CSVN – Có lẽ những ký ức trong chúng ta là nỗi nhớ âu yếm về những kỷ niệm trong veo, bình yên nhắc hoài không chán; là những tháng ngày được sưởi ấm trong tình yêu thương của mẹ cha, ông bà, bè bạn. Đó có thể là những buổi chiều chăn trâu, thả diều cùng bạn, hồi hộp trốn trong đống rơm chơi ú tìm, là lúc hít hà miếng bánh thơm phức làm từ bàn tay mẹ, là thế giới thần tiên ngọt ngào câu chuyện cổ tích của bà, là những hoài niệm khó phai về một vùng đất, nơi đó khi đi xa sẽ đau đáu nhớ về…
Với tôi, ký ức ùa về trong tôi là những cánh rừng cao su mênh mông bát ngát trong những ngày tháng gieo chữ ở vùng đất mới. Nơi đó là vùng nỗi nhớ và hoài niệm và cũng là nơi sự sống được nảy sinh từ những cánh rừng cao su, biết bao người phải chịu ơn cây cao su, chịu nghĩa dòng sữa trắng.
Tôi vẫn nhớ như in, ngày trước nghe ngoại hay à ơi câu ca dao:“Cao su đi dễ khó về/Khi đi trai tráng, khi về bủng beo”. Mấy câu ngâm nga của bà, nhắc lại hồi ức về những năm đầu thế kỉ trước, khi thực dân Pháp đưa cao su đến vùng Dầu Tiếng, phá rừng lập đồn điền trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai, đời sống của người dân vất vả cộng với sự khắc nghiệt của rừng thiêng nước độc. Sau này đời sống của người dân được nâng cao hơn nhờ các công ty, xí nghiệp cao su nhiều, xuất khẩu sang cả nước ngoài. Và nhờ có loại cây công nghiệp này, bộ mặt của vùng đất Dầu Tiếng cũng thay da, đổi thịt, người dân có nhà cửa kiên cố, con em được ăn học đàng hoàng.
Nhân duyên đến với tôi không phải là vùng đất Dầu Tiếng trù phú, xanh tươi mà ngoại thường hay kể mà chính là mảnh đất Tây Nguyên ngày tôi về để nhận công tác. Ngôi trường nằm sâu trong cánh rừng cao su bạt ngàn được ví như một thảm xanh khổng lồ. Thời điểm vào những ngày cuối của tháng 12, khi khí hậu mát mẻ, thời tiết khô ráo, lúc này cả rừng cao su thay lá chuyển từ màu xanh mướt sang màu đỏ đỏ, vàng vàng, tạo nên một bức tranh vô cùng thơ mộng. Cứ chiều chiều, sau khi xong nhiệm vụ đem cái chữ cho các em thơ, tôi lại lang thang đến những cánh rừng cao su. Trước mắt tôi là những cây cao su được trồng thành hàng lối thẳng tắp, kéo dài hơn cả cây số, những vết cạo cùng một chiều; những chiếc ca hứng mủ phía dưới cùng một hướng; và bên trên vết cạo, thân cây nào cũng “đồng phục” đội một chiếc nón che…
Những con đường cao su mát mẻ, dễ chịu nhờ có từng hàng cao su ngút ngàn hai bên chào đón. Sau này nghe người dân ở vùng này kể lại, sở dĩ trước đây những ngày mưa to khi chưa có mái che mưa, công nhân vừa cạo xong, mủ bắt đầu được hứng về các chén thu mủ, mưa ập đến, cuốn bay tất cả, vừa lãng phí, vừa mất công sức của người lao động nên sự ra đời của máng chắn mưa giúp miệng cạo nhanh khô để giữ được nhịp độ cạo và tiến hành cạo mủ được ngay sau khi cơn mưa vừa dứt.
