảo theo tiêu chuẩn QLRBV và chuỗi hành trình sản phẩm. Bên cạnh đó, hàng năm công ty cũng đã đầu tư hàng tỷ đồng trong công tác quản lý và bảo vệ môi trường, đầu tư an sinh xã hội. Trong tương lai chúng tôi tiếp tục rà soát các quy trình của công ty nhằm đánh giá những vấn đề gì cần khắc phục thì tiếp tục hoàn thiện để làm sao ngày một tốt hơn trong quy trình sản xuất xanh”.
HÀ ĐỨC THÀNH
Related posts:
- Cao su Dầu Tiếng: Giữ vững mục tiêu "công nhân giàu - công ty mạnh"
- Quặn lòng cao su sau lũ dữ
- Xen canh hiệu quả tại VKETI
- Các đơn vị miền núi phía Bắc: Bước đầu khởi sắc, ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động
- Cao su Bình Thuận kỷ niệm 40 năm thành lập
- Đội 5 (Cao su Hòa Bình) vượt khó về đích trước 48 ngày
- Cao su Phước Hòa luyện tay nghề để nâng cao thu nhập người lao động
- Cao su Đồng Phú: Năng suất vườn cây cao, ổn định
- Cao su Tân Biên - Kampong Thom về trước kế hoạch 45 ngày
- Sôi nổi trại hè thiếu nhi Cao su Dầu Tiếng