Một năm có bốn mùa, theo chu kì vận hành của đất trời. Ở Tây Nguyên, mùa nào cũng đẹp và cũng đặc biệt, có lẽ đẹp nhất vẫn là mùa thay lá cuối đông đầu xuân. Ở đây vẫn có một mùa xuân tràn trề nhựa sống, một mùa hạ với cái nắng nảy lửa khô rát cả đất cả người, một mùa thu vàng như những bức tranh của danh họa thời cổ. Nhưng có lẽ đặc biệt nhất vẫn là cuối đông rừng cao su mới đồng loạt thay lá, khoác lên mình một màu lá mới giao thoa giữa các sắc xanh, đỏ, vàng tạo nên một cảnh tượng vô cùng huyễn hoặc hư ảo. Thoảng vẫn nghe đâu đó tiếng lá xào xạc xen lẫn tiếng chim hót ríu rít giữa khung trời bình yên.
Quá trình thay lá của cây cao su mất khoảng ba tháng, kể từ khi lá già bắt đầu chuyển màu cho đến khi rụng trơ trọi lá, chỉ còn lại những cành nhánh rồi bắt đầu một quy trình mới cuộc đời mình vào giữa xuân. Những tán cao su vươn dài, xòe rộng rợp mát. Thi thoảng có cơn gió đưa qua là hàng tỉ chiếc lá vàng rụng rơi xuống phủ khắp mặt đường khiến ai nhìn thấy cũng phải nao lòng tạo nên một khung cảnh đầy thơ mộng và độc đáo. Lá vàng rơi trải thảm dưới chân, như thể lạc vào cõi cây lá mộng mơ ở một xứ sở xa xăm nào đó.
Giờ đây khi đã chuyển công tác đến một vùng đất mới của miền Trung đầy nắng và gió, ở vùng quê này không thấy bóng dáng của những cây cao su cao vút, thẳng tắp nhưng tôi vẫn luôn nhớ về năm tháng cùng ăn, cùng ở và cùng người dân ở nơi đây yêu thương những hàng cao su bạt ngàn. Có lẽ những người con đi ra từ miền đất cao su này rồi họ trưởng thành sẽ không thể nào quên được tiếng dao cạo cứa vào thân cây nghe rột roạt, tiếng mủ rơi tí tách trong tô, còn cả tiếng vo ve của “tập đoàn” muỗi trú ngụ trong rừng cây…
Hiện nay kinh tế thị trường có nhiều thay đổi, ngành cao su đang đứng trước những thời cơ và thách thức, có nhiều công nhân cạo mủ đã chuyển đổi sang công việc khác để đảm bảo thu nhập, nhiều người khác thì vẫn bám trụ với công việc đã gắn bó từ những ngày đầu khai hoang vùng đất này với bộn bề gian khó. Dù hiện tại có thế nào, cây cao su đã làm tròn sứ mệnh thiêng liêng trên vùng đất mới, đem màu xanh hi vọng và no ấm cho mọi nhà.
Chính vì vậy, cao su bao đời nay trở thành cây “mở đường”, là người mẹ hiền, nuôi nấng và che chở cho bao người để họ mưu sinh, để họ lập nghiệp và để họ cống hiến cho sự phát triển của đất nước. Giữa dòng người đông đúc, giữa những lo toan chật vật của bộn bề cuộc sống, dường như những thứ cơm áo gạo tiền đè nặng vai nhưng kí ức về cánh rừng cao sau ngút ngàn vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu. Chừng ấy thôi, tôi bỗng thấy khóe mắt mình cay cay, những miền kí ức ngày xưa ùa về. Thương thương, nhớ nhớ những cánh rừng cao su, nơi đó cả một miền yêu thương.
NGUYỄN VĂN NHẬT THÀNH
(Triệu Phong – Quảng Trị)
Related posts:
- Chắp cánh ước mơ cho những tấm gương hiếu học
- Ảnh dự thi "Ánh sáng từ dòng vàng trắng" lần thứ V năm 2019
- Thay đổi cần biết về Hội thi 85 năm
- "Cao su Đồng Nai - Hành trình xuyên thế kỷ, những dấu ấn và giá trị trường tồn"
- Công nhân cao su năm Ất Mùi 1955: Kiên trì đấu tranh, củng cố hòa bình
- Sẵn sàng khai màn Hội diễn Khu vực III
- Bảo tồn các nghi lễ đặc trưng của đồng bào dân tộc JRai
- Tiếp bước cha anh, làm rạng danh ngành cao su
- Chúc tết năm mèo
- Nguồn gốc giống cao su do ông E. Rauol đưa vào Việt Nam